Xuân sang vui lễ hội cầu mùa
Mùa xuân, khi các loài hoa đua nhau khoe sắc thắm khắp núi rừng, cũng là lúc đồng bào các dân tộc Chăm, Ba Na Phú Yên bước vào lễ hội cầu mùa với ước nguyện được Giàng và các đấng thần linh che chở, phù hộ một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt; người dân trong thôn buôn bình an, mạnh khỏe, có chén cơm để ăn, áo đẹp để mặc, con trâu, con bò, heo, gà nhanh lớn...
Đây là một nghi lễ vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh của đồng bào Chăm, Ba Na, đặc biệt là bà con đồng bào dân tộc Ba Na ở thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân). Qua năm tháng với nhiều đổi thay, song bà con nơi đây vẫn duy trì lễ hội cầu mùa.
Cầu cho thóc lúa đầy kho
Theo các cụ cao niên kể lại, lễ hội cầu mùa đóng vai trò quan trọng đối với đời sống tâm linh và sinh hoạt, lao động sản xuất nông nghiệp của đồng bào. Mỗi nơi có thể tổ chức lễ hội cầu mùa gắn với quan niệm khác nhau nhưng thực chất đây là một lễ nghi nông nghiệp với ý niệm cầu cho năm mới mùa màng tốt tươi, sức khỏe, ấm no, hạnh phúc. Vì thế, lễ hội cầu mùa thường diễn ra vào tháng đầu của năm mới hoặc vào thời điểm khi người dân bắt đầu thu hoạch mùa màng, lúa rẫy và được tổ chức ở ngoài trời hoặc gần nơi các kho chứa lúa.
Là người kế thừa các nghi lễ do ông bà truyền lại, già làng Lê Văn Cui cho biết: Nghi lễ này thường được tổ chức cho một hoặc nhiều gia đình trong cùng khu vực canh tác nương rẫy, cũng có thể tổ chức chung cho cả buôn làng. Để chuẩn bị tổ chức lễ, gia chủ và bà con buôn làng phải tính toán và sửa soạn từ trước. Lễ vật trong mâm cúng cầu mùa được sắm sửa đầy đủ gồm: Heo, gà, lúa, rượu và một số sản vật khác để dâng lên Giàng và các đấng thần linh. Trong đó, rượu (ché) là lễ vật để cầu thỉnh thần núi, thần sông, thần suối, thần mưa; con gà, con heo với bó lúa được gia chủ tự tay lựa chọn kỹ càng để thầy cúng hay các vị già làng gọi thỉnh thần linh về phù hộ cho gia đình và buôn làng.
Khi tất cả đã được chuẩn bị tươm tất, nghi lễ cúng tế diễn ra trang nghiêm, thành kính. Già Cui thực hiện nghi lễ theo phong tục đặc trưng của đồng bào Ba Na. Lời khấn vái, cung thỉnh Giàng, các vị thần linh và ông bà tổ tiên len lỏi khắp không gian bình yên của núi rừng: “Hỡi Giàng! Hỡi thần lúa, thần núi, thần sông, thần suối, thần mưa... Hỡi linh hồn những người đã khuất góp công xây dựng buôn làng! Nay chúng con dâng lên lễ vật để đưa hồn lúa về tận kho, cầu mong cho mưa thuận, gió hòa, cho mùa màng tươi tốt, cho lúa thóc đầy kho, cho sắn bắp đầy nhà từ mùa này cho đến mùa sau... Cầu cho dân làng có gà heo đầy sân, bò đầy chuồng, ấm cái lưng, no cái bụng. Cầu cho đôi tay sức mạnh, cho đôi chân rắn chắc, cho gia đình hòa thuận, ấm no, hạnh phúc”.
Sau lễ cúng, già Cui cầm cần rượu mời Giàng rồi mới mời dân làng, chúc nhau những lời tốt đẹp. Sau đó, nam thanh nữ tú, người già, người trẻ bước vào phần hội, cùng nhau hát múa, ăn uống vui vẻ. Tiếng trống đôi, cồng ba, chiêng năm kết hợp với điệu xoang uyển chuyển, nhịp nhàng của những chàng trai, cô gái tạo nên những nhịp điệu, tiết tấu dồn dập hấp dẫn, quyến rũ, say đắm lòng người.
Kết thúc lễ hội cầu mùa, bà con lại trở về với cuộc sống sinh hoạt thường ngày, hăng say lao động sản xuất, bước vào một mùa vụ mới với ước vọng cuộc sống sẽ ngày một ấm no, đầy đủ và tốt đẹp hơn.
Gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống
Nghệ nhân Bùi Văn Hiệp, Đội trưởng Đội cồng chiêng thôn Xí Thoại chia sẻ: “Hằng năm, đồng bào Ba Na chúng tôi đều tổ chức lễ cúng cầu mùa với mong ước mưa thuận, gió hòa, cây trái xanh tốt, lúa, bắp… được mùa để cho dân làng có cuộc sống đủ đầy, yên vui. Đặc biệt, trong những năm thời tiết khắc nghiệt, trước sự biến đổi bất thường của khí hậu, thì việc tổ chức cúng cầu mùa rất quan trọng, càng không thể thiếu đối với đồng bào nơi đây”.
Lễ hội là sự chia sẻ tình cảm giữa người với người, giữa người với thiên nhiên trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Đây cũng là dịp người dân buôn làng từ già tới trẻ, từ gái tới trai cùng nhau hòa mình trong tiếng trống, tiếng cồng chiêng và điệu múa truyền thống, khơi dậy tình yêu, sự gắn kết trong cộng đồng, đồng thời quảng bá, giới thiệu những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình đến với mọi người.
Theo ông Huỳnh Việt Hùng, Trưởng phòng VH-TT huyện Đồng Xuân, lễ hội cầu mùa là một trong những lễ hội văn hóa truyền thống lâu đời của đồng bào Chăm, Ba Na Phú Yên; là dịp để mỗi thành viên và cả cộng đồng cùng gắn kết, giao hòa với thế giới tâm linh trong cuộc sống thực tại, thể hiện sự gắn kết giữa người với người, giữa người với thiên nhiên theo quan niệm “vạn vật hữu linh”. Với ý nghĩa đặc sắc đó, cho đến hôm nay, lễ hội này vẫn còn được người dân gìn giữ và phát huy.
“Lễ hội cầu mùa trong những năm qua đã mang đến niềm vui, phấn khởi cho bà con. Qua đó thúc đẩy mối đoàn kết giao lưu giữa các dân tộc, đồng thời khuyến khích bà con thi đua phấn đấu làm ăn…”, ông Hùng nói.
Mới đây, lễ hội cầu mùa của đồng bào Chăm, Ba Na Phú Yên được đưa vào chương trình Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc năm 2024 tại tỉnh Quảng Ngãi, góp phần lan tỏa và bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống, duy trì và phát triển các giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số Phú Yên nói riêng và Việt Nam nói chung.
Hàng năm, đồng bào Ba Na chúng tôi đều tổ chức lễ cúng cầu mùa với mong ước mưa thuận, gió hòa, cây trái xanh tốt, lúa, bắp… được mùa để dân làng có cuộc sống đủ đầy, yên vui.
Nghệ nhân Bùi Văn Hiệp, Đội trưởng Đội cồng chiêng thôn Xí Thoại
Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/325078/xuan-sang-vui-le-hoi-cau-mua.html