Xuân sớm trên quần đảo Trường Sa - bài 1: Chuyến tàu 'chở' mùa Xuân ra đảo
Những ngày cuối năm Giáp Thìn 2024, chúng tôi may mắn có mặt trên tàu HQ-561 chở Đoàn công tác của Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân) và gần 50 cán bộ, phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương mang mùa Xuân từ đất liền đến với quần đảo Trường Sa. Đón Tết sớm nơi tuyến đảo tiền tiêu với tôi là một cảm xúc mới mẻ, thật đặc biệt. Nhìn lá cờ cỏ sao vàng tung bay trên mỗi đảo nhỏ, chúng tôi càng yêu hơn, tự hào hơn về Tổ quốc Việt Nam. Càng trân trọng hơn những đóng góp, hy sinh của biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang ngày đêm bám biển đảo, giữ vững chủ quyền của Tổ quốc.
Đúng 16 giờ 30 phút ngày 26/12/2024, tại Quân cảng Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), sau 3 tiếng còi hú chào đất mẹ, con tàu mang số hiệu HQ-561, Lữ đoàn 955, Vùng 4 Hải quân bắt đầu rẽ sóng, rời cảng. Tôi ngắm nhìn những chậu quất, cành đào đang chúm chím hé nụ được bao bọc kỹ càng trên tàu, mỉm cười khe khẽ nhẩm lời bài hát: “Em ơi mùa Xuân đến rồi đó. Xuân ước vọng ngàn năm lại tới. Nghe lòng vui phơi phới”.
Gửi nghĩa tình ra đảo
Đã thành thông lệ, dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân lại tổ chức các đoàn đi thăm, tặng quà chúc Tết tại một số đảo, điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Trên tàu 561 của chúng tôi đợt này vận chuyển nhiều loại hàng hóa, lương thực, thực phẩm và các vật dụng sinh hoạt do Quân chủng Hải quân chuẩn bị và các cơ quan, đơn vị, nhân dân trong cả nước gửi tặng.
Những phần quà, nhu yếu phẩm, thực phẩm Tết gói gọn yêu thương từ đất liền được cán bộ, chiến sĩ chuẩn bị tỉ mỉ, chu đáo, vận chuyển khéo léo lên tàu. Đó là những chú lợn béo hồng và đàn gà, vịt trong chuồng dã chiến cuối boong tàu - nguồn thịt tươi ngon để quân, dân Trường Sa đón Xuân; là từng tập lá dong xanh để quân dân trên đảo gói bánh chưng chuẩn hương vị Tết. Trên con tàu “chở mùa Xuân ra đảo” còn có những ấm chè Thái, nhiều cuốn sách, phần quà, bức tranh, lá thư của học sinh và người dân khắp mọi miền Tổ quốc gửi yêu thương tới hải đảo xa xôi…
Chị Đinh Thị Thu Thảo, phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Dương, hồ hởi nói: Chưa một lần được đặt chân tới Trường Sa, chúng tôi rất háo hức cho chuyến đi. Chúng tôi cũng chuẩn bị nhiều phần quà là các sản vật OCOP của địa phương để gửi tặng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở Trường Sa để mọi người cảm nhận được không khí Tết trọn vẹn yêu thương như ở đất liền.
Anh Nguyễn Xuân Trường, chuyên viên Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hoa Lư (Ninh Bình): Biết tôi đi công tác ngoài đảo, các thầy trò một số trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh đã vẽ nhiều bức tranh, gửi tâm tình vào những lá thư, không quên lời dặn nhờ tôi trao tận tay các chú lính hải quân ở Trường Sa.
