Xuân ấm trong những ngôi nhà tình nghĩa

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tỉnh Sóc Trăng có 49.225 người có công, trong đó có 12.118 đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng, 37.107 đối tượng hưởng trợ cấp một lần. Để chăm lo chu đáo cho các gia đình chính sách, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành, các cấp trong tỉnh đa dạng hóa các hoạt động 'tri ân' các mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng. Nổi bật trong các hoạt động đó là công tác xây dựng nhà ở cho người có công, đến nay có gần 7.800 mái ấm mang tên 'nghĩa tình' được sửa chữa, xây dựng, đã và đang giúp người có công từng bước ổn định cuộc sống, an cư lạc nghiệp…

Nhìn tấm bằng Tổ quốc ghi công của chồng, mẹ Trần Thị Năm cho biết, nếu thời gian quay lại, mẹ vẫn quyết theo Đảng, theo Bác Hồ. Ảnh: M.LINH

Nhìn tấm bằng Tổ quốc ghi công của chồng, mẹ Trần Thị Năm cho biết, nếu thời gian quay lại, mẹ vẫn quyết theo Đảng, theo Bác Hồ. Ảnh: M.LINH

Trong những ngày đầu xuân chúng tôi ghé thăm mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Năm, ở thị trấn Mỹ Xuyên (Mỹ Xuyên). Ở tuổi 95 nhưng mẹ vẫn còn minh mẫn, nhanh nhẹn ra đón tiếp khách trong niềm phấn khởi. Đây là cái tết thứ hai mẹ được ở trong ngôi nhà tình nghĩa do Đảng, Nhà nước xây tặng. Ngược dòng thời gian, mẹ Năm nhớ lại một thời kháng chiến oanh liệt, trong cuộc chiến này mẹ đã vĩnh viễn mất đi người chồng và đứa con trai. Sinh ra trên vùng đất Nam Kỳ khởi nghĩa, mười mấy tuổi đầu mẹ đã làm liên lạc cho cách mạng cho đến khi lập gia đình, không lâu sau khi người con đầu chưa được 2 tuổi, mẹ lại tiếp tục xông pha cùng đồng đội đi làm binh vận, thực hiện công tác vận động quần chúng, vận chuyển đạn dược tiếp tế cho cách mạng, nuôi giấu bộ đội… Năm 1964 khi hay tin chồng hy sinh, lòng đau như cắt nhưng mẹ không ủy mị mà lấy đó làm sức mạnh để tiếp tục hoạt động cách mạng và động viên hai người con đứng lên trả thù cho cha. Thế là ba mẹ con cùng tham gia cách mạng, ra tù vào khám mấy bận cho đến khi hòa bình lập lại. Và chính ngày được hưởng tự do cũng là ngày mẹ Năm hay tin người con thứ ba hy sinh, mẹ lại nén nỗi đau lần hai để tiếp bước về phía trước, trở về quê nhà gầy dựng lại mái ấm, chăm lo cho các con. Giờ tuổi đã cao, mẹ Năm mãn nguyện với hiện tại. Cầm trên tay tấm bằng Tổ quốc ghi công của người chồng liệt sĩ, mẹ bộc bạch, nếu thời gian quay lại, mẹ vẫn quyết chọn con đường theo Đảng, theo Bác Hồ và sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do, hạnh phúc cho hôm nay và mai sau.

Đôi vợ chồng thương binh Nguyễn Văn Huệ và Trần Thị Hoa hạnh phúc bên căn nhà “tình thân”. Ảnh: M.LINH

Đôi vợ chồng thương binh Nguyễn Văn Huệ và Trần Thị Hoa hạnh phúc bên căn nhà “tình thân”. Ảnh: M.LINH

