Xuất bản Indonesia tìm cảm hứng mới trong thiết kế
Xu hướng thiết kế sách mới tạo cảm hứng cho độc giả và thúc đẩy các nhà xuất bản sáng tạo các ấn bản in.
Arya nhận được cuốn sách đầu tiên của mình, một ấn bản in lậu cuốn tiểu thuyết Laskar Pelangi (The Rainbow Troops) năm 2005 của tác giả Andrea Hirata, là vào năm 12 tuổi. Đây là khởi đầu cho tình yêu của Arya, hiện là một dịch giả 26 tuổi, với việc đọc sách và niềm đam mê sưu tầm sách.
Tuy nhiên, khi Internet phủ sóng rộng rãi và sách điện tử trở nên phổ biến hơn, thói quen mua sách của Arya giảm dần. Trừ khi đó là một tác phẩm đặc biệt “đáng để sưu tầm”, nếu không Arya sẽ chọn mua phiên bản sách điện tử thông qua tiện ích đọc sách Kindle của Amazon.
Đây là một lựa chọn thực tế vì sách điện tử rẻ hơn và sẽ không tốn chỗ để.
Ngoài vấn đề này, có một số lý do nữa cho việc độc giả cắt giảm khoản tiền cho sách in. Đó là thiết kế và bố cục của hầu hết sách in rất đơn giản, vậy tại sao phải trả nhiều tiền hơn để chỉ để mua sách về để chúng bám bụi? Với sách điện tử, vấn đề thiết kế và vẻ ngoài ít quan trọng hơn. Và chúng chú trọng về nội dung, thay vì có yếu tố sưu tầm.
Người viết quảng cáo Runi Cholid, cũng là một người ham đọc sách, có chung nhận định này. “Tôi thà đọc [sách] điện tử khi tôi không thích vẻ ngoài của cuốn sách. Trong khi đó, mua sách có thể cũng là một khoản tiền lớn”.
Một bài viết của Hiệp hội các nhà xuất bản Indonesia (IKAPI) vào tháng 5/2021 chỉ ra rằng các nhà xuất bản nước này bị sụt giảm hơn 50% doanh số do dịch Covid-19.
Tuy nhiên, sự bất an về ngành sách nước này đã có từ rất lâu trước khi đại dịch xảy ra. Nhiều nhà xuất bản độc lập tự hỏi liệu mối đe dọa thực sự không phải là số hóa hay virus corona, mà là một hệ sinh thái trì trệ, thiếu động lực sáng tạo và sự đa dạng.
Trong bối cảnh này, các ấn phẩm độc lập của Indonesia đang dần thể hiện được chiều sâu của thiết kế, đan xen nội dung tác phẩm với cách trình bày bắt mắt để thu hút độc giả cảm nhận và đánh giá sách.
Khát khao đổi mới
Vào năm 2019, Jordan Marzuki, một nhà thiết kế tại Jakarta, luôn cảm thấy chán chường khi ý tưởng của mình bị các nhà xuất bản truyền thống loại bỏ. Chia sẻ với tờ The Jakarta Post, ông Jordan bày tỏ: “Tôi nghĩ ‘Tại sao không tự xuất bản tác phẩm của mình? Bằng cách đó, tôi cũng có thể thiết kế [cuốn sách] một cách tự do mà không bị hạn chế’”.
Nổi tiếng với cách trình bày lập dị, không theo truyền thống, Jordan chia sẻ rằng ước mơ của ông luôn là “có nhà xuất bản của riêng mình. Và nhà xuất bản này sẽ không đi theo xu hướng truyền thống mà có thể cộng tác với tất cả tác giả có ý tưởng điên rồ”.
Nhà xuất bản jordan Édition sau đó đã ra đời và xuất bản ba cuốn sách: Jordan’s own War, Astronaut, Death, Violence, Floating Mountain and Roman Soldiers (2020); Fantaisie Érotique (2020), và Muhammad Fadli và Fatris MF’s The Banda Journal (2021).
“Tôi luôn khuyến khích hình ảnh có thể thoát khỏi vùng an toàn để các sản phẩm cuối có thể vượt ra các quy ước và thể loại hạn hẹp”, ông Jordan Marzuki bày tỏ.
Còn Kelana Wisnu, Tổng biên tập của nhà xuất bản độc lập Pustaka Pias có trụ sở tại Bandung, thì cho rằng các nhà xuất bản độc lập có thể là một nền tảng giúp các đơn vị truyền thống thể hiện những điều họ chưa được làm.
“Ở một mức độ nào đó, mọi người bị mắc kẹt trong những ý tưởng truyền thống và hạn chế cách chúng tôi nhìn thế giới. Trong bối cảnh đó, chúng tôi đã thành lập Pustaka Pias”, ông Kelana viết.
Nhà xuất bản này đã cho ra mắt những cuốn sách có bìa cuốn hút. Ông Kelana nói: “Các yếu tố hình ảnh tương tác là điều cần thiết đối với chúng tôi. Ví dụ để thể hiện thông điệp ngầm của tác giả là ‘khi nền dân chủ biến mất, các giá trị của nó vẫn tồn tại’, trang bìa cuốn sách FINKS được thiết kế để phát sáng trong bóng tối.
Theo Kelana, hình ảnh nói lên nhiều điều về lịch sử đa dạng của Indonesia: “lịch sử không chỉ là viết về quá khứ, mà còn là một hoàn cảnh để hình dung tương lai. Và tôi nghĩ rằng nhiều người đang sẵn sàng chào đón những góc nhìn khác biệt về thế giới của chúng ta ngày nay".
Sáng tạo trong thiết kế
Trong khi chủ đề thiết kế thường được coi là một nội dung trong chiến lược tiếp thị, các nhà xuất bản độc lập đang coi thiết kế là một khía cạnh mới và được đầu tư riêng biệt.
Further Reading, một nhà xuất bản có trụ sở tại Bandung đã áp dụng chiến lược này kể từ khi thành lập vào năm 2017. “Chính những lời chỉ trích về thiết kế đã trở thành động lực phát triển của chúng tôi. Thiết kế đã và đang bị đơn giản hóa quá mức”, Januar Rianto, Tổng biên tập của Further Reading và là người sáng lập công ty thiết kế Each Other Company, cho biết.
Ông Januar nói: "Xuất bản không chỉ là việc in ấn hay tung ra mọi thứ và chúng tôi coi thiết kế là cách chúng tôi thể hiện góc nhìn của mình".
Ngoài mảng xuất bản, Further Reading thường xuyên tổ chức các cuộc triển lãm và hội thảo tập trung vào thiết kế. