Xuân về bên mái nhà xưa

Tháng Chạp về trong tiết trời giao mùa còn nhiều hơi sương mát lạnh. Mưa đã vơi dần, nhường chỗ cho những tia nắng vàng tươi nhảy múa đùa vui khắp ruộng đồng, gò bãi. Đông còn chùng chình chưa dứt hẳn nhưng mùa xuân đang đến rất gần, dần gõ cửa muôn nơi khiến lòng người cũng bâng khuâng mong đợi. Một mùa xuân mới lại về với biết bao hy vọng, mong cầu. Mơ ước của tôi lúc này là được trở về để hít hà hương vị chốn quê, để gặp lại những bóng hình dấu yêu một thuở, để lắng nghe từng nhịp bước của mùa xuân đang đến bên mái hiên nhà xưa.

Nhà của cha mẹ xây theo kiểu cũ, giữa đám đất rộng, phía sau là hạ hiên, bên dưới tách riêng làm một gian bếp. Giếng nước phía trước sân, hơi chệch về bên trái, rất thuận lợi cho sinh hoạt ở vùng nông thôn ngày trước. Ngôi nhà tuy đơn sơ nhưng là công sức cả đời của cha mẹ, là nơi ấm áp chở che cho cả gia đình, là biết bao tình cảm, kỷ niệm không thể nhạt nhòa trong tâm trí. Hai mùa mưa nắng, lo lắng nhất là mùa mưa nước tràn gió giật, thời gian còn lại đều yên bình, tươi đẹp, đặc biệt là khi tết đến xuân về.

Khu vườn phía sau nhà, qua một mùa mưa còn đầy xác lá, bùn đất ướt nhẹp, vậy mà chỉ vài cơn mưa thưa và nắng nhẹ đã rực lên những sắc hoa phía bờ rào. Hoa dâm bụt đỏ tươi, hoa bìm bìm tím biếc, hoa xuyến chi vàng trắng tinh khôi, hoa cỏ may màu nâu sẫm như những con sâu róm. Đã thành lệ, cứ sau 23 tháng 10 âm lịch, cha dọn dẹp khu vườn để trồng hoa màu cho vụ tết. Những hàng đỗ, dưa leo được cắm chái bằng tre ngay ngắn để dây leo quấn lên mà ra trái. Kế bên là mấy luống rau được phủ rơm để giữ ẩm, nhiều nhất vẫn là cải, xà lách, hành, ngò. Sang tháng Chạp, cả khu vườn xanh mướt nõn nà những luống rau trong nắng sớm mùa xuân. Tôi thích nhất là ra vườn buổi sớm mai khi sương còn đọng, từng giọt long lanh trong suốt như những giọt ngọc. Cha bảo đó là sương muối có hại cho cây trồng nhưng tuổi nhỏ chẳng quan tâm, chỉ thích nhìn sương đọng trên ngàn lá nõn. Từng chùm hoa trắng tím của đỗ, những cánh hoa vàng của dưa leo, khổ qua cứ gọi mời bướm ong rập rờn bay lượn.

Sân trước và hai bên lối đi, cha trồng toàn vạn thọ. Đây là giống hoa truyền thống trong ngày tết ở vùng thôn quê. Tết Trung thu cha bắt đầu ươm hạt, hơn tháng sau cây cao khoảng một gang tay là trồng. Cha cẩn thận chẻ tre, vót sơ qua rồi cắm cột cho cây khỏi ngã, bỏ thêm ít phân bò khô vun gốc, tưới nước. Chẳng mấy chốc những cây vạn thọ đầy sức sống, đẻ nhánh, đâm chồi, sum suê, xanh mướt. Khoảng đầu tháng Chạp, những bông vạn thọ đầu tiên hé nở, khoe hai màu đỏ vàng như thắp sáng cả một mùa xuân. Cha tôi thường chọn những cây cho hoa đẹp nhất rồi bứng đặt vào chậu để hai bên cửa cho thêm không khí tết. Cha thường bảo: Vạn thọ là loài hoa biểu tượng cho sự trường tồn, nó còn ẩn chứa lòng hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ, nó gợi hình ảnh của vầng dương ấm áp, là khát vọng về một cuộc sống giàu sang, sung túc đủ đầy trong năm mới. Vì vậy, trồng vạn thọ để đơm và chơi tết đều đẹp!