Ngôi nhà mang tên nghĩa tình đã phần nào xoa dịu vết sẹo chiến tranh của vợ chồng thương binh Nguyễn Văn Huệ và Trần Thị Hoa ở quê hương Mỹ Phước (huyện Mỹ Tú) anh hùng. Ngồi trước hiên nhà nhấp ly trà nóng, vợ chồng ông Huệ không giấu được niềm hạnh phúc khi được sống trong ngôi nhà ấm cúng và con cái có cuộc sống ổn định, bao khó khăn, vất vả trước đây cũng dần lùi vào quá khứ. Theo ông Huệ, vợ chồng ông thường bảo nhau đây là căn nhà “tình thân” bởi nó được xây nên từ sự hỗ trợ của Nhà nước và đóng góp của các con, nhờ đó căn nhà càng thêm ý nghĩa. Tuy giá trị không lớn nhưng vợ chồng ông Huệ vô cùng trân quý. Thoát ly theo cách mạng khi tuổi đời mới 13, 14, những khi tham gia cùng đơn vị tác chiến, hai vợ chồng vừa là chiến sĩ vừa là quân y để bảo vệ, chăm sóc thương binh. Có lần đánh địch bị chúng bắn trả gãy cả xương chậu, đứt cả ruột già, những tưởng không thể sống nhưng khi bình phục ông Huệ, bà Hoa vẫn tiếp tục chiến đấu để trả thù cho đồng đội, đồng chí đã hy sinh. Khi hoàn thành nhiệm vụ với Tổ quốc, vợ chồng ông Huệ quay về cuộc sống đời thường với bao khó khăn chồng chất nhưng với phẩm chất của người lính Cụ Hồ, vợ chồng ông vượt qua tất cả để chăm lo cho các con. Nhất là từ khi nhận được sự quan tâm thiết thực của các cấp ủy đảng, chính quyền, cuộc sống gia đình thay đổi hẳn, ông bà có tiền trợ cấp hàng tháng, sau đó còn được hỗ trợ xây dựng nhà ở, các con đều có nghề nghiệp. Cuộc sống ổn định, ông Huệ càng nhiệt tình hơn trong vai trò Chi hội trưởng Người cao tuổi của ấp, bà Hoa thì coi sóc nhà cửa, đặc biệt vợ chồng ông thống nhất hiến mảnh đất cạnh nhà cho chính quyền địa phương xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, vì ông muốn con cái ở gần cách mạng để mở mang, trưởng thành và thấu hiểu, trân trọng quá khứ, qua đó giữ gìn, phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc, ra sức học tập, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bà Trần Thị Đượm được an yên tuổi già. Ảnh: M.LINH

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bà Trần Thị Đượm được an yên tuổi già. Ảnh: M.LINH

Nằm trong diện giải tỏa trắng, bà Trần Thị Đượm, ở Khóm 6, Phường 6 (TP. Sóc Trăng) mừng đến mất cả ngủ khi được địa phương xét hỗ trợ 40 triệu đồng để xây dựng nhà ở. Với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự góp sức, góp của của các con, bà Đượm cũng xây dựng được mái ấm khang trang ở tuổi 86 và sẽ được đón cái tết đầu tiên trong ngôi nhà thấm đậm nghĩa tình. Bà Đượm là mẹ liệt sĩ Trần Văn Trung - chiến sĩ Sư đoàn 330 (Quân khu 9), hy sinh năm 1989 tại chiến trường Campuchia. Bà Đượm có hết thảy 11 người con, trong đó có 3 người tình nguyện đi bộ đội. Bà Đượm vẫn nhớ rõ, khi ấy nhiều gia đình e ngại cho con đi bộ đội nhưng bà thì vận động con tham gia, vì đó là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi công dân Việt Nam. Từng trải qua chiến tranh, bà chứng kiến bao cảnh hy sinh, mất mát, để có độc lập phải đánh đổi bằng xương máu của biết bao thế hệ cha ông. Vì vậy, các con phải nhập ngũ, giúp bạn chính là giúp mình và khi hay tin con hy sinh, 4 tháng sau bà lặn lội đến tận nước bạn Campuchia để mang hài cốt con về quê hương. Bà Đượm bộc bạch, bà nén nỗi đau khi hay tin con mình hy sinh, vì trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhiều gia đình khác cũng chịu đau thương, mất mát lớn lao. Ngày nay, Đảng, Nhà nước quan tâm chăm lo cho bà, nhờ đó bà cùng đứa cháu ngoại có chỗ ở rất ấm cúng, an yên tuổi già.

Chia tay với các gia đình chính sách, người có công được hỗ trợ nhà ở, chúng tôi cũng cảm thấy vui lây, nhận thức được ý nghĩa của việc “tri ân” đã làm ấm lòng người ở lại - những người đang trực tiếp thụ hưởng hòa bình, độc lập, tự do với cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc. Kết quả đó là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và hướng tới, Đảng bộ tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, huy động nguồn lực xã hội chăm lo cho người có công, không để hộ chính sách nghèo và 100% gia đình chính sách, người có công có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình trên địa bàn dân cư nơi người có công cư trú. Để mỗi mùa xuân về là những mùa vui, mang hơi ấm, tiếng cười rộn rã trong những ngôi nhà tình nghĩa.

M.LINH

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/doi-song-xa-hoi/bx-xuan-am-trong-nhung-ngoi-nha-tinh-nghia-43812.html