Xuân ấm của những cô giáo có chồng công tác đảo xa
Các cô giáo có chồng đang công tác tại đảo xa đã vơi bớt nỗi nhớ nhung, xa cách, để đón Tết trong niềm tự hào, tình yêu thương và sẻ chia.
Làm vợ lính chịu nhiều thiệt thòi
“Làm vợ lính chịu nhiều thiệt thòi lắm”, cô Lê Thị Ngà - giáo viên Trường THCS Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm) nghẹn ngào thổ lộ. Chồng cô là anh Chu Văn Thanh, chiến sĩ hải quân đã có hơn 20 năm làm nhiệm vụ tại biển đảo. Tết đoàn viên với cô chỉ đếm trên đầu ngón tay vì từ khi lấy nhau đến nay, phần lớn thời gian anh đều công tác ngoài đảo.
Là vợ lính phải luôn mạnh mẽ và can đảm, thế nhưng có những lúc cô Ngà không tránh khỏi chạnh lòng. "Tôi không thể quên cảm giác khi chuẩn bị sinh con thì chồng phải thực hiện nhiệm vụ công tác xa một thời gian dài. Ngày anh đi, mắt hai vợ chồng đỏ hoe, tôi không nói được câu nào vì sợ sẽ bật khóc. Đến cả tháng trời, tôi không giấu nổi cảm xúc mỗi khi ai đó hỏi thăm...", cô Ngà chia sẻ,
Sinh con rồi nuôi con nhỏ, cô Ngà đếm từng ngày con lớn khôn. Đó cũng là từng ấy ngày cô đợi chồng về. Ông bà nội, ngoại ở xa nên mỗi khi con ốm đau, cô một mình lo toan, tự sắp xếp công việc vẹn toàn. Lần sinh con ấy chồng cô Ngà đi tận 2 năm, về nhà được ít ngày anh lại nhận nhiệm vụ mới. Niềm vui của hai mẹ con là sự chờ đợi những chuyến chồng, cha về phép và những cuộc điện thoại vào ngày nghỉ.
Vất vả, khó khăn nhưng cô Lê Thị Ngà luôn tự hào vì chồng đang giữ trọng trách bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Niềm tự hào ấy được cô hàng ngày truyền tới học sinh, giúp các em thêm yêu quê hương, đất nước.
Đến thăm gia đình cô Nguyễn Thị Thảo, giáo viên Trường mầm non Tân Tiến (huyện Chương Mỹ) dịp Tết Quý Mão 2023, chúng tôi xúc động khi nghe cô tâm sự. Chồng là anh Nguyễn Đức Thành công tác tại vùng 4 hải quân. Hơn 12 năm kết hôn, vợ chồng cô thường xuyên sống trong xa cách.
Các chuyến đi của anh theo nhiệm vụ quân sự nên không tính rõ ngày đi, ngày về. Đợt nào anh ở nhà cùng gia đình lâu nhất được 20 ngày. Khi sinh 2 con, cô Thảo đều phải cố gắng hết mình. "Đứa con đầu một mình tôi xoay xỏa. Sau quen dần, sinh con thứ hai đã không còn bận tâm, tự mình làm mọi việc...", cô Thảo chia sẻ.
Tết năm nay, dù vợ chồng cô Thảo không được ăn Tết cùng nhau nhưng những cuộc điện thoại hàng ngày với đất liền đã làm khoảng cách vợ chồng như rút ngắn. Niềm tự hào có chồng là lính đảo đã giúp cô vơi đi nỗi nhớ nhung và đón Tết ấm áp hơn.
Cô Nguyễn Thu Thủy - giáo viên Trường THCS Cao Dương (huyện Thanh Oai) là vợ trung tá Trần Anh Tuấn đang công tác tại đảo Phú Quốc tỉnh Kiên Giang. Để vơi đi nỗi nhớ chồng, cô luôn nhủ phải nỗ lực hết mình. Trong giờ dạy cô thu hút học trò bằng những lời giảng sâu sắc, thấm thía, chọn ngữ liệu ôn tập là bài thơ về Trường Sa...
