Xuân Định vào xuân
Những ngày cuối năm se lạnh, vùng đất Xuân Định (huyện Xuân Lộc), địa phương đầu tiên trên cả nước được công nhận xã nông thôn mới (NTM), ngập tràn sức sống của mùa xuân với nhà cửa, đường sá khang trang, vườn cây xanh mướt, hoa nở rực rỡ ven các tuyến đường NTM kiểu mẫu.
Vùng đất nức tiếng cây ngon, trái ngọt này không chỉ giúp cư dân các ấp: Bảo Thị, Bảo Định, Nông Doanh có cuộc sống ngày càng sung túc, mà còn giúp thay đổi diện mạo của một vùng quê.
Đổi thay theo từng mùa xuân
Vùng đất Xuân Định được cư dân nhiều vùng, miền trong cả nước về hội tụ phát triển kinh tế, nhiều nhất là giai đoạn sau năm 1975.
Có mặt nơi vùng đất này vào năm 1976, ông Hoàng Tuấn (ngụ ấp Nông Doanh, xã Xuân Định) kể lại, thời điểm đó, khu vực nơi ông sinh sống chỉ có vài nóc nhà. Giữa bốn bề là vườn rẫy, đất hoang, những ngày cuối năm, người dân trong xã đều tất bật lo thu hoạch mùa vụ, dọn đất để ra năm kịp trồng tỉa vụ mới nên ít có dịp hội tụ, quây quần bên nhau như bây giờ.
Sau khi xây dựng NTM thành công vào năm 2013, xã Xuân Định tiếp tục đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2022 và năm 2023 đã được công nhận xã NTM kiểu mẫu. Hiện nay, toàn xã có 2/3 khu dân cư đạt khu dân cư kiểu mẫu, 6 khu vực sản xuất tập trung chuyên sầu riêng với diện tích trên 1 ngàn hécta.
Trải qua những mùa xuân, gắn liền với sự thay đổi, phát triển của địa phương, vùng đất Xuân Định thay đổi từng ngày. Ông Hoàng Tuấn cho biết, khi cây cà phê không còn là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, ông cùng nhiều nông dân trong vùng chuyển sang trồng các loại cây ăn trái như: chôm chôm, sầu riêng (giống cũ), bơ, mít… Sự bắt nhịp đó không chỉ đem lại cho gia đình ông kinh tế ổn định, phát triển, mà nông dân trong ấp, xã đều có cuộc sống khá giả.
Ấp Nông Doanh có 272 hộ dân, 250 hécta đất sản xuất nông nghiệp. Trưởng ấp Nông Doanh Huỳnh Thị Kim Phương cho biết, cây trồng chủ lực trên địa bàn ấp là sầu riêng giống Thái Lan, Ri6; các loại cây ăn trái khác như: chôm chôm, bơ, măng cụt hiện không còn nhiều. Việc chuyển đổi thành vùng chuyên canh sầu riêng giống mới được nông dân trong ấp triển khai từ 10-15 năm về trước nên hiện tại cuộc sống của nông dân trong ấp đều khá giả. Các hộ có từ 1 hécta sầu riêng trở lên đều có thu nhập đạt trên 1 tỷ đồng/năm.
Theo Trưởng ấp Bảo Thị Nguyễn Thanh Tâm, các giống sầu riêng Thái Lan, Ri6 được nông dân trong ấp chuyển đổi từ rất lâu nên vườn nào cây cũng kín tán, cho thu nhập bình quân 1-1,5 tỷ đồng/hécta/năm. Nhờ hình thành vùng chuyên canh cây “tỷ phú” từ rất sớm nên nông dân ấp Bảo Thị không chỉ tạo dựng cuộc sống khá giả trong quá trình di cư về đây lập nghiệp, mà đóng góp cùng địa phương trong xây dựng NTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu hàng chục tỷ đồng trong xây dựng các tuyến đường nội đồng vào khu sản xuất sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn.
