Xuân sớm trên quần đảo Trường Sa - bài 2: 'Những viên ngọc xanh' trên biển

Vượt qua hàng trăm hải lý giữa mùa biển động, tàu chúng tôi cập cảng ở âu tàu đảo Trường Sa. Sau bao mong chờ, mọi người đều vô cùng xúc động khi thấy các cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo có mặt từ sớm đón đợi. Cảm xúc trong chúng tôi vỡ òa khi nhìn thấy trước mắt mình là hòn đảo xanh ngát, tràn đầy sức sống, sừng sững hiên ngang giữa muôn trùng sóng nước biển Đông…

Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở đảo Trường Sa đón Đoàn công tác.

Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở đảo Trường Sa đón Đoàn công tác.

“Xanh hóa” quần đảo bão tố

Ngay phía sau tấm biển ghi dòng chữ UBND thị trấn Trường Sa, chúng tôi thấy một màu xanh mướt của cây lá, mang lại cảm giác gần gũi, thân thương như trong đất liền. Đặt chân lên đảo, chúng tôi ngỡ ngàng khi chiêm ngưỡng vẻ xanh tươi nơi đầu sóng ngọn gió. Các thành viên trong Đoàn chúng tôi không hẹn mà cùng thốt lên, đảo Trường Sa như một “viên ngọc xanh” lấp lánh tràn đầy sức sống.

Đoàn công tác tham quan các địa điểm trên đảo Trường Sa.

Đoàn công tác tham quan các địa điểm trên đảo Trường Sa.

Tất cả các công trình hạ tầng trên đảo được xây dựng khoa học, từ con đường đầu cầu cảng dẫn đến khu trung tâm, các nhà chỉ huy đơn vị, ngôi chùa, trường học, hộ dân… đều nằm dưới những tán cây cao xanh mát. Những cây bàng vuông, cây tra, mù u, cây thông… vươn mình mạnh mẽ, bất khuất tựa như những người lính đảo đang ngày đêm giữ vững chủ quyền của Tổ quốc.

Không gian xanh mát tạo cảnh quan đẹp và gần gũi cho quân dân trên đảo Trường Sa.

Không gian xanh mát tạo cảnh quan đẹp và gần gũi cho quân dân trên đảo Trường Sa.

Trung tá Cấn Ngọc Sơn, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa, dẫn chúng tôi đi tham quan quanh đảo, vừa đi anh vừa giới thiệu: Trên đảo cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đều có ý thức sử dụng năng lượng tiết kiệm và giữ gìn, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp. Đảo không chỉ mạnh về phòng thủ mà còn là nơi đẹp về cảnh quan môi trường.

Chương trình “Xanh hóa Trường Sa" chính thức khởi động từ năm 2023, nhưng từ nhiều năm trước đó, cán bộ, chiến sĩ, nhân dân nơi đây đã có ý thức phủ xanh đảo bằng nhiều loại cây. - Trung tá Cấn Ngọc Sơn

Quả bàng vuông non ở đảo Trường Sa.

Quả bàng vuông non ở đảo Trường Sa.

Trước khi đến Trường Sa, chúng tôi đã tìm hiểu về địa điểm được mệnh danh là "quần đảo bão tố" này. Trong số hơn 20 đảo thuộc quần đảo Trường Sa, có rất ít đảo may mắn được tự nhiên ban cho lớp thổ nhưỡng chất mùn dầy và lớp phân chim hải âu từ xưa để lại thuận lợi cho việc trồng cây, rau xanh. Cơ bản các đảo chỉ “giàu” sỏi đá, cát trắng và san hô cứng. Khí hậu khắc nghiệt thêm thổ nhưỡng “khó tính” nên việc trồng cây ở đây khó khăn nhiều lần so với đất liền. Vậy mà khi đặt chân lên quần đảo Trường Sa, chúng tôi lại được hít trọn bầu không khí trong lành, cảm giác như ở đất liền với nhiều loại cây bốn mùa tươi tốt.

Hàng dương xanh mát, thơ mộng tạo điểm nhấn riêng biệt, độc đáo ở đảo Đá Tây.

Hàng dương xanh mát, thơ mộng tạo điểm nhấn riêng biệt, độc đáo ở đảo Đá Tây.

Đặc biệt ở đảo Đá Tây, chúng tôi đi dạo, đạp xe giữa hàng dương như những dải lụa mềm mại ôm lấy hòn đảo xinh đẹp, mà như đang ở một khu resort thơ mộng. Ánh hoàng hôn xuyên qua từng tán lá, tạo nên một không gian lãng mạn rất đỗi yên bình. Lắng nghe tiếng rì rào của gió hòa cùng tiếng sóng vỗ như lời thì thầm êm dịu của biển cả, bỗng thấy thư thái đến lạ kỳ.

Hưởng ứng phong trào "Mùa Xuân là Tết trồng cây", dịp đầu năm, mỗi cán bộ, chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa đều có ý thức trồng cây phủ xanh các đảo, điểm đảo.

Hưởng ứng phong trào "Mùa Xuân là Tết trồng cây", dịp đầu năm, mỗi cán bộ, chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa đều có ý thức trồng cây phủ xanh các đảo, điểm đảo.

