Xuân này ở xã nông thôn mới Hòa An

Hòa An nổi tiếng với làng nghề bánh tráng Đông Bình. Ảnh: XUÂN HIẾU

Cách đây 5 năm, xã Hòa An (huyện Phú Hòa) cán đích nông thôn mới (NTM). Từ đó đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hòa An giữ vững 19/19 tiêu chí, tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức vươn tới những mục tiêu mới với đích đến là xã NTM nâng cao.

Về Hòa An những ngày tháng Chạp này, chúng tôi tận mắt chứng kiến sự “thay da, đổi thịt” của một xã NTM. Sự thay đổi hiện hữu từ những con đường bê tông dọc ngang khắp các thôn xóm cho đến các công trình trường học, trạm y tế… được đầu tư xây dựng khang trang.

Nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp

Xã Hòa An có 5 thôn: Đông Phước, Đông Bình, Ân Niên, Vĩnh Phú, Phú Ân. Diện tích tự nhiên xấp xỉ 1.371ha. Dân số hơn 19.700 người (95.709 hộ), trong đó trên 80% sống bằng nghề nông, chủ yếu là trồng lúa và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, trong những năm qua, xã Hòa An đã tập trung đầu tư nâng cấp hạ tầng cơ sở, thường xuyên quan tâm hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất.

Người dân địa phương lấy nông nghiệp làm cứu cánh, nhưng mỗi thôn đều có tiềm năng, nét riêng như thôn Đông Phước nhiều gia đình có thu nhập thêm nhờ trồng rau sạch, hoa Tết và nuôi nai lấy nhung, thôn Đông Bình có làng nghề tráng bánh truyền thống, thôn Vĩnh Phú nhiều nhà làm nghề mộc...

Chủ tịch UBND xã Hòa An Nguyễn Ngọc Đăng Khoa cho biết: Diện tích 2 vụ lúa của Hòa An là 1.040ha, nhờ gieo sạ đúng thời vụ, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chăm sóc tốt nên năng suất bình quân đạt 81,7 tạ/ha/năm. Để nâng cao giá trị sản phẩm một cách bền vững, việc thúc đẩy chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng thương hiệu hàng hóa được xem là giải pháp quan trọng. Xã đã tập trung lãnh đạo đầu tư sản xuất, chỉ đạo các hợp tác xã chuyển đổi gần 60ha đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây màu khác; duy trì cánh đồng sản xuất lúa giống 17ha/vụ, mô hình sản xuất lúa liên kết theo chuỗi giá trị diện tích 180ha, sản xuất lúa chất lượng cao 30ha, mô hình phát triển theo sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm 50ha, trồng rau an toàn và hoa Tết.

Nhiều mô hình làm ăn kinh tế hiệu quả đã ra đời như: chăn nuôi nai lấy nhung; trồng cây dược liệu, trồng cây cảnh và hoa Tết; khôi phục làng nghề bánh tráng, mộc dân dụng; sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao... Ngoài trồng lúa, những hộ có thêm nghề phụ đều đã thoát nghèo, trở nên khá giả. Đơn cử, hộ ông Trần Xuân Bình (thôn Đông Bình) trồng lúa, bắp, cỏ mực và cây dược liệu diệp hạ châu cho thu nhập trên dưới hai trăm triệu đồng mỗi năm. Hay hộ các ông Huỳnh Kim Nho, Đinh Phước Hoài, Nguyễn Tấn Duy (thôn Đông Phước) làm ruộng kết hợp với nuôi nai lấy nhung… kinh tế gia đình đều khấm khá, trở thành nông dân sản xuất giỏi của huyện, của tỉnh.

“Năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thời tiết không thuận lợi, nhất là ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá nông sản bấp bênh, giá thị trường biến động đã ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân địa phương, nhưng nhiều chỉ tiêu Hòa An vẫn đạt và vượt. Trong đó, sản lượng cây lương thực có hạt 9.646/9.500 tấn, đạt 101,5%; thu ngân sách trên địa bàn 11,424 tỉ đồng, đạt 170%; tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 0,1% (53 hộ)”, ông Khoa cho biết thêm.

Giữ nghề truyền thống

Từ hàng trăm năm qua, Hòa An đã nổi tiếng với làng nghề truyền thống bánh tráng Đông Bình. Vào những ngày tháng Chạp này, đi trên quốc lộ 25 đoạn gần giáp với quốc lộ 1, nhìn về phía sông Ba thấy nơi nào có những vạt khói trắng nhè nhẹ tỏa lên bầu trời, ở đó chính là làng bánh tráng Đông Bình. Toàn thôn có 600 hộ thì khoảng 120 hộ theo nghề này. Đây là một trong những địa điểm tham quan khá thú vị với du khách khi đặt chân đến vùng đất “hoa vàng cỏ xanh”. Đến đây, du khách không chỉ được thưởng thức bánh quê, mà còn tận tay làm bánh, được chia sẻ bí quyết và sự kỳ công của những người giữ lửa làng nghề.