“Dù dân cư sinh sống tập trung, tách rời các khu sản xuất nhưng vườn rẫy đều có điện, đường bê tông xi măng hoặc nhựa nên không khí ngày xuân nơi vườn rẫy còn nhộn nhịp hơn cả khu dân cư, vì vào giai đoạn cao điểm chăm sầu riêng để tháng 5-6 thu hoạch” - ông Tâm bộc bạch.
Bà Bùi Thị Tuyết Ly (ngụ ấp Bảo Thị) chia sẻ, dù có một mình nhưng nhờ trồng sầu riêng cho hiệu quả, năng suất cao nên bà vẫn tự lo cho 2 con học đại học. Vườn sầu riêng (trên 10 tuổi) của bà chỉ vỏn vẹn có 7 sào nhưng cho thu nhập từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng/năm, từ năm 2018 đến nay.
Phó chủ tịch phụ trách UBND xã Xuân Định HỒ DŨNG SỸ cho biết, mùa xuân năm nay người dân địa phương rất phấn khởi vì thời gian qua, bà con được mùa thu hoạch nông sản, nhất là sầu riêng có giá trị cao. Thời gian tới, địa phương sẽ phối hợp với ngành chức năng hướng dẫn bà con nông dân ứng dụng công nghệ trong sản xuất, trồng trọt để giảm bớt công sức lao động, cho năng suất cao hơn.
Cuộc sống sung túc nơi vùng quê
Vùng chuyên canh sầu riêng tại xã Xuân Định với gần 1 ngàn hécta, phần lớn diện tích sầu riêng trên địa bàn xã đang trong thời kỳ cho thu hoạch nên giá trị đem lại cho nhà nông và góp phần vào tăng trưởng kinh tế địa phương trung bình từ 10%/năm trở lên, thu nhập bình quân trên 107 triệu đồng/người/năm (cao nhất huyện).
Theo đánh giá của UBND xã Xuân Định, đời sống của nhân dân trên địa bàn xã đa số ở mức khá và giàu, tự hào nhất là địa phương không còn hộ nghèo đa chiều theo tiêu chuẩn hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 do Trung ương, tỉnh ban hành.
“Chúng tôi về đây lập nghiệp sau năm 1975, khó khăn ngày đầu lập nghiệp thì rất nhiều như: thiếu ăn, thiếu mặc, bệnh tật liên tục đeo bám nhưng rồi cũng vượt qua. Một phần nhờ sự chịu thương, chịu khó, đùm bọc, đoàn kết, giúp đỡ nhau của người dân trong vùng; đồng thời, cũng một phần nhờ sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống và định hướng trong sản xuất của chính quyền các cấp” - ông Trần Lưu (ngụ ấp Bảo Thị) cho hay.
Cũng theo ông Trần Lưu, người dân xã Xuân Định, thực hiện theo đúng định hướng của chính quyền địa phương, nhất là bắt tay vào xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyên một loại cây theo từng thời kỳ mà thị trường ưa chuộng nhằm tạo ra giá trị lớn, thuận lợi cho việc đầu tư, chăm sóc...
Chẳng hạn, thời kỳ trước năm 1990, xã Xuân Định hình thành vùng cà phê bạt ngàn. Thời kỳ sau đó là cây ăn trái như: chôm chôm, măng cụt, bơ. Giai đoạn năm 2010-2015 thì hình thành vùng chuyên canh sầu riêng giống mới hướng vào xuất khẩu. Đây chính là nét độc đáo, tạo sự khác biệt của nông dân vùng đất Xuân Định so với nông dân các xã khác trong huyện, tỉnh.
Thêm một mùa xuân nữa sắp về, các khu vườn sầu riêng đang thời kỳ ra hoa, đậu trái trên mảnh đất Xuân Định cùng kỳ vọng của nông dân về một mùa bội thu, đời sống sung túc.
Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202412/xuan-dinh-vao-xuan-6e86393/