Xuân về ở các đơn vị hành chính mới
Sau 2 tháng thực hiện Nghị quyết số 1194/NQ-UBTVQH15 ngày 28-9-2024 Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã của tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2023-2025 (Nghị quyết 1194), các địa phương trong diện sắp xếp đi vào hoạt động khá ổn định, bước vào Xuân mới với khí thế và quyết tâm mới.
Khảo sát tại một số xã, phường ở các huyện Tân Phú, Vĩnh Cửu, thành phố Biên Hòa và Long Khánh, những địa phương có ĐVHC cấp xã trong diện sắp xếp, có thể thấy rõ điều này.
Vượt qua khó khăn
Phó chủ tịch UBND xã Phú Sơn (huyện Tân Phú) Hoàng Văn Chắc cho hay, khi thực hiện điều chỉnh, nhập xã Phú Trung về xã Phú Sơn, từ 4 ấp ban đầu của xã nay tăng lên 8 ấp (thêm 4 ấp của xã Phú Trung), bước đầu có những khó khăn. Song được sự hỗ trợ của cấp trên, sự đồng thuận của người dân, đến nay cơ bản xã đã đi vào hoạt động ổn định, người dân quen dần với các địa điểm phải liên hệ thực hiện thủ tục hành chính (TTHC).
“Sau ngày 1-11-2024, trụ sở làm việc của xã Phú Sơn được chuyển về trụ sở xã Phú Trung cũ. Đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách di chuyển về thực hiện nhiệm vụ ở địa điểm mới ban đầu có những khó khăn, song với tinh thần quyết tâm “bàn làm, không bàn lùi”, cán bộ, công chức địa phương từng bước khắc phục và đi vào nền nếp” - ông Hoàng Văn Chắc nhấn mạnh.
Cũng theo ông Chắc, cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cấp trên, sự đồng thuận cao của người dân, kỳ họp cuối năm của HĐND tỉnh mới đây đã thông qua nghị quyết về đổi tên các ấp của xã sau sáp nhập. Phú Sơn hiện có tổng số 8 ấp gồm: Phú Lâm 1, 3, 4, 5 (xã Phú Sơn cũ) và thêm 4 ấp: Phú Lợi, Phú Thắng, Phú Thanh và Phú Yên (xã Phú Trung cũ) với tổng số trên 20 ngàn hộ dân. Cơ bản, người dân khi thực hiện các TTHC chỉ phải đến địa điểm mới là trụ sở xã Phú Sơn đặt tại trụ sở xã Phú Trung cũ nên không có nhiều khó khăn.
Bí thư Đảng ủy phường Xuân An (thành phố Long Khánh) Phạm Thế Anh chia sẻ, khi thực hiện điều chỉnh, sáp nhập theo Nghị quyết 1194, phường Xuân An từ 6 khu phố (KP) tăng lên 15 KP. Đảng bộ phường từ 638 đảng viên, sinh hoạt ở 13 chi bộ tăng lên 1.321 đảng viên, sinh hoạt tại 26 chi bộ. Áp lực về số đảng viên đông, nhiều chi bộ và địa bàn rộng nhưng với sự quyết tâm vào cuộc, phường Xuân An đã đi vào hoạt động ổn định.
Từ 170 ĐVHC cấp xã, sau khi thực hiện Nghị quyết 1194 (có hiệu lực từ ngày 1-11-2024), tỉnh Đồng Nai giảm được 11 ĐVHC cấp xã. Đặc biệt, 100% địa phương sau điều chỉnh đều hoạt động ổn định, có mức tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2024 cao hơn so với năm 2023.
“Đến đầu tháng 12-2024, 100% chi bộ các KP, công an, quân sự, trường học đã hoàn thành đại hội nhiệm kỳ. Thành công nhất trong đại hội lần này, 100% đồng chí bí thư chi bộ được bầu tại đại hội đều trúng cử với tỷ lệ phiếu cao” - ông Phạm Thế Anh cho biết thêm.
Ông Nguyễn Ngọc Minh (ngụ KP 2, phường Xuân Trung cũ, nay là KP 12, phường Xuân An) bộc bạch: “Lúc mới nhập phường Xuân Trung về phường Xuân An, chúng tôi cũng bỡ ngỡ nhưng được cán bộ phường hỗ trợ tích cực, nhất là việc chuyển đổi giấy tờ, TTHC nên mọi việc đều ổn”.
Xuân mới, động lực mới
Mục tiêu lớn nhất sau khi điều chỉnh các ĐVHC cấp xã đã được Nghị quyết 1194 chỉ ra rất rõ là nhằm mở rộng không gian phát triển, phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương; cân đối, hài hòa hơn trong phân bố dân cư; tinh gọn tổ chức bộ máy, giảm chi ngân sách nhà nước. Đồng thời, nâng cao chất lượng, trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Phát biểu trong buổi lễ công bố Nghị quyết 1194, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho rằng, để thực hiện đạt mục tiêu nghị quyết đề ra, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, nhất là các địa phương trực tiếp nằm trong diện thực hiện nghị quyết, đã vào cuộc quyết liệt.
Với sự chủ động cùng quyết tâm chính trị cao, sự thống nhất đồng thuận của hệ thống chính trị và toàn dân, Đồng Nai đã đưa Nghị quyết 1194 vào thực tiễn bước đầu có hiệu quả; giảm 11 ĐVHC cấp xã. Điều quan trọng là sau sắp xếp, điều chỉnh, các địa phương này đều ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Cụ thể như tại phường Bình Đa (thành phố Biên Hòa), sau khi thực hiện điều chỉnh, với quyết tâm chính trị cao, các mục tiêu kinh tế - xã hội của phường đạt và vượt cao hơn từ 0,7-1,5% so với cùng kỳ năm 2023. Các phường: Tân Mai, Trung Dũng, Quang Vinh (thành phố Biên Hòa); các xã Phú Sơn, Nam Cát Tiên, Phú Lập (huyện Tân Phú); Trị An, Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu) và phường Xuân An (thành phố Long Khánh) đều có mức tăng trưởng cao hơn so với năm 2023.
Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Trung Dũng Lê Thị Hồng Phượng cho hay, điều chỉnh, nhập phường theo Nghị quyết 1194, mỗi cán bộ, công chức, nhất là cán bộ chủ chốt, rất lo lắng. Nhưng với quyết tâm cao, sự đồng lòng của người dân, đến nay phường Trung Dũng đi vào hoạt động khá ổn định.
Bí thư Huyện ủy Vĩnh Cửu Lê Thành Mỹ:
Bám sát cơ sở để hỗ trợ thực hiện
Sau 2 tháng thực hiện Nghị quyết 1194, các ĐVHC cấp xã của huyện Vĩnh Cửu đi vào hoạt động ổn định. Nhiều đơn vị sau điều chỉnh, cán bộ tập trung nỗ lực hoàn thành nhiều nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, các mô hình hay trong cải cách hành chính lại xuất phát chủ yếu từ những ĐVHC vừa được điều chỉnh như các xã Trị An, Tân Bình. Điều này khẳng định cán bộ, công chức đã bám sát cơ sở, tìm những điểm khó khăn cơ sở để có giải pháp và đề xuất tháo gỡ.
Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Nguyễn Hữu Ký:
Kết quả tăng trưởng ổn định, tốt hơn năm 2023
Năm 2024, huyện Tân Phú hoàn thành tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, kinh tế tăng trưởng ổn định, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội. 3 xã: Phú Sơn, Nam Cát Tiên và Phú Lập sau khi được điều chỉnh đều phát triển khá tốt, tư tưởng, tâm trạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân đều ổn định.