Xuân sớm ở làng giày da Phú Yên
Những ngày này, không khí sản xuất, giao thương ở làng quê Phú Yên vô cùng nhộn nhịp. Vui hơn khi vào cuối năm 2023, xã được thành phố đánh giá đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Tự hào nghề giày da
Trên đất Hà Nội, duy nhất xã Phú Yên (huyện Phú Xuyên) có tới 2 thôn Giẽ Thượng và Giẽ Hạ được thành phố công nhận là làng nghề truyền thống sản xuất giày da.
Trên những con phố trung tâm thời trang của Thủ đô có bao nhiêu kiểu dáng giày dép, thì ở làng nghề Giẽ Thượng và Giẽ Hạ cũng có bấy nhiêu mẫu mã. Tất nhiên, giá giày dép da mua tại làng nghề Phú Yên thường “mềm” hơn so với trên phố bởi “mua tận gốc”. Đó cũng chính là lý do những “phố làng" ở Phú Yên luôn sầm uất, không khí mua sắm nhộn nhịp, đặc biệt là những ngày cuối năm khi Tết đã đến, Xuân đã về thật gần.
Tự hào về nghề truyền thống của quê hương, ông Nguyễn Dư Diên, Chủ cơ sở sản xuất giầy dép da Sơn Linh cho biết: Tương truyền, những năm đầu thế kỷ XX, trong làng có cụ Nguyễn Lương Nghé học được nghề đóng giày da trên phố Tràng Tiền, cụ truyền dạy nghề cho người làng. Nhận thấy đây là nghề có thu nhập, phù hợp nhiều lứa tuổi lao động nên người Phú Yên đã gìn giữ, phát triển.
Cũng theo ông Nguyễn Dư Diên, trước đây, việc đóng giày làm hoàn toàn thủ công, qua rất nhiều công đoạn như cắt, dán, khâu dùi, mài giũa mới ra được một đôi giày. Giờ ứng dụng máy cắt, máy dập, máy bào... nên việc sản xuất nhanh, đẹp hơn nhiều. Các khuôn được đúc sẵn theo cỡ số tiêu chuẩn để sản xuất đồng loạt. Nhờ áp dụng máy móc nên mẫu mã đa dạng, đẹp mắt, chất lượng tốt. Hiện, gia đình ông Diên có 20 lao động sản xuất giày dép da, sản phẩm bán buôn cho các cửa hàng thời trang khắp cả nước. Nghề truyền thống mang lại cho gia đình ông thu nhập mỗi năm trên 1 tỷ đồng.
Chị Lê Thị Luyện, chủ cửa hàng giày da Điệp Luyện cho biết: Sản phẩm của gia đình chủ yếu bán buôn cho các cửa hàng kinh doanh trên thành phố. Tại Phú Yên, cùng với sản xuất, gia đình có cửa hàng để trưng bày, quảng bá, bán lẻ sản phẩm cho người tiêu dùng. Do sản phẩm thời trang thay đổi mẫu mã liên tục, người tiêu dùng đòi hỏi cao về chất lượng nên các mẫu giày gia đình sản xuất đều phải được kiểm tra chặt chẽ từ khâu nguyên liệu đến gia công, đóng gói, xuất xưởng...
Chung sức xây dựng quê hương
Chủ tịch UBND xã Phú Yên Nguyễn Văn Tâm cho biết: Xã có 3 làng nghề đã được thành phố công nhận làng nghề truyền thống là: Nghề giày da ở các thôn: Giẽ Thượng, Giẽ Hạ; nghề may ở thôn Thượng Yên.
Trong đó, với nghề giày da, cả xã có gần 500 cơ sở sản xuất, gia công với gần 6 nghìn lao động. Làng nghề phát triển, thu nhập bình quân trên địa bàn xã đến hết năm 2023 đã đạt hơn 76 triệu đồng/người/năm. Cả xã chỉ còn 1 hộ nghèo và 2 hộ cận nghèo. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh góp phần giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động địa phương và xã lân cận.
Ước tính mỗi ngày, cả xã Phú Yên sản xuất khoảng 1.700-1.800 đôi giày dép. Toàn bộ công đoạn sản xuất từ cắt may, đóng đế, dán, khâu… đều được làm tại làng nghề. Trong đó, có 2 chủ thể và 10 sản phẩm giày, dép da đã được UBND thành phố Hà Nội chứng nhận OCOP 4 sao là hộ ông Nguyễn Dư Diên và Nguyễn Tại Phong.
Theo Chủ tịch UBND xã Phú Yên Nguyễn Văn Tâm, làng nghề đã tạo động lực rất lớn cho Phú Yên xây dựng và hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới nâng cao. Từ năm 2017 đến nay, địa phương đã huy động được 221 tỷ đồng để hoàn thiện các công trình hạ tầng. Có nghề, thu nhập của người dân cũng cao hơn, hộ nghèo giảm; cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động đều chuyển dịch tích cực theo hướng tăng lĩnh vực công nghiệp, thương mại; giảm dần lĩnh vực nông nghiệp.
Chăm lo phát triển làng nghề, UBND xã Phú Yên đã phối hợp với các thôn vận động các gia đình ký kết hợp đồng với công ty môi trường thu gom, đưa rác thải rắn là các loại da, xốp, vải vụn của quá trình sản xuất đến nơi xử lý. Xã cũng hỗ trợ người dân đăng ký nhãn hiệu; quảng bá, tiếp thị sản phẩm. Hiện, đa số sản phẩm giày dép da ở Phú Yên có bao bì, nhãn mác, được gắn mã truy xuất nguồn gốc. Một số sản phẩm được quảng bá, tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử như: Giày da Sơn Linh, Huy Hoàng, Đức Hà, Quang Hạnh, Lương Huy…
Theo Bí thư Chi bộ thôn Giẽ Hạ Đỗ Quang Bằng, chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ nghề phát triển là niềm tự hào rất lớn của người dân. Giữa năm 2023, xã Phú Yên vinh dự được thành phố công nhận điểm du lịch của thành phố. Cuối năm, xã tiếp tục được đánh giá công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
“Tết này, người dân Phú Yên đón xuân sớm hơn bởi có thêm nhiều niềm vui. Người dân được thụ hưởng cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, nhà văn hóa… ngày càng đồng bộ và hiện đại; an ninh chính trị được giữ vững… Chúng tôi xác định đó là những động lực rất lớn để phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nghề Phú Yên trở thành điểm du lịch hấp dẫn của thành phố, góp phần nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân”, ông Bằng vui mừng chia sẻ...
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/xuan-som-o-lang-giay-da-phu-yen-655571.html