Xuân Trình - Người tiên phong đổi mới
Ngày 21/11, BTC hội thảo quốc gia 'Xuân Trình, nhà viết kịch, nhà lãnh đạo sân khấu tiên phong của sự nghiệp đổi mới' đã tổ chức họp báo. Theo đó, Hội thảo sẽ diễn ra vào ngày 30/11.
Chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và các Hội Văn học - nghệ thuật Trung ương, Tạp chí Văn hiến Việt Nam phối hợp với Hội đồng Lý luận - phê bình văn học - nghệ thuật Trung ương, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Nghệ thuật sân khấu Việt Nam sẽ tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia về nhà văn, nhà viết kịch Xuân Trình, một trong những tác giả, nhà lãnh đạo xuất sắc nhất của nền sân khấu cách mạng Việt Nam.
Nhà văn, nhà viết kịch Xuân Trình (1936 - 1991), quê xã Yên Hùng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Từng làm Phó Tổng Thư ký Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và Tổng Biên tập Tạp chí Sân khấu, Giám đốc NXB Sân khấu từ năm 1983 cho tới khi qua đời năm 1991. Ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật năm 2001. Dù sinh ra trong gia đình “danh gia vọng tộc”, nhưng Xuân Trình sẵn sàng chấp nhận lao khổ để lấy chất liệu viết ra những kịch bản sân khấu để đời.
Hội thảo sẽ đánh giá đầy đủ những đóng góp của nhà viết kịch Xuân Trình đối với nền sân khấu Việt Nam nhất là trong giai đoạn đất nước bước vào sự nghiệp đổi mới. Trong khoảng gần 30 năm từ những năm 1960 đến 1990, Xuân Trình được coi là nhà viết kịch tiên phong của sự nghiệp đổi mới.
Nhà báo Nguyễn Thế Khoa - Tổng Biên tập Tạp chí Văn hiến Việt Nam, thành viên Ban Tổ chức cho biết: Nhà viết kịch Xuân Trình đã có những dự báo về tương lai rất sớm. Những tác phẩm của ông đi trước thời đại nên thật dễ hiểu là nó sẽ bị duyệt lên duyệt xuống, thậm chí bị cấm nhiều năm mới được diễn. Nhưng sau khi được xuất hiện đã gây tiếng vang lớn. Có thể kể đến những vở như: “Quê hương Việt Nam” (1967); “Lập xuân” (1970); “Bạch đàn liễu” (1973); “Thời tiết ngày mai” (1978)...
Đạo diễn NSƯT Đào Quang- Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Nam Định cho biết: Xuân Trình bén duyên với Đoàn kịch Hà Nam Ninh năm 1977. Khi đó, Đoàn kịch Hà Nam Ninh đã dàn dựng vở “Thú nhận” của Xuân Trình có những tiên đoán về chiến tranh biên giới phía Bắc. Quả nhiên năm 1979, xảy ra chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Tiếp đó, năm 1978, Xuân Trình đưa kịch bản “Thời tiết ngày mai” để đoàn dàn dựng, dự thi hội diễn sân khấu toàn quốc năm 1985. Tuy nhiên, do sự nhận thức của lãnh đạo tỉnh lúc đó mà vở diễn đã không được dự thi. Tác phẩm đề cập đến sự đổi mới nông thôn cần phải có cơ giới hóa và những người chỉ quen với cầm súng trong chiến tranh mà bảo thủ sẽ khó có thể lãnh đạo tốt. Đến kịch bản “Mùa hè ở biển” dàn dựng năm 1985 dù bị duyệt tới 8 lần nhưng cuối cùng ông Nguyễn Văn An - Bí thư Tỉnh ủy cũng đồng ý cho dự thi và giành giải Vàng. Trong sự nghiệp của mình, Xuân Trình dành 5 vở kịch cho Đoàn kịch Hà Nam Ninh quê hương thì có tới 3 vởi giành giải.
Nhà báo Nguyễn Thế Khoa nói: Xuân Trình còn là nhà quản lý tiên phong trong vấn đề xã hội hóa. Có lúc ông tự làm nghề nước mắm để kiếm tiền nuôi nghề. Khi giữ cương vị lãnh đạo ở NXB Sân khấu hay tạp chí, ông đều xin tự chủ kinh tế. Tinh thần ấy đến bây giờ vẫn còn đáng được học tập. Và chính Xuân Trình đã cưu mang, nhận Lưu Quang Vũ sau khi ra khỏi lực lượng vũ trang vào làm việc tại tạp chí Sân khấu, để từ đó xuất hiện nhà viết kịch Lưu Quang Vũ trứ danh.
Nguyễn Khôi Nguyên- con trai nhà viết kịch Xuân Trình cho biết: Trong hai năm cuối đời chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác, ngoài thời gian đau đớn, bố tôi đều nghĩ đến viết. Những kịch bản ông viết trên giường bệnh cuối đời như “Nửa ngày về chiều” (1990), “Nghĩ về mình” (1990), “Tai họa hay rủi ro” (1991).
PGS. TS Phan Trọng Thưởng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận - phê bình văn học - nghệ thuật trung ương kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Lý luận - phê bình văn học - nghệ thuật trong bài tham luận gửi tới BTC cho biết, ông ấn tượng với câu thoại ở cuối vở “Nửa ngày về chiều”, khi con nhân vật Hoàng hỏi: “Liệu có ai dám làm người chân chính nữa không?” Ông Hoàng trả lời: “Bố vẫn tin là có và sẽ có nhiều người. Làm một người lương thiện đắt giá lắm con ạ? Nhưng nếu lương thiện mà giàu sang thì kẻ ác tranh nhau làm người lương thiện hết cả rồi”. Cho đến hôm nay, lời thoại đó vẫn đúng, vẫn hay nhưng vẫn hàm ý chua chát, khiến chúng ta phải suy nghĩ, băn khoăn.
Tại buổi họp báo, NSND Lê Tiến Thọ- Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đánh giá: “Kịch của Xuân Trình mang tính dự báo. Ông là người nghệ sĩ dám tố cáo tiêu cực, nhưng nhân vật như Đào Xoa, cô giáo Nhung như còn khoác tay đi trong đời sống hôm nay”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc tại sao qua mấy lần phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật, Xuân Trình đều vắng bóng? NSND Lê Tiến Thọ nói: Vì gia đình nhà văn, nhà viết kịch Xuân Trình chỉ mới làm hồ sơ xin xét tặng Giải thưởng Nhà nước. Còn đợt tới gia đình nhà văn, nhà viết kịch Xuân Trình làm hồ sơ đề nghị xét Giải thưởng Hồ Chí Minh thì Hội Nghệ sĩ Sân khấu sẽ xem xét.
Nhân dịp này, BTC và gia đình nhà văn, nhà viết kịch Xuân Trình đã hợp tác đầu tư cho Đoàn kịch xã hội hóa LUCTEAM dàn dựng lại vở kịch “Bạch đàn liễu” của Xuân Trình, sẽ ra mắt khán giả tối 29/11, tại Rạp Đại Nam. Vở diễn này từng bị cấm biểu diễn ngay sau lần đầu tiên ra mắt công chúng. Có thể coi đây là vở diễn sân khấu đầu tiên đi vào đề tài dân chủ hóa xã hội, phát hiện bè lũ cường hào mới ở nông thôn…
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/xuan-trinh-nguoi-tien-phong-doi-moi-tintuc452963