Bà Trần Thị Đẹp, người có gần 45 năm trong nghề, nói: “Cái nghề bánh tráng này làm giàu thì khó, nhưng lúc nào cũng có đồng ra đồng vô”. Theo bà Đẹp, ngoài cung cấp, bỏ mối cho bạn hàng ở TP Tuy Hòa và một số nơi trong tỉnh, bánh tráng Đông Bình còn tiêu thụ mạnh ở nhiều nơi trong nước như Nha Trang, Cam Ranh (Khánh Hòa), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Gia Lai, Bình Định... Trước kia, làng nghề này bà con tráng bánh thủ công theo kiểu “mẹ truyền con nối”.

Năm 2008, Hiệp hội Bánh tráng Đông Bình được thành lập theo quyết định của UBND tỉnh, liên kết các hộ sản xuất bánh tráng lại với nhau, hỗ trợ các thành viên tiếp cận thông tin thị trường, thay đổi công nghệ sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho người lao động. Từ đó, bên cạnh tráng thủ công là đa số, 3 gia đình có điều kiện mặt bằng đã đầu tư máy tráng bánh hiện đại. “Mỗi ngày, một lò bánh tráng thủ công ở thôn này sản xuất trên dưới 1.000 cái; mùa Tết thì số lượng tăng gấp đôi, gấp ba. Thu nhập từ 120.000-200.000 đồng/công, tùy số lượng”, bà Đẹp cho biết.

Chị Đặng Thị Hồng Nguyệt, 42 tuổi, hơn 20 năm giữ nghề truyền thống của mẹ cha truyền lại, chia sẻ: Bình quân mỗi ngày tráng khoảng 1.200 bánh, tôi phải dậy từ 3, 4 giờ sáng, để khi nắng lên là đã có bánh đem phơi. Để làm nghề này, ngoài người tráng chính còn phải có thêm ít nhất hai người phụ: 1 người xếp bánh ướt lên vỉ, 1 người đem phơi. Nếu như tráng bánh chỉ có phụ nữ tham gia, thì phơi bánh lại là công việc của đàn ông là chính. Bánh vừa tráng xong là phải đem phơi cho kịp nắng và phơi đến khi “vừa nắng” là thu vào, không được để quá “già nắng” bánh sẽ vênh, khó xếp. Công đoạn này không có gì phức tạp nhưng lại là khâu quyết định bánh có ngon hay không. Những ngày không có nắng, bắt buộc phải dùng lò sấy, nhưng bánh sấy chất lượng không bằng bánh phơi nắng trời.

“Bánh tráng Đông Bình sở dĩ được nhiều người, nhiều nơi ưa chuộng vì bánh được tráng tròn đều, đẹp; nhúng dẻo, nướng giòn và thơm ngon vì dùng hoàn toàn là bột gạo”, chị Nguyệt cho biết.

Hướng đến xã NTM nâng cao

5 năm trước, Hòa An đạt chuẩn xã NTM. Thành quả của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM này đem lại cho Hòa An đã không còn đơn thuần là những con số mà nó đã thực sự đi sâu vào đời sống của người dân. Bên cạnh lợi ích về kinh tế, NTM đã làm cho người dân quen dần với việc giữ gìn vệ sinh môi trường, thường xuyên dọn dẹp làm sạch đường làng ngõ xóm; nêu cao tinh thần cảnh giác, tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn, không để nảy sinh phức tạp. 100% đường làng ngõ xóm của Hòa An đều được bê tông. Xã có 4 trường học từ mầm non đến THCS đều đạt chuẩn quốc gia. Trong đó, Trường tiểu học Hòa An 2 đạt chuẩn mức độ 2; các trường còn lại (THCS Hòa An, tiểu học Hòa An 1, mầm non Hòa An) đạt chuẩn mức độ 1.

Chủ tịch UBND xã Hòa An Nguyễn Ngọc Đăng Khoa cho biết từ những thành quả của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Đảng ủy đã và đang tập trung chỉ đạo thực hiện xây dựng NTM nâng cao. Theo đó, tập trung triển khai các nội dung, phần việc, kịp thời phổ biến những chủ trương, chính sách của tỉnh, của huyện về công tác xây dựng NTM ở địa phương; tổ chức lấy ý kiến nhân dân về đăng ký xã đạt NTM nâng cao. Trên cơ sở Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, các đơn vị và 5 thôn tự rà soát, đánh giá theo bộ tiêu chí mới do UBND tỉnh quy định. Hòa An phấn đấu cán đích xã NTM trong năm Tân Sửu 2021 này.

“Đảng ủy, UBND xã đã và đang tập trung chỉ đạo giữ vững 19/19 tiêu chí NTM. Cùng với phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan và ngành cấp trên về thực hiện nội dung các tiêu chí xây dựng NTM gắn với việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, chú trọng về chất lượng, xã tiếp tục vận động nhân dân đóng góp, huy động các nguồn vốn khác từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân theo chương trình xây dựng NTM, tập trung đầu tư xây dựng các công trình, thiết chế văn hóa của xã và các thôn sáng - xanh - sạch - đẹp”.

Chủ tịch UBND xã Hòa An Nguyễn Ngọc Đăng Khoa

XUÂN HIẾU

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/251815/xuan-nay-o-xa-nong-thon-moi-hoa-an.html