Xuân ấm 2021
Tháng Giêng vừa hết, nhưng Xuân vẫn còn đương. Từ tối 12/3/2021, phố đi bộ quanh hồ Gươm hoạt động trở lại. Tôi hào hứng đưa các con dạo bước quanh hoa cỏ mùa Xuân nơi 'vùng cổ tích' (chữ của Tô Hoài), chơi với bầy trâu ngũ sắc.
Cuối cùng, tôi chợt nhận ra: 25 năm theo đuổi thi ca với nỗ lực cách tân, đổi mới, hiện đại nhưng sâu thẳm trái tim đa cảm này là những rung động chưa khi nào hao vơi trước những giá trị truyền thống. Tết, ở thời nào cũng mang hồn cốt: Đoàn tụ và trở về.
Mùa Xuân 2021, tôi tròn tuổi 41. Đã trung niên 1 thập kỷ rồi mà vẫn về thơ bé. Tính từ lúc chào đời, Xuân năm nay là đúng 40 cái Tết tôi đón Tết ở nhà. Ngày nay, đời sống cao và quan điểm giảm nghi thức coi trọng Tết Nguyên đán, làm tăng số lượng người muốn" trốn Tết" để ngao du. Trốn mệt mỏi mua sắm, dọn dẹp, trang hoàng, nấu ăn và lại... rửa dọn. Covid-19 kéo dài hơn năm đã "xâm lược" mọi cấu trúc xã hội, đảo lộn và "chế bản" nhịp sống mới với toàn cầu.
Đường không vận quốc tế ngừng nên hàng triệu kiều bào không thể về Việt Nam đón Tết. Cả trước và sau Tết đều phải chịu đựng nhớ mong và hy vọng. Du lịch trong nước được cổ vũ. Năm ngoái, mưa dữ dội tối Giao thừa nhưng vẫn xong cái Tết không xáo động.
Cả năm 2020 gian khó trăm bề, mà kỳ diệu thay, hay chính nhờ bản lĩnh Việt Nam, quốc gia mấy ngàn năm chống chọi đủ loại thử thách, tính thích nghi nhanh, chịu thương chịu khó mà khiến nền kinh tế vẫn tăng trưởng. Cả thế giới khâm phục và kinh ngạc về Việt Nam, chống - chế ngự dịch tốt mà lại vẫn phát triển được kinh tế.
Nhưng đến năm 2021, từ tháng Chạp năm Canh Tý, học sinh phải nghỉ học trước 10 ngày khiến mọi kế hoạch của các gia đình có con nhỏ bị đảo lộn. Không bất ngờ nhưng bí bách, khó xử. Bao việc phải lo xong trước 30 Tết mà lại làm "bảo mẫu" bất đắc dĩ thì kêu ai? Mẹ tôi kĩ tính, cực đoan: Kiêng mùng 1 không đi đâu, cũng không muốn tiếp ai, kể cả ruột thịt nội tộc. Có 3 ngày Tết, kiêng đứt mất 1 ngày. Ở với cha mẹ 33 năm mới ra ở riêng, nên tôi cũng bị ảnh hưởng. Năm 2021,quyết đến một thành phố khác: Lên lịch về Hải Phòng, đón giao thừa ở khách sạn Imperia 45 tầng tại quận Hồng Bàng (cao nhất Đông Bắc). Đất Cảng thân thuộc với gia đình tôi, vì đây là quê mẹ. Kịch bản" cháy". Lại đón năm mới tại nhà, Giao thừa thứ 40 của người sinh tháng Tư.
Tự an ủi rằng "cháy" hết mọi kịch bản chứ đâu riêng mình nhà tôi. Này đây, quên đi câu ca dao "Tháng Giêng là tháng ăn chơi" vì lệnh dừng mọi hoạt động vui chơi, giải trí, tôn giáo, lễ hội. Tết là dịp hội ngộ, sum vầy, lại bị hạn chế vì tránh tập trung đông. Hết Tết muốn về Hải Phòng thì ái ngại thành phố vắng buồn, vì không còn hàng, quán - một nét đặc trưng hấp dẫn của mọi chuyến du lịch là ẩm thực.
Tết là tuần bận, mệt, nhưng vẫn được nghỉ ngơi, ngủ muộn hơn, được quan tâm, thăm hỏi, bù chuộc cả những thiếu sót bẵng cách thường nhật do mưu sinh và lý do (triền miên) quá tải. Mỹ tục này có bị ảnh hưởng do Covid-19 một phần, một phần vì dân ta sính "lạ", lạm dụng công nghệ số mà gửi lời chúc và cả... mừng tuổi (lì xì) qua điện thoại. Thực ra ý nghĩa của mừng tuổi đâu chỉ là chuyển khoản - cho và nhận tiền! Tôi thích dắt các con xúng xính quần áo mới, tóc và thân thể thơm ngát hương mùi già, tay cầm phong bao đỏ, miệng tươi xinh, líu lo, reo hát.
