Xuân Thủy và con đường đến với báo chí cách mạng Việt Nam
Trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, bên cạnh những cái tên lỗi lạc như Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Trường Chinh..., không thể không nhắc đến một nhà báo tài năng, nhân cách cao đẹp, đặc biệt là nụ cười đôn hậu đã trở thành một hình ảnh vô cùng thân thương. Đó là nhà báo Xuân Thủy.
1. Nhà báo Xuân Thủy (1912 - 1985) tên khai sinh là Nguyễn Trọng Nhâm. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho yêu nước tại xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm (nay thuộc quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội), từ nhỏ ông đã được cha dạy chữ Hán, bồi đắp tinh thần bằng những câu chuyện dân gian, những áng thơ mang đậm hồn dân tộc. Ông cũng thường xuyên được tiếp xúc với những người bạn của cha khi họ gặp nhau, bàn luận về thời thế... Điều đó dần hình thành trong ông tinh thần yêu nước, thôi thúc ông đến với cách mạng.
Trong hồi ký, nhà báo Xuân Thủy tự bạch: “Thấy tôi hay đi Hà Nội, lần nào về, cha tôi cũng hỏi đi đâu, làm gì? Mà có gì đâu để cha tôi phải lo. Tôi cuốc bộ hơn 10 cây số đi Hà Nội rồi lại cuốc bộ về chỉ cốt qua các hiệu sách báo xem có gì mới, đồng thời cũng nghe ngóng xem có gì lạ mà nông thôn không biết...”. Qua báo chí, ông biết được nhiều phong trào đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ, tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản.
Và ông sớm giác ngộ cách mạng, quyết tâm dấn thân vào con đường đầy nguy hiểm, gian khổ này: “Vào khoảng năm 1934 - 1935, tôi từ tỉnh Hà Đông đến thị xã Phúc Yên. Ở đây tôi mở hiệu thuốc Đông y với môn thuốc gia truyền, cốt để kiếm sống và dễ bề giao thiệp. Tôi cũng nhận làm thông tin viên cho báo Trung Bắc Tân Văn để dễ bề đi lại hoạt động. Hồi này ở Phúc Yên hầu như chưa có phong trào cách mạng, tôi cũng chưa phải đảng viên cộng sản. Những người giác ngộ tôi ở quê đều đã bị bắt cả rồi. Tôi không liên lạc được với ai trong tổ chức cách mạng cả. Tuy nhiên, với nhiệt tình cách mạng của tuổi trẻ, một mình, tôi cứ lao vào hoạt động, chẳng sợ sệt gì cả...”. (“Xuân Thủy - Nhà hoạt động chính trị, ngoại giao xuất sắc, nhà báo, nhà thơ lớn”, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, năm 2012).
2. Xuân Thủy sớm có bài đăng trên các báo của Hà Nội từ đầu những năm 1930, như bài thơ “Loạn lung tung” (ký tên Xuân Thủy) đăng trên Hà Thành Ngọ Báo. Ông cũng viết bài cho một số tờ như Tin tức, Thế giới, Đời nay...
Trong quá trình hoạt động cách mạng, giai đoạn 1940 - 1941, Xuân Thủy bị chính quyền Pháp bắt, đày lên nhà tù Sơn La, sau lại bị đưa đi căng Bắc Mê (Hà Giang). Sau khi hết hạn tù tại căng Bắc Mê, chúng đưa ông về giam tại nhà tù Sơn La lần thứ hai. Tại đây, Xuân Thủy được tổ chức phân công phụ trách báo Suối reo: “Đảng bộ nhà tù Sơn La đã đề ra nhiều hình thức hoạt động phong phú. Một trong những hình thức ấy là xuất bản tờ Suối reo nhằm đoàn kết, giáo dục, động viên các lực lượng trong nhà tù trên bước đường phấn đấu” (“Xuân Thủy - Nhà hoạt động chính trị, ngoại giao xuất sắc, nhà báo, nhà thơ lớn”).
Báo Suối reo xuất bản trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, nguy hiểm. Trong nhà tù thiếu thốn mọi bề, giấy mực có được nhờ tù nhân đấu tranh kiên quyết trong một thời gian dài với lý do “viết thư cho gia đình” mới được bọn cai ngục đồng ý. Tuy nhiên, nếu đánh hơi thấy có bất thường thì bao nhiêu giấy, mực, bút, đều bị chúng thu hết.
“Chúng tôi đã mắc một ngọn đèn điện vào một xó tường cách xa cửa ra vào, lại bịt không cho ánh sáng tỏa ra ngoài và hơn nữa, đặt người canh cửa để hễ có tiếng động là tắt đèn ngay... Lại đêm nay, sao mà báo động luôn thế, làm chúng tôi phải dọn luôn cả “bàn giấy” và “xưởng in” vào nhà xí! Gọi là “bàn giấy” và “xưởng in” cho oai, chứ thực ra chỉ vẻn vẹn hai cái túi vải đựng tài liệu, giấy, bút, mực. Viết thì người đứng, người ngồi, người để lên bàn tay, người đặt lên đầu gối, người kê lên sàn, lên đống chăn đắp, mỗi người mỗi kiểu...” (“Xuân Thủy - Nhà hoạt động chính trị, ngoại giao xuất sắc, nhà báo, nhà thơ lớn”).
