Xuân Nhâm Dần và người phụ nữ hàng chục năm chăm hổ như con: 'Cơm Tết có thể hoãn, hổ phải ăn đúng giờ'
Dù là năm nào, chị Ngọc cũng vào chăm những con mãnh thú tại Công viên Thủ Lệ (Hà Nội). Với năm Nhâm Dần 2022, mọi thứ về hổ trở nên đặc biệt hơn, chị Ngọc cũng dành tình cảm đặc biệt hơn với các chú hổ.
Những ngày cuối năm chuẩn bị chào đón năm mới Nhâm Dần 2022, công viên Thủ Lệ (Hà Nội) đã mở cửa phục vụ người dân trong suốt dịp Tết Nguyên đán.
Theo ông Phạm Đình Mạnh – Trưởng phòng Kỹ thuật (Công viên Thủ Lệ), người dân khi đến tham quan, du xuân tại công viên phải thực hiện nghiêm túc các quy định phòng chống dịch, phía công viên cũng thường xuyên phun khử khuẩn. Việc này được siết chặt tại khu vực nuôi nhốt thú trong công viên.
Năm nay do dịch bệnh cả nước vẫn phức tạp, người dân có thể sẽ hạn chế di chuyển đến các địa phương khác trong dịch tết, vì thế có thể lượng khách đến công viên sẽ đông.
“Chúng tôi đã lên mọi phương án, kịch bản để vừa đáp ứng nhu cầu người dân, vừa đảm bảo phòng dịch”, ông Mạnh chia sẻ thêm.
Đón Xuân Nhâm Dần 2022, trong khi công viên có nuôi khá nhiều hổ, nhiều người cũng thắc mắc rằng liệu trong “năm tuổi” của mình, những chú hổ ở công viên có được ưu ái?
Về điều này, ông Mạnh cho rằng, ưu ái lớn nhất đó chính là tình cảm mà các nhân viên dành cho hổ, cũng như các tayạì muông thú khác. Theo ông, việc chăm sóc hổ trong điều kiện nuôi nhốt phải tuân thủ rất nghiêm về mặt kỹ thuật, không phải vì tết năm con hổ mà khẩu phần ăn của hổ được nâng lên.
“Chúng tôi vẫn đảm bảo hổ ăn theo khẩu phần, để sức khỏe đảm bảo nhất”, ông Mạnh chia sẻ.
Trao đổi với chúng tôi, chị Trần Thị Ngọc (41 tuổi), người đã hàng chục năm chăm sóc hổ tại công viên cho biết, mỗi con hổ đang được nuôi nhốt tại đây đều có lịch sử và quá trình chăm sóc rất đặc biệt. Có thể nhiều người thấy hổ sẽ sợ hãi, còn với những nhân viên như chị Ngọc thì hổ được coi như người “bạn tri kỷ” hàng ngày.
Tại đây, có 2 chú hổ đặc biệt được đặt tên là “Bi” và “Bống”, chị Ngọc cho biết, đó là hai cá thể hổ được giải cứu trong một vụ buôn bán động vật hoang dã, khi đưa về công viên mới được 4 tháng tuổi, nặng 12kg, nhưng giờ cân nặng mỗi con đã hơn 100kg.
Khi Bi và Bống còn nhỏ, chị Ngọc hàng ngày phải cho hổ bú bình, thậm chí còn kích thích để hổ đi vệ sinh, cho ăn từ miếng nhỏ đến miếng lớn và làm mọi việc chăm sóc thay mẹ của chúng. Có thời điểm hổ ốm, các nhân viên phải kê giường, mắc màn ở cạnh ngủ để chăm sóc.
Vì được chăm sóc, nuôi dưỡng từ nhỏ nên Bi và Bống cũng rất thân thiện, mến chị Ngọc. Qua quan sát có thể thấy mọi hành động, ra hiệu của người phụ nữ này hai chú hổ đều nghe theo.
“Việc chăm thú nói chung và chăm hổ nói riêng, chỉ đúng kỹ thuật thôi là chưa đủ, mà cần phải có tình yêu thương và sự đồng cảm lẫn nhau. Nhiều hôm khi đến tôi chỉ cần nhìn ánh mắt là biết hổ không được khỏe”, chị Ngọc chia sẻ thêm.
Dịp Tết Nhâm Dần đã đến, công việc của chị Ngọc ngày Tết cũng như những ngày thường, bởi hổ cũng như con người, ngày cần phải cho ăn theo bữa, bổ sung thuốc bổ định kỳ.
“Ngày tết dù là 30 hay mùng Một, cơm gia đình có thể hoãn lại ăn sau, nhưng vào cho hổ ăn, chăm sóc hổ là phải đúng giờ, đúng bữa. Vì dù sao nó cũng là con vật hoang dã dù sống rất tính cảm”, chị Ngọc tâm sự.
Dịp đầu xuân năm mới, khi trực những ngày tết, ngoài vuốt ve, chăm sóc bữa ăn hàng ngày cho hổ, chị Ngọc sẽ không quên gửi lời chúc đầu năm mới tới những “đứa con tinh thần” mà mình chăm sóc từ khi còn nhỏ.
Chị mong muốn sang năm mới, không chỉ có các chú hổ dũng mãnh mà toàn bộ thú tại nơi chị làm việc đều mạnh khỏe.