Xuân Giáp Thìn về làng Triều Khúc xem múa rồng
Để chuẩn bị cho lễ hội năm 2O24, anh Chiến đã lên chương trình tập luyện từ nhiều tháng trước. Nhìn anh ngồi tỉ mẩn sửa sang lại từng chiếc đầu rồng để chúng luôn đẹp, mới hiểu vì sao gia đình anh gắn bó với điệu múa này lâu đến thế.
"Rồng là vật đứng đầu trong tứ linh, vì thế múa rồng phải thể hiện sao cho hoành tráng, hướng thiện. Múa rồng, ngoài sự đam mê, yêu nghề, phải giữ được tinh thần sảng khoái, tin tưởng vào oai linh của rồng thiêng, có như vậy múa mới hết mình, nhiều lúc thăng hoa như nhập đồng, lột tả được hết cái oai linh của con vật, múa đến bao nhiêu cũng không thấy mệt", đội trưởng đội múa rồng của làng Triều Khúc cho hay.
Làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) bao năm qua vẫn mang sắc thái đậm nét của một làng cổ với mái đình, cây đa, giếng nước. Lễ hội đầu xuân của làng Triều Khúc kéo dài từ ngày mùng 9 đến 12 tháng Giêng hằng năm. Lễ hội có nhiều sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo, đặc sắc như lễ rước sắc, múa bồng, múa rồng.
Điệu múa bồng hay còn gọi là "con đĩ đánh bồng" là điệu múa cổ, trong đó các chàng trai làng đóng giả làm con gái, má đánh phấn, môi tô son, đầu chít khăn mỏ quạ, mặc váy màu đen với dải ngũ sắc, vừa múa vừa nhún nhảy, vừa vỗ trống bồng đeo trước bụng một cách mềm mại, uyển chuyển theo nhịp điệu.
Theo các cụ cao niên ở làng Triều Khúc, đội múa bồng phải là nam giới, những người này được tuyển chọn rất kỹ càng, phải là trai chưa vợ, khuôn mặt khôi ngô tuấn tú và có tài nhảy múa. Bao năm qua, điệu múa này vẫn giữ được đúng như trước kia, chỉ khác là trang phục giờ rực rỡ hơn, các chàng trai múa bồng tô son đánh phấn đậm nét hơn, nhờ đó mà điệu múa ngày càng hấp dẫn với người xem.
Bên cạnh điệu múa "con đĩ đánh bồng", làng Triều Khúc còn có điệu múa rồng cũng rất độc đáo. Chính vì thế, bao năm qua, đã có biết bao nhiêu chàng trai từ khắp mọi miền kéo về làng Triều Khúc để học múa rồng.
Trong những câu chuyện mà người làng Triều Khúc kể về điệu múa rồng bao giờ cũng nhắc đến cụ Nguyễn Huy Dễ. Cụ Dễ là một trong số những người góp phần gìn giữ và hồi sinh điệu múa rồng. Nhưng hơn tất cả, chính cụ là người truyền ngọn lửa đam mê múa rồng cho các thế hệ tiếp nối. Bao năm nay, múa rồng không hề bị mai một dù cụ đã mất cách đây gần chục năm. Con trai cụ, anh Nguyễn Huy Chiến, là người kế nghiệp, hiện là đội trưởng đội múa rồng của làng. Con trai anh Chiến năm nay 12 tuổi nhưng cũng đã tham gia đội múa rồng được 2 năm.
Anh Chiến tâm sự, lúc sinh thời, bố anh luôn đau đáu với niềm yêu di sản. Ngoài lúc lo việc mưu sinh, ông cất công vận động trai tráng thanh niên trong làng tích cực tham gia học múa rồng để tiếp nối phong trào. Nhiều học trò cảm phục trước tình cảm và trách nhiệm của cụ dành cho di sản quê hương đã ngày một thêm yêu thích, trân trọng vốn quý của cha ông để lại.
Vừa lật giở cuốn album ghi lại những hình ảnh huy hoàng của đội múa rồng, anh Chiến vừa giảng giải những cái hay, cái đẹp của điệu múa.
"Rồng là vật đứng đầu trong tứ linh, vì thế múa rồng phải thể hiện sao cho hoành tráng, hướng thiện. Múa rồng, ngoài sự đam mê, yêu nghề, phải giữ được tinh thần sảng khoái, tin tưởng vào oai linh của rồng thiêng, có như vậy múa mới hết mình, nhiều lúc thăng hoa như nhập đồng, lột tả được hết cái oai linh của con vật, múa đến bao nhiêu cũng không thấy mệt", anh Chiến cho biết.
Thông thường, đội múa rồng có khoảng 10-12 người và khoảng 30 người dự bị. Nếu vị trí nào mệt thì có thể thay ngay lập tức. Người cầm đầu rồng luôn là người có sức khỏe tốt nhất đội, vì vị trí này tốn năng lượng nhiều nhất. Đội trưởng sẽ là người cầm ngọc, rồng sẽ chạy theo ngọc và múa theo sự ra hiệu.
Bí quyết cuốn hút người xem
Theo anh Chiến, bí quyết của múa rồng là sự đồng đều, tính tập thể và nhịp nhàng. Người tham gia múa rồng phải có sức khỏe tốt, nhất là người điều khiển đầu rồng và đuôi rồng, vì đầu rồng, đuôi rồng cồng kềnh, to, nặng và người múa phải phối hợp khi lượn sóng, lúc lộn, chui qua nhau, lúc bay, lúc lượn... Đặc biệt, múa rồng đòi hỏi người múa luyện tập rất công phu mới có thể phối hợp nhịp nhàng khi rồng uốn lượn, rồng phóng tới, rồng đảo lại phô diễn thần oai. Để điệu múa đẹp, hấp dẫn, người múa thể hiện nhiều động tác kỹ thuật, linh hoạt, biểu lộ nhiều cung bậc cảm xúc, hòa quyện trong tiếng trống giục giã, sôi động.
Có rất nhiều kiểu múa: Rồng chào, rồng ngủ (rồng ấp trứng), rồng lượn, rồng bay, rồng chầu, rồng uốn khúc... Bài múa đặc trưng của làng Triều Khúc là rồng cuộn, đuôi bắt đầu thắt lại, luồn qua bụng rồi căng mình, vài lần như vậy rồi mở ra, rồng cuộn xoáy quấn quanh người cầm ngọc. Cùng với âm thanh dồn dập, tưng bừng, đầy khí thế, tiết tấu sinh động, linh hoạt của dàn trống cái, điệu múa rồng gây hấp dẫn, cuốn hút người xem đến kỳ lạ.
Trang phục của người tham gia múa rồng là sự đồng đều cả màu sắc hình khối. Riêng chàng dũng sĩ với quả ngọc và gậy thần đi trước có trang phục khác màu cho rực rỡ, thể hiện sự khỏe mạnh của một võ tướng. Rồng của làng Triều Khúc thường có 9 khúc (tùy từng năm) được làm bằng khung tre, mình rồng được phủ bằng vải lụa màu, đầu rồng làm bằng giấy bồi. Rồng làm ra phải hội đủ các tiêu chuẩn: Bền chắc và toát ra được cái khí chất của linh vật... Hiện tại, đội múa rồng của làng Triều Khúc có khoảng 45 người, chủ yếu là thanh niên trong làng.