Tuy nhiên, với tinh thần lạc quan cách mạng, nhà báo Xuân Thủy vẫn gieo những vần thơ của mình vào tờ Suối reo để động viên các chiến sĩ cách mạng, anh em bạn tù, củng cố niềm tin vững chắc về một ngày mai tươi sáng:
“Sơn La những núi cùng non
Dù cho đá lở vẫn còn Suối reo
Hôm nay rừng nặng sương chiều
Ngày mai nắng sớm lưng đèo nở hoa”.
Khoảng cuối năm 1943, từ nhà tù Sơn La, Xuân Thủy được đưa về quản thúc tại quê nhà. Năm 1944, ông thoát ly, được tổ chức phân công phụ trách báo Cứu Quốc, cơ quan tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh. Trong hồi ký, ông kể:
“Sau khi chia tay với anh Toàn (bí danh của đồng chí Trường Chinh), tôi qua một số trạm liên lạc rồi đến một địa điểm thuộc huyện Tiên Du (nay là huyện Tiên Sơn), tỉnh Bắc Ninh. Chờ ở địa điểm này một ngày thì anh Phúc (tức đồng chí Nguyễn Khang), anh Mẫn (Lê Quang Đạo) đến gặp tôi... Anh Phúc nói: Gặp anh, chúng tôi rất mừng. Báo Cứu Quốc trước kia ở trên phụ trách, nay giao về dưới này, chúng tôi bận quá, báo ra thất thường. Nay anh về chuyên trách tờ Cứu Quốc thì hay quá. Hai chúng tôi (anh Phúc vừa nói vừa trỏ vào anh Mẫn) cùng với anh viết bài, soạn bài... Chúng tôi sẽ giới thiệu với anh một đội công tác để giúp anh những việc trên, kể cả việc tìm địa điểm mới của tờ báo”.
Nhà báo Xuân Thủy được phân công trực tiếp phụ trách báo Cứu Quốc từ thời kỳ hoạt động bí mật và suốt cả những năm kháng chiến chống Pháp. Đây là tờ báo hằng ngày duy nhất của Đảng trong thời kỳ này, mở rộng phát hành đến các liên khu kháng chiến. “Chung lưng đấu cật” cùng anh em, Xuân Thủy đã lãnh đạo báo Cứu Quốc vượt qua biết bao khó khăn gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Tổng bộ Việt Minh giao phó.
Nhà báo Nguyễn Văn Hải, người bạn tù Sơn La được Xuân Thủy kết nối về làm quản lý báo Cứu Quốc đã nhận định: “Lịch sử báo Cứu Quốc trong những thời kỳ khó khăn nhất và oanh liệt nhất gắn liền với tên tuổi của Xuân Thủy”. Nhà báo Nguyễn Thành Lê, nguyên chủ bút báo Cứu Quốc, khẳng định: “Xuân Thủy là linh hồn của báo Cứu Quốc. Điều đó đúng với thời kỳ anh trực tiếp phụ trách tờ báo từ năm 1944 đến năm 1954 cũng như đúng với thời kỳ anh không trực tiếp phụ trách tờ báo, từ sau khi ký Hiệp định Genève đến đầu năm 1977”.
3. Trước những yêu cầu trong giai đoạn kháng chiến mới, năm 1948, Ðoàn báo chí kháng chiến Việt Nam được thành lập, do nhà báo Xuân Thủy phụ trách. Ðoàn báo chí kháng chiến tổ chức học tập chính trị, nghiệp vụ cho các nhà báo, hướng báo chí vào việc động viên toàn dân tham gia kháng chiến.
Năm 1949, kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn khốc liệt. Nhận thấy vai trò quan trọng của đội ngũ nhà báo cách mạng, Tổng bộ Việt Minh chủ trương mở Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng và giao cho nhà báo Xuân Thủy lãnh đạo chung. Tuy chỉ mở được một khóa trong thời gian ngắn (3 tháng), khó khăn, thiếu thốn đủ bề nhưng Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã đánh dấu thắng lợi bước đầu trên mặt trận tư tưởng, đặt nền móng cho sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam sau này.
Cuối tháng 3-1950, tại trụ sở báo Cứu Quốc ở xóm Roòng Khoa, xã Ðiềm Mặc, huyện Ðịnh Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Hội Những người viết báo Việt Nam được thành lập. Hội đã bầu ra Ban Chấp hành lâm thời do nhà báo Xuân Thủy làm Hội trưởng. Nhà báo Xuân Thủy đã trực tiếp chỉ đạo các công việc chung của Hội Những người viết báo Việt Nam (sau đổi tên thành Hội Nhà báo Việt Nam) qua 2 nhiệm kỳ (từ 1950 đến 1962), thực hiện xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ giao phó, đó là tập hợp, đoàn kết các nhà báo yêu nước trong một tổ chức, trở thành cầu nối giữa giới báo chí cách mạng Việt Nam và báo chí quốc tế.
Nhà báo Nguyễn Thành Lê, nguyên Tổng Thư ký đầu tiên của Hội Những người viết báo Việt Nam, nhận định: “Đối với Hội Nhà báo Việt Nam, với các thế hệ báo chí cách mạng Việt Nam, từ trước đến nay, đồng chí Xuân Thủy không chỉ là người sáng lập, vị Chủ tịch đầu tiên của Hội mà mãi mãi là người thầy, người bạn, người anh gần gũi và thân thiết...”.
Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam, đặc biệt là uy tín, đức độ, khiêm nhường, nhà báo Xuân Thủy đã để lại dấu ấn sâu đậm trong đồng nghiệp và bạn bè quốc tế. Hình ảnh ông với nụ cười đôn hậu luôn sống mãi trong tiềm thức của mọi người, là tấm gương sáng cho các thế hệ nhà báo Việt Nam.