Xuân hy vọng lại về!
'Xuân xuân ơi xuân đã về. Có nỗi vui nào vui hơn ngày xuân đến… Xuân xuân ơi xuân đến rồi. Cánh én bay về cho tim mình nao nức… Trong hương xuân ta vẫy chào. Kính chúc muôn nhà gặp nhiều an vui!' Một mùa xuân mới lại đến với dải đất hình chữ S bên bờ Biển Đông, với đất văn hiến nghìn đời Thăng Long - Hà Nội. Trong mỗi người đều nao nức một mùa xuân mới với những niềm hy vọng thắng lợi mới.
Xuân về trong lòng phố…
Năm nay, xuân theo cánh hoa đào đến sớm với phố phường để rồi chầm chậm đi qua những thời khắc đặc biệt - Một mùa xuân mới và những khác lạ từ trực giác mỗi người.
Hà Nội từng khắc vào xuân trong cái rét ngọt ngào riêng có của miền Bắc và sau những tháng ngày “gồng mình” với Covid-19, người thành phố đã sống chậm hơn cùng với việc tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh. Những khu phố ở khu vực trung tâm không náo nhiệt những sân khấu ngoài trời, những dòng người tấp nập. Hồ Hoàn Kiếm vào xuân với những khoảng lặng êm ả. Đón mùa xuân bên con hồ huyền tích là một thói quen với nhiều gia đình Hà Nội và nơi đây vẫn là một điểm đến trong thời khắc nghênh xuân.
Chị Lê Phương Linh (phố Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: “Năm nay, tôi cùng gia đình đón xuân bên hồ Hoàn Kiếm. Các điểm đến như Nhà hát Lớn, Nhà thờ Lớn… và những con phố quanh hồ không nhộn nhịp như nhiều năm trước, nhưng Hà Nội vẫn có cái đẹp riêng gần gũi với một chiều sâu văn hóa, mà không nơi nào có được. Rất lâu rồi tôi mới có một Hà Nội như vậy…”.
Hà Nội linh thiêng trong đêm Giao thừa! Những trái pháo bông nhiều sắc màu chào năm mới trong rộn ràng hy vọng mới.
Sáng đầu năm, cái rét ùa vào lòng thành phố, ba sáu phố phường phong quang “hiện nguyên hình” nét kiến trúc cả năm khuất lấp trong nhịp sống tấp nập. Những ngôi chùa cũng vắng lặng hơn những năm trước trong chầm chậm khói hương. Những chuyến xe du lịch hai tầng hoạt động ngay từ ngày đầu năm dường như cũng thong thả hơn khi đưa khách du lịch thưởng lãm phố phường, danh lam, thắng tích…
Chiều mùng 1 Tết, những điểm “check in”, như: Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, phố đường tàu Phùng Hưng, trụ sở Báo Hànôịmới… bắt đầu tấp nập. Anh Nguyễn Hoàng Khôi (phố Tân Mai, quận Hoàng Mai) nhận xét: "Ra đường chiều mùng 1 Tết năm nay thấy xe ô tô nhiều hơn xe máy và hàng cà phê, hàng phở, hàng bún cũng mở sớm hơn… Hà Nội Tết này thật khác, cảm giác vừa quen, vừa lạ...".
Với nhiều người hâm mộ thể thao, thì chiều mùng 1 Tết là những khoảnh khắc vỡ òa trong hạnh phúc. Trên Sân vận động quốc gia Mỹ Đình, đội tuyển bóng đá Việt Nam đã chơi một trận xuất sắc, chiến thắng áp đảo đội tuyển bóng đá Trung Quốc với tỷ số 3-1 tại vòng loại World Cup - 2022, khu vực châu Á. Điều này thật sự là một món quà năm mới mang nhiều ý nghĩa với nhiều gia đình Hà Nội khi quây quần bên nhau dõi theo trận đấu trên ti vi.
Trong câu chuyện chữ nghĩa đầu năm, Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn (Viện Hán Nôm) cho biết, năm nay, điều kiện không cho phép viết chữ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nhưng nhiều người vẫn gọi điện đến ông để xin chữ. Văn hóa Việt thẩm thấu trong mỗi con người Việt Nam với những khát vọng đến cùng năm mới.
… Xuân đến những miền quê
Xuân Nhâm Dần 2022 đến với những miền quê Hà Nội cũng thật đặc biệt. Trên khắp các nẻo đường từ huyện Mỹ Đức đến huyện Phú Xuyên, từ vùng núi cao Ba Vì đến huyện Phúc Thọ, Đan Phượng, ngược sang các huyện Gia Lâm, Mê Linh, Sóc Sơn… đường làng, ngõ xóm rợp cờ hoa, nhà nhà rực rỡ sắc xuân...
Trước thời khắc giao hòa vào năm mới, ông Đặng Văn Chú ở thôn Lưu Xá, xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên) chia sẻ: “Chúng tôi tự nguyện trang hoàng đường làng, ngõ xóm đẹp hơn các năm trước, đơn giản chỉ để thấy xuân về vui hơn, hạnh phúc hơn trong cuộc sống bình thường mới…”.
Người dân các xã, thị trấn: Đại Nghĩa, Hồng Sơn, An Mỹ, Mỹ Thành, Bột Xuyên… thuộc huyện Mỹ Đức cũng đón Tết, vui xuân trong không khí đầm ấm… Trưởng thôn Mỹ Tiên, xã Bột Xuyên (huyện Mỹ Đức) Bùi Minh Tuất bộc bạch: “Để an toàn trước dịch Covid-19, người dân trong thôn thống nhất không tổ chức chúc thọ tập trung hoặc liên hoan đông người… Thay vào đó, đại diện Hội Người cao tuổi thôn đến từng gia đình trao quà cho hội viên người cao tuổi… Các dòng họ trong thôn cũng đăng ký hỗ trợ những gia đình có người bị mắc Covid-19 đang cách ly, điều trị tại nhà”.
Xuân này, làng quê không tổ chức lễ hội cũng như các nghi lễ tôn giáo, thờ tự trong thời khắc đón mừng năm mới, nhưng các đình làng, chùa làng, nhà thờ họ... vẫn mở cửa để người làng thành kính dâng nén tâm hương nguyện cầu cho mọi người bình an, mùa màng tươi tốt... Nơi thờ tự đều bảo đảm các quy định về phòng, chống dịch bệnh, không khí thanh tịnh, trang nghiêm. Anh Nguyễn Văn Đạt ở xã Cao Dương (huyện Thanh Oai) cho hay: "Tôi với vợ đi lễ chùa đầu năm, cầu cho mọi sự an lành. Ở chùa, mọi người đều đeo khẩu trang, nghiêm túc thực hiện quy định phòng, chống dịch Covid-19".
Còn tại xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng), trạm y tế lưu động đặt tại thôn Hồng Giang luôn mở cửa, lực lượng chức năng ứng trực bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ được giao. Theo Chủ tịch UBND xã Hồng Hà Nguyễn Mạnh Hà, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động các gia đình, dòng họ tổ chức vui xuân đầm ấm trong phạm vi gia đình, hạn chế đi chúc Tết và đến các điểm vui chơi công cộng, đông người.
Xuân đã về với các miền quê, ngõ phố ở Thủ đô! Khí xuân, sắc xuân ngập tràn những mái nhà, trên những tuyến đường, con phố. Tất cả bừng lên những khát vọng mới trong mùa xuân mới.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1023955/xuan-hy-vong-lai-ve