Nhìn hàng dương xanh trước gió, chiến sĩ Lâm Minh Tân, đảo Đá Tây, cười hiền bảo: Đối với các cán bộ, chiến sĩ chúng em sau giờ huấn luyện, canh gác, đây là nơi lý tưởng để đi bộ thư giãn, tận hưởng không gian trong lành và tạm quên đi những căng thẳng trong cuộc sống.

Chị Võ Thị Ánh Châu, người dân ở đảo Đá Tây: Hàng dương không chỉ là điểm nghỉ ngơi mà còn là nơi gắn kết tình cảm, chia sẻ niềm vui và bao câu chuyện đời thường của gia đình em.

Những lời chia sẻ của chiến sĩ Tân và chị Châu càng khiến tôi thêm thấm thía, cùng với các loại cây xanh được trồng trên đảo, hàng dương xanh mát không chỉ tô điểm thêm vẻ đẹp riêng độc đáo chỉ có ở đảo Đá Tây mà còn là biểu tượng của sự bền vững và tình yêu thiên nhiên sâu sắc trong lòng mỗi người gắn bó với đảo.

Những vườn rau xanh mướt

Trong hành trình đến Trường Sa, mỗi lần đặt chân lên các đảo, điểm đảo, điều chúng tôi vô cùng ấn tượng là giữa mùa biển động sóng dữ, lại bắt gặp vườn rau xanh mướt mắt ở trong nhà lưới được quây kín không khác gì trong đất liền. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do điều kiện tự nhiên, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, nhưng quân và dân Trường Sa đã nỗ lực để tăng gia sản xuất, đảm bảo nguồn rau xanh phục vụ cho bữa ăn hàng ngày.

Cây bàng vuông với đặc điểm chịu được khí hậu, sóng gió khắc nghiệt nên được trồng ở hầu hết các đảo, điểm đảo ở quần đảo Trường Sa.

Cây bàng vuông với đặc điểm chịu được khí hậu, sóng gió khắc nghiệt nên được trồng ở hầu hết các đảo, điểm đảo ở quần đảo Trường Sa.

Như ở đảo An Bang, vốn được mệnh danh là “cô gái đẹp” khó tiếp cận bởi quanh năm sóng vỗ dữ dội, tàu thuyền lớn rất khó cập bờ. Muốn vào đảo, chúng tôi chỉ có thể di chuyển trên xuồng, "cưỡi” trên những con sóng cao vài mét. Thời tiết ở An Bang càng khắc nghiệt hơn với nắng gió biển mặn chát và nhiều cơn bão cát. Vậy mà dưới bàn tay, khối óc, sự miệt mào lao động của bao người lính hải quân, An Bang đã “biến hình” từ một bãi đá san hô khô cằn thành “viên ngọc xanh” xinh xắn, đáng yêu, luôn rợp bóng mát của cây bàng vuông, phong ba...

Cán bộ, chiến sĩ đảo An Bang chăm sóc vườn rau của đảo.

Cán bộ, chiến sĩ đảo An Bang chăm sóc vườn rau của đảo.

Đặc biệt là, dưới tán lá cây lâu năm trên đảo còn phủ kín những vườn rau xanh tốt. Theo chân cán bộ, chiến sĩ của đảo ra thăm vườn rau, chúng tôi thỏa mắt nhìn này là giàn bầu bí, mướp nhật trĩu quả đến độ thu hoạch, này là những cây rau cải, mồng tơi tươi ngon vừa độ hái vươn mình trong thùng xốp được bao bọc, chắn sóng gió cẩn thận.

Thượng úy Bùi Minh Hiếu, đảo An Bang: Ngoài nguồn lương thực, thực phẩm được gửi từ đất liền, tăng gia sản xuất ở đảo, trong đó có việc trồng rau xanh là nhiệm vụ hàng ngày của chúng tôi nhằm đảm bảo đời sống của cán bộ chiến sĩ. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, chúng tôi làm nhà che chắn gió, cát, không để nước biển tạt, xử lý nguồn đất kỹ càng để rau phát triển.

Cũng không lạ khi ngoài An Bang, ở đảo Trường Sa, Đá Tây, Đá Đông… nơi chúng tôi đến, những vườn rau xanh cũng được cán bộ, chiến sĩ chăm sóc tươi tốt. Mặc ngoài kia biển ầm ào sóng dữ, mặc nắng gió, cát xoáy và muối biển mặn mòi, từng luống rau vươn mình, cung cấp nguồn dưỡng chất đầy đủ cho cán bộ, chiến sĩ, cũng là sự minh chứng cho lòng kiên trì, ý chí, nghị lực phi thường của người lính đảo…

Rau xanh được trồng trong nhà của một hộ dân ở đảo Đá Tây.

Rau xanh được trồng trong nhà của một hộ dân ở đảo Đá Tây.

Diện tích trồng cây xanh chiếm khoảng 40% bề mặt quần đảo Trường Sa. Ba năm qua, hàng trăm nghìn cây xanh đã được trồng, sinh trưởng và phát triển tốt ở các đảo theo chương trình "Xanh hóa Trường Sa". Việc trồng cây đã tạo ra “lá phổi xanh” giúp cán bộ, chiến sĩ, nhân dân có không gian sống tốt hơn trong điều kiện khí hậu đặc biệt khắc nghiệt.

(Còn nữa)

Linh Lan

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/quoc-phong-an-ninh/202501/xuan-som-tren-quan-dao-truong-sa-bai-2-nhung-vien-ngoc-xanh-tren-bien-c451277/