Xuân Dương: Phát triển kinh tế từ mô hình trồng táo Đài Loan
Thời gian qua, người dân trên địa bàn xã Xuân Dương, huyện Lộc Bình đã chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng táo Đài Loan. Đến nay, mô hình bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, góp phần phần giúp người dân nâng cao thu nhập.
Từ năm 2018, mô hình trồng táo Đài Loan đã bắt đầu xuất hiện ở xã Xuân Dương. Tuy nhiên, thời điểm đó chỉ có 3 hộ trồng với quy mô nhỏ lẻ. Khoảng 3 năm trở lại đây, mô hình trồng táo Đài Loan mới được người dân trên địa bàn xã quan tâm, phát triển mạnh.
Là một trong những hộ gia đình tiên phong trồng cây táo Đài Loan, bà Phan Thị Phương, thôn Tài Nhì, xã Xuân Dương cho biết: Năm 2018, tôi xuống thăm người thân sống tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, tôi biết đến mô hình trồng táo Đài Loan. Nhận thấy đây là loại cây có nhiều đặc điểm phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương và hiệu quả kinh tế khá cao, tôi đã quyết định đầu tư mua 120 cây táo giống từ Bắc Giang về trồng. Hiện nay, toàn bộ diện tích trồng táo của gia đình đều đã cho thu hoạch. Năm 2023, gia đình tôi thu được khoảng 6 tấn quả, với giá bán dao động từ 20.000 – 40.000 đồng/kg (tùy kích thước quả), mang lại thu nhập trên 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Dự kiến, cuối tháng 12 năm nay, cây táo sẽ cho thu hoạch vụ mới, sản lượng ước đạt khoảng 7 - 8 tấn quả.
Nhận thấy hiệu quả từ trồng táo Đài Loan, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã học tập, đầu tư phát triển mô hình. Theo đó, hiện nay, toàn xã có khoảng 6 ha táo Đài Loan, trong đó có khoảng 5 ha cho thu hoạch, với 1 HTX (9 hộ thành viên), 15 hộ trồng, tập trung chủ yếu ở các thôn: Pò Chang, Tài Nhì, Bản Lạu... Đây cũng là xã có diện tích trồng táo Đài Loan lớn nhất trên địa bàn huyện Lộc Bình. Năm 2023, sản lượng táo của xã đạt khoảng 50 tấn, tổng giá trị đem lại đạt trên 1,2 tỷ đồng. Từ trồng cây táo Đài Loan, một số hộ gia đình đã có thu nhập từ 70 - 100 triệu đồng/năm.
Ông Âu Văn Tuyến, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Dương cho biết: Để hỗ trợ người dân phát triển mô hình, thời gian qua, chính quyền xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng táo. Bên cạnh đó, hằng năm, chính quyền xã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 2 - 3 lớp tập huấn về trồng trọt (trong đó lồng ghép các kỹ thuật trồng, chăm sóc cây táo Đài Loan) cho người dân. Đồng thời, UBND xã ưu tiên sử dụng các nguồn vốn để triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ người dân phát triển mô hình. Theo đó, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024, xã đã triển khai dự án hỗ trợ mở rộng diện tích trồng táo. Hiện, toàn xã đã có 42 hộ đăng ký tham gia dự án, với diện tích khoảng 6,03 ha.
Ngoài việc hỗ trợ người dân mở rộng diện tích trồng táo, để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, chính quyền xã cũng đang phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện triển khai mô hình trồng táo Đài Loan theo tiêu chuẩn VietGAP tại HTX Nông nghiệp Pò Chang, với diện tích 2,3 ha.
Bà Lâm Thị Hậu, Giám đốc HTX cho biết: Đầu năm 2024, HTX tham gia mô hình trồng táo Đài Loan theo tiêu chuẩn VietGAP. Khi tham gia mô hình, tất cả các hộ đều được hướng dẫn quy trình, kỹ thuật trồng, chăm sóc táo theo tiêu chuẩn VietGAP; được cán bộ chuyên môn thường xuyên theo dõi, hướng dẫn người dân ghi chép nhật ký, cắm biển chỉ dẫn và thực hiện các biện pháp chăm sóc theo đúng quy trình... Qua một thời gian triển khai mô hình cho thấy, cây táo được chăm sóc theo quy trình VietGAP phát triển tốt và tỉ lệ ra hoa, đậu quả cao hơn khoảng 30% so với trước đây. Năm nay sản lượng táo của HTX dự kiến sẽ tăng khoảng 10 – 15% so với năm 2023 (sản lượng táo năm 2023 của HTX là 30 tấn).
Bà Dương Thị Thu Hằng, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Để tiếp tục hỗ trợ người dân phát triển mô hình, nâng cao hiệu quả kinh tế, thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục phối hợp với chính quyền xã theo dõi, hướng dẫn người dân thực hiện mô hình trồng táo Đài Loan theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, đáp ứng được các yêu cầu. Hiện, phòng đang phối hợp với chính quyền xã và các đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, phấn đấu xây dựng táo Đài Loan trở thành sản phẩm OCOP trong năm 2024.
Có thể thấy, mô hình trồng táo Đài Loan đã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người dân trên địa bàn xã Xuân Dương. Với sự định hướng, hỗ trợ của chính quyền xã cũng như các đơn vị chuyên môn, mô hình sẽ tiếp tục phát triển theo hướng ổn định, bền vững, qua đó, góp phần mở ra triển vọng kinh tế cho người dân.