Tết bao giờ cũng đến từ không khí chuẩn bị. Sức mua đồ ăn, uống, quất đào giảm, nhưng không giản lược phong vị truyền thống Hà thành. Thược dược, violet, lay-ơn, các loài hoa Tết của "ngày xưa" lại về rộ khắp ngõ, phố, như những xe đạp, xe máy có giá thồ hàng bồng lên một quầng xanh lan mùi thơm dịu mà thanh tao của mùi già theo từng mét đường mà người bán hàng xê dịch.
Cần gì phải là hoa đắt, cầu kì đặt, chọn, tôi cắm bình hoa mùi vào bình gốm góc nhà. Hương mùi cho không khí lắng một miền tinh khiết. 3 thành phố lớn nhất nước, chỉ mình Thủ đô bắn pháo hoa tại Công viên Thống nhất, không vì tiết kiệm mà tước đi niềm hân hoan kinh điển: Ngước mắt ngắm pháo hoa và đếm ngược đến 0 giờ...
Lần đầu tiên, tôi đi xe máy một vòng quanh các phố cũ của Hà Nội. Từ Cầu Giấy, phía Tây thành phố, lên Hào Nam Ô Chợ Dừa, qua Văn Miếu, tới Cửa Nam, rồi theo đường Điện Biên Phủ sáng rực cờ hoa, đi qua Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đào rực hồng cả phố Bắc Sơn - Đài Liệt sĩ linh thiêng trước Quảng trường Ba Đình lịch sử kề sát Hoàng thành Thăng Long. Mấy chiến sĩ bảo vệ tuổi chắc ngoài 20, đang canh gác dọc phía ngoài Nhà Quốc hội. Tôi dừng xe hỏi thăm, một chiến sĩ nói: "Tụi em canh gác đến 1 giờ sáng thay ca. 24 giờ đều có người túc trực. Em thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh vệ - Bộ Công an". Ra khỏi nhà khi 22 giờ 20, lần đầu bát phố vào giờ cuối cùng năm, mới thấy nhiều hơn những người không được ăn cơm Tất niên, cùng gia đình đón chào năm mới.... Tôi thấy Hà Nội đêm 30 lại đông khác lạ. Qua cửa đền Quán Thánh - một trong "Thăng Long tứ trấn", thơ thới tâm hồn theo lối Cổ Ngư, lướt chậm giữa đôi hồ Lãng Bạc, Trúc Bạch. Thật thơ mộng và lãng mạn hơn khi gọi tên cổ cho hồ Tây và đường Thanh niên.
Đi nhanh đến nhà nghệ sĩ piano Trinh Hương, con gái cả của nhạc sĩ Phú Quang. Tân Sửu, năm tuổi, tác giả ca khúc "Em ơi, Hà Nội phố" lần đầu không đón Tết tại nhà, dù cách 7km, vì nằm... bệnh viện. Nhưng giai điệu tác phẩm của ông vẫn ngân trong mỗi bước chân nhịp phố. Làng Tứ Liên ven đô nơi gia đình cha con ông an cư, thuộc chuỗi "làng lúa, làng hoa" trong sáng tác nổi tiếng nhất của Ngọc Khuê. Thầm hát lên dào dạt niềm yêu cuộc sống.
Về nhà còn cách 2 phút, vội vã chạy lên gặp mọi người, chúc Tết và mừng tuổi. 2 đứa bé hồn nhiên khiến tôi thêm sinh lực sống và nỗ lực. Tối mùng 1, tôi đưa các con đi "ngắm trâu". Người bạn nhà nông vốn ở nông thôn, lần đầu "tha thẩn" ở trung tâm Hoàn Kiếm. Trâu ở cổng phố sách phía phố Hai Bà Trưng, vườn hoa Cổ Tân, Tràng Thi và đẹp nhất là đàn trâu bên hồ Gươm, phía phố Hàng Khay.
Đàn trâu này là " trâu thiên sứ", "trâu ước mơ". Chúng béo, khỏe, lại nhiều màu, họa tiết mơ mộng. Chúng không còn là gia súc chuyên bị khai thác sức kéo và bị xẻ thịt, mà hiện ra như bảo chứng của thảnh thơi, no đủ, vững chãi. Chúng tôi ngắm, đếm hết bầy trâu như muốn cộng niềm vui sống chậm. Không có trâu xám, trắng như thực tế mà là trâu xanh lá, xanh nước biển, đỏ, hồng, cam, trắng.
Con trâu đỏ có mục đồng tinh nghịch ở góc hồ gần ngã 4 Đinh Tiên Hoàng, có làm sân khấu tiểu cảnh cho nhân dân chụp ảnh. Tôi và 5 bà mẹ khác cùng các con đều có khẩu trang, nhẫn nại chờ nhau để ôm, tựa trâu chụp ảnh.
