Xuân Thượng 'khoác' áo mới

'Đổi thay từng ngày' là cụm từ đầu tiên ông Nguyễn Văn Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Thượng (Bảo Yên) nhắc tới khi nói về sự phát triển của địa phương. 'Tính từ thời điểm tôi về đây công tác (năm 2016), Xuân Thượng nay đã khoác áo mới. Tư duy của người dân đã thay đổi, diện mạo nông thôn khởi sắc', ông Dũng nói.

Diện mạo Xuân Thượng ngày càng đổi thay.

Diện mạo Xuân Thượng ngày càng đổi thay.

Xác định thực hiện tiêu chí giao thông sẽ giúp Xuân Thượng phát triển, do đó tranh thủ sự đầu tư của Nhà nước, Đảng ủy và chính quyền xã vận động người dân hiến đất, góp công làm đường, xây cầu qua suối. Chưa đầy 4 năm, xã Xuân Thượng đã hoàn thành mục tiêu cứng hóa 100% đường giao thông nông thôn. Năm 2015, Xuân Thượng chỉ có 10 km đường giao thông được cứng hóa nhưng đến hết năm 2019, toàn bộ 40 km đường giao thông của xã đã bê tông hóa hoặc rải cấp phối. Ngoài ra, tận dụng sắt của cầu Cốc Lếu, xã đã huy động người dân đóng góp ngày công xây dựng 12 cây cầu bắc qua suối kết nối các thôn, bản, khu vực sản xuất với nhau.

Dẫn chúng tôi đi trên tuyến đường bê tông dài gần 3 km đến bản 1 Thâu, chị Ma Thị Toản, cán bộ tư pháp xã Xuân Thượng tâm sự: Năm 2016 là năm đầu tiên tôi về nhận công tác ở xã và tham gia công tác bầu cử tại bản 1 Thâu. Khi đó, đường đến bản là đường mòn men theo ven suối, gặp trời mưa thì phải ở lại bản. Năm 2018, tuyến đường được đầu tư nâng cấp, đổ bê tông xi-măng giúp người dân đi lại thuận lợi.

Ông Bàn Văn Tài, Trưởng bản 1 Thâu cho biết: Người dân trong bản đã hiến 100% đất nơi có đường đi qua, đóng góp 42 triệu đồng và 320 ngày công đổ bê tông tuyến đường và xây dựng cầu 1 Thâu.

Đường giao thông kiên cố giúp Xuân Thượng phát triển.

Đường giao thông kiên cố giúp Xuân Thượng phát triển.

Song song với làm đường giao thông nông thôn, Đảng ủy và chính quyền xã Xuân Thượng cũng xác định phát triển kinh tế, lấy nông nghiệp là trọng tâm, nâng cao thu nhập cho người dân là khâu đột phá. “Để thay đổi tư duy sản xuất của người dân là cả quá trình nhưng khi người dân đã thay đổi thì việc đưa những giống mới, mô hình phát triển kinh tế hiệu quả vào thực tế rất thuận lợi”, ông Nguyễn Văn Dũng cho biết thêm.

Việc thay đổi tập quán canh tác, tư duy sản xuất của người dân Xuân Thượng được bắt đầu từ thói quen trồng rau phục vụ đời sống và nhu cầu tiêu dùng trong xã, huyện. Trước năm 2016, diện tích rau ở Xuân Thượng rất ít, khái niệm trồng rau hàng hóa là thứ gì đó rất xa xôi với người dân ở đây. Ban đầu, ông Dũng và đội ngũ cán bộ xã tiên phong làm gương và vận động người dân canh tác rau hàng hóa. Vụ đầu tiên liên kết trồng cà rốt, ông Dũng và người dân gặp thất bại, bản thân ông Dũng thiệt hại 10 triệu đồng. Sau đó, ông tiếp tục vận động xã hội hóa mua hạt rau giống phát cho người dân, thành lập tổ liên kết trồng rau an toàn, vận động người dân trồng cây vụ đông… Đến nay, trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế nhờ trồng rau an toàn, trồng cây vụ đông có hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình trồng rau theo hướng an toàn của anh Hoàng Văn Toán cho thu nhập cao.

Mô hình trồng rau theo hướng an toàn của anh Hoàng Văn Toán cho thu nhập cao.

Mô hình trồng rau trong nhà màng của anh Hoàng Văn Toán nổi bật giữa cánh đồng lúa xanh ngát của bản 1 Là. Gia đình anh Toán là một trong những hộ vượt khó, tiên phong trồng rau theo hướng an toàn ở xã Xuân Thượng. Trước đây, anh phải đi khắp nơi, làm đủ nghề để lo cho kinh tế gia đình vì vợ bị tật nguyền và sức khỏe càng yếu hơn sau khi sinh 2 con. Một trong những công việc anh thường làm là ủ phân hữu cơ cung cấp cho các hợp tác xã và người trồng rau trên địa bàn tỉnh. Nhiều lần giao hàng cho Hợp tác xã Nông nghiệp Mai Anh Sa Pa, anh có ý tưởng phát triển mô hình trồng rau ở Xuân Thượng. Năm 2018, anh vay thêm 200 triệu đồng đầu tư làm 1.000 m2 nhà kính để trồng rau. Đầu năm 2020, nhà kính bị hư hỏng do thiên tai, thiệt hại hơn 50 triệu đồng. Sau đó, anh dồn số tiền tích cóp được để sửa thành mô hình nhà màng trồng rau theo hướng an toàn. Hiện gia đình anh Toán trồng các loại rau theo mùa, chủ yếu là rau cải, rau gia vị… theo hình thức gối vụ. Trung bình mỗi ngày anh thu 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng từ bán rau (20 ngày/tháng).

Anh Hoàng Văn Toán cho biết: Tôi dùng phân hữu cơ trồng rau trong nhà màng, không dùng thuốc bảo vệ thực vật nên thị trường rất ưa chuộng. Có những ngày phải dậy từ 2 giờ sáng cắt rau. Có ngày tôi phải báo nghỉ vì không có rau bán cho khách.

Được biết, UBND xã Xuân Thượng đang làm hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ khen thưởng anh Hoàng Văn Toán vì thành tích vượt khó, tích cực lao động, sản xuất, phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Thượng cho biết: Hiện nay, người dân xã Xuân Thượng đã tự tin cung cấp 50% sản lượng rau cho thị trấn Phố Ràng và tiếp cận một số thị trường ngoài huyện. Không dừng lại ở mô hình sản xuất đơn thuần, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao theo hướng an toàn. Người dân trong xã còn xây dựng 6.000 m2 nhà màng để trồng cây măng tây. Ngoài ra, gia đình anh Phan Hồng Quang ở bản 3 Là mới đăng ký xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi bò với số lượng ban đầu 100 con. Đây là những mô hình kinh tế triển vọng.

Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của Xuân Thượng đạt hơn 34 triệu đồng/năm. Dự kiến xã sẽ “về đích” nông thôn mới trong năm 2020.

Nhờ tinh thần đoàn kết, tích cực lao động, sản xuất và xây dựng nông thôn mới, Xuân Thượng trở thành điển hình của Bảo Yên. Trong nhiệm kỳ vừa qua, xã vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua toàn diện.

Đức Phương

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/nong-thon-moi/xuan-thuong-khoac-ao-moi-z36n20200927153139904.htm