Xuân về trên những miền quê

Xuân ở các buôn làng vùng cao, đồng bào quây quần bên nhau cùng hát vang lời ca với tiếng cồng, tiếng chiêng vang vọng núi rừng. Ảnh: MINH DUYÊN

Tết rồi đấy! Tết ở quê vui lắm, nhộn nhịp ngay từ tháng Chạp khi nhà nhà ngâm thịt, muối dưa kiệu, mua bánh tráng, trồng rau… Tết ở quê trong trẻo tiếng cười con trẻ, ấm áp tình thân người xa quê và hồn hậu trong tình làng nghĩa xóm.

KHÓI VƯƠNG MÙI TẾT

Giáp Tết, nhà chị Nguyễn Thị Lanh ở xã Hòa Xuân Tây (huyện Ðông Hòa) đặt bếp lửa giữa sân, đun nồi nước lớn. Anh chị em xúm nhau người làm heo, người làm dưa món, bánh tét. Chị Lanh phấn khởi: Con heo đen 13kg này, trong năm nhiều người gạ bán mà tôi không chịu. Mọi năm, tôi cùng hàng xóm chia nhau, nhà chỉ cần 5kg là đủ. Năm nay, gia đình cô út ở Ðắk Lắk về ăn Tết, cậu ba mãi cũng kiếm được bạn gái dẫn về ra mắt nên tôi nuôi riêng hẳn một con. Dưa món tôi làm 5 hũ, 3 hũ nhà ăn, 2 hũ gửi tặng cô chú trên thành phố. Ðầu heo cúng mâm cỗ, phần thịt ba chỉ ngâm mắm và chừa lại một phần rửa sạch bỏ vô tủ lạnh để luộc khi cần, rau củ sẵn có ở vườn. Thêm chậu cúc, chậu mai nữa là thành Tết. Tết ở quê đơn giản vậy đó!

Giờ ở quê gần như nhà nào cũng có bếp gas, chẳng khác nào phố thị, nhưng không ít gia đình vẫn giữ bếp củi, bếp than dưới chái nhà. Ba ngày Tết, ông Hoàng Văn Khoa ở xã Xuân Hải (TX Sông Cầu) dành thời gian quây quần lai rai với mấy ông bạn hàng xóm. Tiếng bàn luận rôm rả xen lẫn tiếng lép bép, tí tách từ bếp than hồng. Ông tấm tắc: Ðồ nướng thì phải dùng bếp than mới ngon. Nhà tôi có cả lò vi sóng, trong năm bận rộn không có thời gian mới dùng tới. Ngày Tết rảnh rỗi, anh em hàng xóm vừa ngồi trò truyện vừa quạt vừa đảo thịt, mỡ chảy xuống cháy xèo xèo, bốc lên thơm nức mũi; mỗi người gắp một miếng, cụng ly uống một ngụm bia, mới thú.

Tết với gia đình chị Ksor Chín là cuộc “hành hương” của vợ chồng con cái từ TP Tuy Hòa về xã Ea Bá, huyện Sông Hinh. Chị Ksor Chín khoe: Gia đình tôi công tác và sinh sống ở Tuy Hòa hơn 10 năm nay. Năm nào cũng vậy, hễ có lịch nghỉ Tết là cả nhà kéo nhau về nhà cũ ở quê ăn Tết với đồng bào. Tết ở miền núi là quây quần bên bếp lửa giữa nhà, uống rượu ché được ủ cả tháng, thậm chí cả năm từ bắp, sắn và ăn thịt gác bếp. Tối cả buôn rủ nhau ra nhà văn hóa đốt đống lửa lớn cùng nắm tay nhau thành vòng tròn nhảy điệu quen thuộc. Vòng tròn lớn tới đâu là đông con đông cháu tới đó và báo hiệu một năm làm ăn thắng lợi…

BỊN RỊN TÌNH QUÊ

15 năm làm dâu Phú Yên, có tới 12 năm chị Nguyễn Thị Mai quê Nam Ðịnh chọn ăn Tết quê chồng, không chỉ bởi quan niệm “Con gái lấy chồng theo chồng” mà theo chị Mai, Tết ở quê chồng nhẹ nhàng, không quá nhiều lễ nghĩa, phong tục nên không sợ phạm nhiều điều kiêng kỵ trong ba ngày Tết như ở quê mình. Chị chia sẻ thêm: “Quê chồng tôi ở xã Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa), ngày trước đi lại khó khăn, quần áo mới cũng bám bụi mà thành ra cũ. Giờ đường bê tông kéo tới tận nhà, hai bên đường hoa nở rực rỡ, đưa lên facebook bạn bè khen quá trời, tưởng đang đi nghỉ dưỡng ở resort nào đó. Vui nhất vẫn là ăn “Tết góp”, trong xóm nhà ai có gì dù ít dù nhiều đều mang ra bãi đất trống, trải bạt ra ngồi vừa ăn vừa hát bài chòi. Cao hứng có thể “gầy độ” thêm con gà, con cá và ca hát. Nhẹ nhàng, chẳng “mâm cao cỗ đầy” gì mà sảng khoái lắm, đúng nghĩa vui xuân”.

Còn anh Phạm Thanh Hùng ở xã An Xuân (huyện Tuy An) kể, mồng 3 Tết, anh phải trở lại Tuy Hòa theo lịch trực cơ quan đã phân công. Anh lấn cấn, muốn gọi điện nhờ đồng nghiệp trực giúp mà không nỡ vì Tết ai chẳng về quê. Anh muốn rủ cậu con trai cùng về cho có thêm động lực nhưng không thấy con đâu, áo Tết mới may cũng để góc nhà, chỉ nghe thấy tiếng con lẫn trong tiếng nô đùa với đám trẻ: “Ba cho con ở lại nhà nội chơi với chị bé, anh tí, gần ngày đi học con về…”. “Tới mình hơn 40 tuổi còn muốn về quê ăn Tết, chơi Tết nữa là bọn trẻ”, anh Hùng chia sẻ.

MINH DUYÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/234217/xuan-ve-tren-nhung-mien-que.html