Con cô Nguyễn Thu Thủy là cháu Đinh Thúy Ngân, học sinh lớp 6 Trường THCS Cao Dương cho biết: Tết này bố không về ăn Tết cháu rất nhớ. Nhưng chỉ nghĩ đến ngày bố về đón Tết muộn cũng khiến niềm vui dâng trào. Cháu luôn tự hào về bố và sẽ cố gắng học tập tốt để bố yên tâm công tác.
Đón Tết trong tự hào, yêu thương và sẻ chia
Chia sẻ về sự đóng góp, nỗi niềm nơi hậu phương của những người lính gìn giữ biển đảo, bà Trần Thị Thu Hà - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội cho rằng tình cảm, sự quan tâm chia sẻ của hậu phương, từ những người vợ ở quê nhà chắc chắn là nguồn động viên, động lực và tiếp lửa cho cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm bám biển.
Những cơn sóng dữ, những ngày nắng cháy da hay những đêm bão tố gầm gào, nỗi nhớ gia đình, đặc biệt vào dịp Tết đến Xuân về... không làm chùn bước tất cả cán bộ chiến sĩ đang ngày đêm làm nhiệm vụ trên biển đảo. Với họ, hậu phương vững chắc là động lực tinh thần mạnh mẽ để vượt qua mọi thử thách nơi đầu sóng ngọn gió. Họ đã và sẽ tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo tổ quốc.
Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên cùng hơn 2,2 triệu học sinh ngành GD&ĐT Thủ đô cùng bày tỏ tấm lòng cảm ơn sâu sắc tới 25 cán bộ, giáo viên, nhân viên là vợ và 108 học sinh là con các chiến sĩ đang công tác tại biển đảo. Họ là những người vợ, người con vượt lên mọi khó khăn để trở thành hậu phương vững chãi giúp các anh luôn chắc tay súng nơi tiền tuyến.
“Trong những người vợ đó có cô giáo đang trực tiếp giảng dạy trong ngành GD&ĐT Hà Nội. Các cô đã thay chồng chăm sóc cha mẹ già và con thơ. Không chỉ quán xuyến, đảm đang công việc gia đình, các cô còn đạt nhiều thành tích nổi bật trong quá trình công tác như: Danh hiệu Giáo viên dạy giỏi, Chiến sĩ thi đua cơ sở, Cô giáo tài năng duyên dáng, Giỏi việc trường - Đảm việc nhà, Cô giáo người mẹ hiền, giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo...", bà Trần Thị Thu Hà chia sẻ.
Năm nay, ngành GD&ĐT Hà Nội và Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội đã tặng 25 cán bộ, giáo viên, nhân viên là vợ chiến sĩ đang công tác tại biển đảo mỗi người một phần quà và 2 triệu đồng. Ngành GD&ĐT Hà Nội tặng 108 học sinh là con chiến sĩ đang công tác tại biển đảo mỗi học sinh một phần quà và 300 nghìn đồng.
Nhiều năm nay, mỗi dịp Tết đến Xuân về, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội lại phối hợp với Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức gặp mặt, tặng quà cán bộ, giáo viên, nhân viên là vợ và học sinh là con chiến sĩ đang công tác tại biển đảo. Đây là hoạt động mang ý nghĩa thiết thực nhằm thực hiện chính sách hậu phương quân đội, kịp thời động viên gia đình các chiến sĩ để các anh yên tâm công tác.
Những món quà tuy chưa có giá trị lớn về vật chất nhưng đã thể hiện sự biết ơn, tôn trọng tới gia đình những người lính hy sinh quyền lợi cá nhân để người dân có thêm nhiều cái Tết ấm no, hòa bình. Các anh hãy an tâm, bởi ở đất liền, hậu phương của các anh đang đón Tết trong niềm tự hào, tình yêu thương và sẻ chia.
Cô Ngô Thị Thu Phương, nhân viên y tế Trường tiểu học Đại Xuyên (huyện Phú Xuyên), có chồng đang công tác tại nhà giàn khoan DK1, chia sẻ: Được sự quan tâm của ngành thì bản thân tôi cảm thấy rất xúc động, rất vui. Đây là nguồn động viên gia đình và động viên chồng tôi yên tâm công tác.