Ngày trước, nhà tôi chuyên đan rổ. Việc làm tuy không nặng nhọc lắm nhưng mất rất nhiều công. Thời gian bận rộn suốt cả ngày, phải làm cho kịp bán để kiếm thêm mà lo cho ba bữa tết. Có khi đã cạn ngày, tết gần sát đầu ngõ mà việc vẫn chưa xong. Khi mà phố thị đã rực rỡ cờ hoa, tấp nập người dạo chơi mua sắm tết cũng là lúc cha mẹ tôi gồng gánh chuyến rổ cuối năm xuống chợ Tuy Hòa, những mong mang về cho con cái mũ hoặc đôi dép mới. Dẫu cuộc sống rất khó khăn nhưng chưa bao giờ tôi nghe mẹ than vãn một lời.

Năm tháng trôi qua, tôi đi học rồi đi làm xa nhà cũ sáu mươi cây số. Những đứa em cũng lần lượt có gia đình riêng. Dù vẫn chạy đi chạy về với cha mẹ nhưng mỗi lần về, lòng tôi đều trào dâng bao xúc cảm. Về dưới mái nhà xưa để tìm lại những giấc mơ êm đềm của tuổi ấu thơ, để nghe lại những câu hát ầu ơ ví dầu, để thương cha mẹ tảo tần nâng đỡ bước chân con. Về để múc lên gàu nước giếng mát ngọt trong lành mà uống cho đỡ khát quê. Trở về nhà và chạm vào đâu cũng ắp đầy ký ức. Kia là chỗ cha ngồi vót tre chẻ lạt, đây là nơi mẹ nấu cơm kho cá, góc hiên nhà là chỗ vui chơi của anh em tôi và mấy đứa bạn hàng xóm. Rộn ràng và nhiều hương vị nhất là những ngày giáp tết. Nhà cửa được quét dọn gọn gàng ngăn nắp hơn, bộ đèn thờ được lau chùi sáng bóng, lá chuối phơi vừa héo để gói bánh chưng, nếp đem rang nổ rồi ngào trộn với đường đen để dện bánh in bánh cốm, hí hửng vui mừng chờ mẹ sên rim gừng rim dừa vừa xong sẽ được vét phần đường dư cuối chảo. Ôi những hương vị ngọt ngào của một thời tuổi nhỏ!

Cha tôi có sở thích nghe đài và rất chú trọng việc treo cờ Tổ quốc trong dịp tết. Cha thường chọn cây tre nhỏ, thẳng có ngọn, vót cẩn thận, đem hơ qua lửa rơm để uốn cho thật thẳng làm cán cờ. Trước sân nhà, cây sào tre thẳng tắp vút cao, lá cờ đỏ phất phới tung bay trong gió xuân như thắp lên những niềm tin yêu hy vọng tràn đầy. Đến giờ vẫn vậy, cha luôn nhắc nhở tôi và bao giờ cũng gương mẫu!

Đã bao mùa mưa nắng đi qua, mấy chục năm rồi từng mùa bông vạn thọ nở, tôi không nhớ hết đã bao nhiêu lần mẹ nhắc sắp đến tết rồi. Tuổi ấu thơ con mong chờ tết, nào có biết đâu những âu lo bộn bề trong lòng mẹ. Khi đã có gia đình, tự lo toan cho cuộc sống riêng của mình, tôi mới thấu hiểu hết những nỗi niềm của cha mẹ trước đây.

Bây giờ về lại quê nhà, cuộc sống đủ đầy và tiện lợi hơn rất nhiều so với trước, đường làng ngõ xóm được đổ bê tông phẳng lì sạch sẽ, điện thắp sáng từng con đường vào ra xóm nhỏ, nhà cửa khang trang, cổng làng cũng rực rỡ cờ hoa chào đón mùa xuân mới. Niềm vui sáng lên trong từng ánh mắt, giòn vang trong mỗi tiếng cười. Bâng khuâng những ngày tháng Chạp cuối năm, tôi mong chờ thời gian nghỉ tết, dịch bệnh được kiểm soát để về với cha mẹ. Về để gặp được mùa xuân tươi thắm, an vui bên mái hiên nhà xưa cũ!

PHAN HUY THÙY

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/270378/xuan-ve-ben-mai-nha-xua.html