Chia sẻ của anh Trường, chị Thảo khiến tôi nhớ lại lời phát biểu của Đại tá Ngô Đình Xuyên, Phó Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, trước giờ xuất phát: Việc tổ chức các đoàn tới thăm, chúc Tết, động viên, phối hợp với hoạt động tác nghiệp báo chí phản ánh đời sống, công tác của quân dân trên quần đảo Trường Sa là sự quan tâm đặc biệt, là tình cảm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể và nhân dân các địa phương hướng về biển, đảo trong những ngày giáp Tết Nguyên đán. Tình cảm đó là nguồn cổ vũ, động viên, khích lệ rất lớn, tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân - những người lính biển kiên trung đang ngày đêm chắc tay súng, vững vàng trên tuyến đầu, quyết tâm bảo vệ vững chắc từng tấc đảo, sải biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Trường Sa không xa
Hải trình lần này của chúng tôi trên tàu 561 chở theo bao sự háo hức, mong chờ của các thành viên trong đoàn khi nhiều người lần đầu tiên được đặt chân đến các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Thượng úy Nguyễn Trung Thành, chính trị viên tàu HQ-561, điềm đạm cho biết: Chúng tôi đã chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng các điều kiện về cơ sở vật chất cũng như đảm an toàn cho Đoàn công tác trong suốt chuyến đi. Hy vọng sẽ mang một hải trình đặc biệt ý nghĩa cho các anh chị, hoàn thành nhiệm vụ “chở mùa Xuân yêu thương” từ đất liền tới quân dân ở quần đảo Trường Sa.
Sau gần 2 giờ rời cảng, đất liền chỉ còn lại trong tầm mắt xa khuất của chúng tôi. Sợ say sóng nên nhiều người đã vào phòng nằm nghỉ, trong khi nhiều anh em lên boong tàu hóng gió, ngắm nhìn hoàng hôn trên biển với biết bao cảm xúc tự hào, yêu thương. Nhìn đàn hải âu chao liệng trước mũi tàu, tôi nhớ đến phút chia tay bịn rịn, lưu luyến trên bến cảng của những gia đình nhỏ, là ăm ắp tiếng cười, lời động viên của “hậu phương” nhắn nhủ chồng, cha hãy yên tâm công tác.
Trong mắt tôi còn rõ mồn một hình ảnh những người lính hải quân trẻ trung đứng sát nhau kết thành hàng dài vững chắc trên boong tàu cùng vẫy chào đất liền và đồng đội trước giờ lên đường thực hiện nhiệm vụ. Ánh mắt họ trao gửi yêu thương như lời chào, thể hiện sự quyết tâm: Đất liền thân yêu, hãy yên tâm vì đã có chúng tôi vững vàng tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Suốt hai đêm lênh đênh trên biển, ngoài những lúc sóng biển dịu dàng mơn man mạn tàu, cũng có lúc biển động, gió giật cấp 6, cấp 7 khiến mọi người trên tàu say sóng, mệt mỏi. Dù các bữa cơm được chuẩn bị tươm tất, đầy đủ dưỡng chất song do say sóng, tôi và nhiều người vẫn không thể xuống ăn. Vậy mà khi được thông báo sắp tới đảo Trường Sa, ai nấy đều cảm thấy khỏe mạnh, hạnh phúc đón chờ khoảnh khắc đặt chân lên đảo. Ai cũng mong muốn mang theo “hơi ấm” đất liền và hương vị mùa Xuân gửi tới cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang thực hiện nhiệm vụ tại đây.
Tranh thủ những lúc không say sóng, chị em trong phòng ở của tôi đã cùng nhau học một số bài hát để lúc lên đảo có thể tự tin biểu diễn cùng cán bộ, chiến sĩ. Đêm trước khi lên đảo Trường Sa, giữa tiếng sóng biển ầm ào, chúng tôi cùng ngân vang câu hát, mong chờ sớm mai sẽ nhìn thấy “thủ đô” của quần đảo Trường Sa: “Đêm Trường Sa thèm nghe câu hát. Biển nở đầy sao, trong tôi sóng dậy ầm ào. Đêm Trường Sa tình ai miền gió nắng, nơi này biển hát. Sóng dắt tôi về phía những đảo xa”…
Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân được giao quản lý, bảo vệ vùng biển rộng trên 360 nghìn km2, trong đó có 21 đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Đây là vùng biển, đảo có vị trí chiến lược trọng yếu, đặc biệt quan trọng cả về kinh tế - chính trị - quốc phòng - an ninh của đất nước.
(Còn nữa)