Xuân Trường chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Xã Xuân Phú (Xuân Trường) có trên 11.600 khẩu, trong đó có hơn 6.000 người trong độ tuổi lao động. Với quan điểm phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, xã xây dựng kế hoạch và tổ chức các lớp đào tạo nghề trong lĩnh vực nông nghiệp gồm: trồng lúa, kỹ thuật thâm canh cây vụ đông, chăn nuôi gia súc, nuôi thủy sản… Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Những năm qua, huyện Xuân Trường đã triển khai thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, qua đó từng bước nâng cao chất lượng lao động nông nghiệp, giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện đời sống.
Từ những mô hình hiệu quả
Xã Xuân Phú (Xuân Trường) có trên 11.600 khẩu, trong đó có hơn 6.000 người trong độ tuổi lao động. Với quan điểm phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, xã xây dựng kế hoạch và tổ chức các lớp đào tạo nghề trong lĩnh vực nông nghiệp gồm: trồng lúa, kỹ thuật thâm canh cây vụ đông, chăn nuôi gia súc, nuôi thủy sản… Từ năm 2019 đến nay, tranh thủ chương trình Đề án 1956, xã mở 2 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho 60 lao động. Trung tâm học tập cộng đồng và các tổ chức, đoàn thể: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Ban Nông nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Phú phối hợp tổ chức hàng chục lớp tập huấn, bồi dưỡng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp theo yêu cầu cho nông dân. Từ năm 2019, HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Phú phối hợp với các công ty sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tổ chức 10 lớp tập huấn kỹ thuật bón phân, phòng trừ sâu bệnh, kỹ thuật gieo sạ… cho hơn 1.000 lượt người tham gia. Hiệu quả từ nâng cao chất lượng lao động nông nghiệp được thể hiện trên kết quả tăng năng suất, giá trị kinh tế trên cùng diện tích cây trồng. Cụ thể, xã Xuân Phú hiện có khoảng 380ha đất 2 lúa. Sau khi triển khai các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất mới và hướng dẫn nông dân áp dụng đúng năng suất lúa bình quân tăng lên 70 tạ/ha/vụ. Từ các lớp đào tạo nghề, đến nay, nhiều hộ dân đã vận dụng cải tạo diện tích thùng đào, ao, vườn tạp để làm kinh tế khai thác hiệu quả; tiêu biểu như gia đình các ông: Vũ Ngọc Ký, xóm 2; Nguyễn Văn Cẩm, xóm 1, có trang trại tổng hợp; gia trại lợn của ông Nguyễn Văn Dương, xóm 14…
Xã Xuân Ninh là địa phương có truyền thống thâm canh sản xuất nông nghiệp, năng suất lúa luôn đứng trong tốp đầu của huyện. Một trong những kinh nghiệm thành công của xã là đẩy mạnh đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn. Nhiều hộ dân sau khi được học nghề, tập huấn kỹ thuật đã tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất sản phẩm nông nghiệp như: Ông Trần Đình Thời, Nguyễn Văn Chiến, Nguyễn Văn Giang, Nguyễn Văn Quang, mỗi hộ trồng từ 5 sào đến 2 mẫu cây vụ đông. Nhiều hộ dân phát triển nghề mới như chăn nuôi gia cầm, thủy cầm, trồng nấm. Tiêu biểu như hộ ông Trần Văn Tuyến mỗi năm nuôi từ 3.000-5.000 con vịt; hộ ông Nguyễn Văn Cường nuôi 15-20 con trâu, bò và phát triển nuôi trồng thủy sản mỗi năm thu từ 1,5-2 tấn cá; các ông: Nguyễn Văn Quang, Mai Văn Quý, Bùi Minh Đỗ mở rộng nghề trồng nấm, mộc nhĩ tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Tiếp tục nâng cao chất lượng lao động nông nghiệp
Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, huyện Xuân Trường đã quán triệt phổ biến nội dung đề án đến các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện và UBND các xã, thị trấn, đồng thời tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân. Huyện kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 1956 huyện, cấp xã để kịp thời chỉ đạo thực hiện. Căn cứ nhu cầu học nghề của người lao động và kế hoạch đào tạo nghề hàng năm của UBND tỉnh và UBND huyện, Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 1956 của huyện đã xây dựng kế hoạch đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho lao động nông thôn, đồng thời yêu cầu các cơ sở dạy nghề công lập trực thuộc huyện, các đơn vị đào tạo nghề ngoài huyện thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn đúng quy định, đảm bảo việc làm cho người lao động sau đào tạo. Từ năm 2019 đến nay, Phòng LĐ-TB và XH huyện đã phối hợp với Phòng NN và PTNT huyện Xuân Trường, các Trung tâm GDNN-GDTX huyện, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Xuân Trường tổ chức 6 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho 210 học viên ở các xã: Thọ Nghiệp (2 lớp), Xuân Vinh, Xuân Thủy, Xuân Đài, Xuân Thành. Theo đánh giá của Phòng LĐ-TB và XH huyện Xuân Trường, học viên sau khi học xong khóa học hầu hết đều vận dụng kiến thức được học để áp dụng vào sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, góp phần tăng năng suất, giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho gia đình. Để đảm bảo chất lượng dạy nghề, các đơn vị tham gia đào tạo nghề tích cực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang với các trang thiết bị dạy nghề, đồng bộ, đa dạng về chủng loại. Trung tâm GDNN-GDTX huyện Xuân Trường căn cứ kế hoạch đào tạo nghề của huyện giao để xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo, đồng thời phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến công tác dạy nghề cho lao động nông thôn; nâng cao nhận thức của người lao động về sự cần thiết của việc học nghề đối với việc tạo cơ hội việc làm và thu nhập ổn định. Các chương trình, giáo trình giảng dạy của Trung tâm phù hợp với từng đối tượng học và đảm bảo theo đúng chương trình khung của Bộ LĐ-TB và XH đã đề ra với từng ngành nghề; chú trọng việc thực hành, rèn luyện tay nghề cho học viên. Bên cạnh đó, Trung tâm đã xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên từng bước chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ, đồng thời ký hợp đồng, mời cán bộ Trạm Khuyến nông, Trạm Thú y, Trạm Bảo vệ thực vật huyện và các cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh về giảng dạy, hướng dẫn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho học viên. Sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM được quan tâm chỉ đạo góp phần nâng cao năng suất lúa, đạt 124,46 tạ/ha (cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây). Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo không thuộc đối tượng bảo trợ xã hội của huyện đã giảm còn 0,1%.
Năm 2021, BCH Đảng bộ huyện Xuân Trường đã ban hành nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đề ra chỉ tiêu tốc độ gia tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp - thủy sản phấn đấu đạt 2,3%; năng suất lúa đạt 123,5 tạ/ha; sản lượng lương thực (cây có hạt) đạt 67 nghìn tấn; giá trị thu được trên mỗi ha canh tác (theo giá hiện hành) đạt 103 triệu đồng trở lên; tổng đàn lợn 63 nghìn con. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 16.600 tấn. Để đạt được những chỉ tiêu đó, thời gian tới, một trong những giải pháp mang tính bền vững và quan trọng là nâng cao chất lượng lao động nông nghiệp thông qua các chương trình đào tạo nghề ngắn hạn, các lớp bồi dưỡng kỹ thuật nghề nông nghiệp… Từng bước xã hội hóa công tác dạy nghề; huy động các nguồn lực hỗ trợ từ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhằm nâng cao chất lượng và thực hiện hiệu quả chương trình dạy nghề. Áp dụng và triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách hiện hành của Nhà nước như: chính sách cho thuê đất, vay vốn tín dụng… nhằm tạo điều kiện và hỗ trợ tích cực người lao động vận dụng kiến thức sau khi học nghề vào phát triển sản xuất, góp phần ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương./.
Bài và ảnh: Viết Dư