Xuân Trường đẩy mạnh giải ngân vốn tín dụng kịp thời, hiệu quả

Xác định vốn tín dụng chính sách là “điểm tựa” quan trọng giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, tiến tới giảm nghèo bền vững; thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Xuân Trường đã tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn tín dụng kịp thời, hiệu quả, đảm bảo 100% vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, phát huy hiệu quả đồng vốn trên thực tế.

Với vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Xuân Trường, gia đình chị Trần Thị Diệu ở xóm 3, xã Xuân Bắc đã đầu tư phát triển sản xuất hiệu quả.

Với vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Xuân Trường, gia đình chị Trần Thị Diệu ở xóm 3, xã Xuân Bắc đã đầu tư phát triển sản xuất hiệu quả.

Theo đó, NHCSXH huyện Xuân Trường tập trung thực hiện phân bổ, điều chỉnh nguồn vốn kịp thời giữa các địa bàn, giữa các chương trình theo đúng quy định của NHCSXH Việt Nam, đảm bảo nguồn vốn tín dụng chính sách luôn được sử dụng triệt để, tạo điều kiện để NHCSXH huyện tập trung giải ngân các chương trình theo chỉ tiêu kế hoạch được giao. Chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, chính quyền địa phương phối hợp với NHCSXH thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng chính sách. Bám sát thực hiện các chương trình kiểm tra, giám sát năm theo kế hoạch đề ra và tăng cường kiểm tra đối với các đơn vị chất lượng hoạt động thấp, nợ quá hạn cao. Hàng tháng, NHCSXH huyện đều phối hợp với tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương rà soát nhu cầu hộ vay, tham mưu cho Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện điều chỉnh, phân bổ chỉ tiêu kế hoạch dư nợ các chương trình tín dụng giữa các địa bàn; điều chỉnh nguồn vốn giữa các chương trình được Tổng Giám đốc NHCSXH cho phép. Đến hết tháng 6/2024, NHCSXH huyện đã tự kiểm tra được 10 xã, 22 điểm giao dịch, 33 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, 25 tổ tiết kiệm và vay vốn, 142 khách hàng vay vốn. Qua kiểm tra, các đơn vị tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác đã tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo triển khai tín dụng chính sách, góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Cùng với việc tập trung thực hiện chỉ tiêu kế hoạch tín dụng được giao, NHCSXH huyện luôn quan tâm củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng, tích cực thu hồi nợ đến hạn phân kỳ, kỳ cuối, hạn chế tối đa nợ quá hạn phát sinh, tập trung nâng cao chất lượng khi cho vay và quản lý chặt chẽ, chủ động phân tích, đánh giá từng món nợ quá hạn, phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác tích cực đôn đốc thu hồi; đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cho hộ vay trả nợ, trả lãi đúng kỳ hạn. Hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn tiếp tục được duy trì nền nếp, ổn định, NHCSXH và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đã phối hợp rà soát tham mưu cho chính quyền địa phương kiện toàn các tổ tiết kiệm và vay vốn theo địa bàn cụm dân cư liền kề, các tổ quy mô nhỏ, qua đó giảm 3 tổ so với đầu năm. Toàn huyện hiện có 252 tổ tiết kiệm và vay vốn, bình quân 40 tổ viên/tổ với dư nợ 1,6 tỷ đồng/tổ và dư nợ 41 triệu đồng/hộ.

6 tháng đầu năm 2024, NHCSXH huyện đã giải ngân cho 2.105 lượt khách hàng vay vốn, doanh số cho vay đạt 64,68 tỷ đồng; doanh số thu nợ đạt 53,181 tỷ đồng. Dư nợ các chương trình tín dụng 6 tháng đầu năm 2024 đạt 408,4 tỷ đồng, tăng 11,4 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng 2,9%, hoàn thành 98,1% kế hoạch được giao, với 11.884 khách hàng còn dư nợ. Dư nợ tập trung ở các chương trình: Hỗ trợ tạo việc làm (78 tỷ đồng); học sinh, sinh viên (22,7 tỷ đồng); Hộ mới thoát nghèo (68,2 tỷ đồng); nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (170 tỷ đồng). Đến 30/6, nợ quá hạn là 629 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,15% tổng dư nợ.

Từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đóng góp tích cực vào việc thực hiện giải quyết vấn đề an sinh xã hội, hỗ trợ vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, phục vụ đời sống sinh hoạt cho 82 hộ nghèo, 590 hộ cận nghèo, 936 hộ mới thoát nghèo và 8.428 đối tượng chính sách khác góp phần tạo việc làm cho 872 lao động; 431 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập; xây dựng 8.892 công trình nước sạch và vệ sinh; 40 căn nhà ở cho người có thu nhập thấp; 1 người chấp hành xong án phạt tù.

Với trợ lực từ vốn tín dụng chính sách, nhiều mô hình kinh tế tại hộ dân đã phát triển tốt, hiệu quả đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Tiêu biểu như mô hình chế biến thức ăn gia súc, gia cầm của chị Trần Thị Diệu ở xóm 2, xã Xuân Bắc; kinh doanh hàng cơ khí tôn kẽm, sắt thép xây dựng của chị Ngô Thị Nguyệt ở xóm 7, xã Thọ Nghiệp; mô hình nuôi gà đẻ tại gia đình anh Phạm Thế Đưởng ở xóm 3, xã Xuân Thủy…

Được tiếp vốn 100 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm của NHCSXH huyện, gia đình chị Trần Thị Diệu đã đầu tư máy xay xát, máy trộn, máy chế biến cám viên phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm của gia đình và cung ứng cho bà con trong xóm. Chị Diệu cho biết: “Hiện tại, mỗi tháng gia đình tôi cung ứng ra thị trường hơn 20 tấn cám viên các loại; đồng thời, tự chủ được nguồn thức ăn, kinh tế gia trại của gia đình cũng phát triển khá, tăng lợi nhuận nhờ giảm bớt chi phí thức ăn chăn nuôi. Gia trại VAC của gia đình đang nuôi 10 lợn thịt, 60 con ngan và 200 con gà, mỗi năm đem về thu nhập hơn 200 triệu đồng”. Tại cửa hàng vật liệu tôn thép dân dụng Long Nguyệt tại xóm 7, xã Thọ Nghiệp đang nhộn nhịp người mua; chị Ngô Thị Nguyệt, chủ cửa hàng cho biết: “Khởi nghiệp kinh doanh mặt hàng kim khí phục vụ xây dựng từ năm 2019, gia đình tôi gặp phải nhiều khó khăn về vốn do phải đầu tư nhiều về nguyên liệu, xây dựng nhà xưởng, thiết bị nâng tải. Được Hội Phụ nữ xã tạo điều kiện về hồ sơ thủ tục, gia đình đã được vay 100 triệu đồng từ NHCSXH để hỗ trợ vốn đầu tư nhà xưởng, thuê thêm lao động. Đến nay, xưởng kinh doanh của gia đình đã hoạt động ổn định, tạo việc làm cho 3 lao động thường xuyên”.

Thời gian tới, NHCSXH huyện tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Tập trung thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng được giao năm 2024, đảm bảo giải ngân kịp thời, chính xác đến đúng đối tượng thụ hưởng và theo đúng chỉ đạo của NHCSXH. Phối hợp với hội, đoàn thể nhận ủy thác, chính quyền địa phương rà soát nhu cầu vay vốn xây dựng kế hoạch tín dụng năm 2025 và giai đoạn 2025-2027 trên địa bàn phản ánh đúng nhu cầu thực tế và đảm bảo tính khả thi. Tích cực phối hợp với tổ công tác cấp xã triển khai Đề án 06 trong việc hướng dẫn khách hàng đăng ký mở, sử dụng tài khoản an sinh xã hội tại NHCSXH. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, kiểm tra, giám sát các Tổ tiết kiệm và vay vốn, tổ chức chính trị - xã hội tại cơ sở. Đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của NHCSXH về tín dụng chính sách đến lãnh đạo địa phương và các tầng lớp nhân dân.

Bài và ảnh: Đức Toàn

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202408/xuan-truong-day-manh-giai-ngan-von-tin-dung-kip-thoi-hieu-qua-82339c4/