Phần không thể thiếu là ăn kem Tràng Tiền. Thương hiệu kem từ năm 1958 này là dấu ấn đời sống của người Thủ đô. Ai xa, ai về Hà Nội, tới đây cứ phải "làm chầu kem" thì mới là "đóng dấu visa" Bờ Hồ. Hàng kem nằm trong sân Công ty Kem Tràng Tiền, không nghỉ ngày nào, kể cả hôm rét cóng. Sân cửa hàng cũng đặt chú Trâu đỏ lực lưỡng cho khách chụp lưu niệm ngày Xuân. 10.000 đồng/ que các loại, 13.000/ ốc quế chọn tùy khẩu vị, khách ăn kem nô nức xếp hàng. Chắc đây là món duy nhất Hà thành đạt kỷ lục người mua chịu khó xếp hàng đông và liên tục nhất.
Hỏi chuyện anh Hải bảo vệ đã gắn bó tại đây 13 năm, anh cho biết: "Hàng kem Tràng Tiền cứ gọi là bán... 366 ngày ấy chứ. Đêm Giao thừa bán tới gần 2 giờ sáng mới nghỉ".
Ăn kem xong, chúng tôi lại được nghe đàn, hát từ người đàn ông ngoại quốc tóc vàng. Anh Ian Frost mở hộp đàn dưới chân, kiếm từng đồng lẻ.Thật không ngờ người hát rong này đến từ New Zealand, cầm cự cuộc sống tại Việt Nam thế này anh vẫn thấy may mắn vì Việt Nam an toàn 100 triệu dân mà chỉ hơn 2.000 ca nhiễm. Anh hát không hay, nhưng vẫn lác đác người cho tiền. Đúng là thời Covid-19, mọi thứ đều có thể xảy ra. Ta sang quốc gia giàu làm thuê thì đã đành, người từ xứ giàu lại tối tối hát vỉa hè ở ta, lần đầu tôi gặp.
Tết Tân Sửu không mưa phùn bay, thứ mưa Xuân tươi mát dịu trong, mà ấm. Ngoài ấm thời tiết còn ấm tình người. Cả nước nỗ lực chống dịch, dù khuyến cáo" 5K" của Bộ Y tế phát nhiều lần mỗi ngày trên các kênh truyền hình. Bị phong tỏa cách ly, cả nghìn ha đất nông nghiệp của Hải Dương rộ mùa thu hoạch rau, củ, quả. Hải Dương không liền kề Hà Nội (cách qua Hưng Yên), nhưng người Hải Dương sống ở Thủ đô, người Hà Nội quan tâm Hải Dương, tình của Kinh đô với Xứ Đông thật ấm áp. Cứ nói dân ta giờ khấm khá hơn, Tết không nặng chuyện ăn, vui chơi là chính, mà khi cần chung tay giải cứu giúp bà con thu hồi vốn và công sức chăm trồng, Hà Nội đã tạo nên chiến dịch nghĩa đồng bào thật cảm động. Giá rau quả, trứng, gà.. thấp hơn thị trường, nhưng không vì giá rẻ hơn, mà ở khí thế "giúp một tay" lan khắp mọi tầng lớp xã hội.
Nông sản Hải Dương vào các siêu thị, được ưu tiên bày ở nơi thu hút nhất; hàng chục điểm bán hàng khắp Hà Nội đều tiêu thụ nhanh, người mua hồ hởi cầm sẵn tiền, lấy nhanh nhưng túi đồ đóng sẵn, không ai mặc cả.
Cuộc sống số, chính quyền - Chính phủ điện tử, thành phố thông minh, những danh từ - khái niệm đặt ra là mục tiêu phấn đấu của xã hội công nghiệp thời đại 4.0 không thể chiếm, tước đi những tập quán văn hóa không chỉ của nền văn minh lúa nước, mà là khao khát nhân văn của cả nhân loại lúc này.
Ở nhà lâu, không được ngồi cà phê, không được đến Nhà hát, rạp chiếu phim, có thể chịu đựng. Nhưng không thể không gặp nhau, không thể "mũ ni phớt lờ" đồng loại, đồng bào khi họ gặp rủi ro, nguy khốn. Xông nhà - cắt. Cúng cầu an - trực tuyến. Mừng tuổi bằng tin nhắn chuyển tiền. Siêu thị tận nhà, có dịch vụ đi chợ, giao hàng vào... bếp... - ưu việt của thương mại điện tử không thay thế sự kết nối giao lưu. Nhân viên vệ sinh nghỉ mùng 1, mùng 2 đẩy xe rác chưa gõ kẻng thì các bà các cô các ông các cháu đã nháo nhác tấp nập ra vứt rác rồi tâm sự vài câu bên xe rác: "Chỉ chờ chiều đi đổ rác, được gặp nhau thế này... thích thật".
Ôi niềm vui bé nhỏ lại được nối, nhân khi mẹ tôi và các cô bác về hưu, các bà nội trợ rủ nhau đi "giải cứu rau củ quả Hải Dương". Không ai sợ lo vì mọi xe nông sản đều được phun khử khuẩn và cũng vì tình người, lửa ấm phấn chấn. Triệu người góp sức, Hải Dương không đơn độc, rồi nước ta sẽ khống chế được dịch bệnh, kì tích sẽ xảy ra như một "Hiện thực- Phép màu"!
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/xuan-am-2021-412974.html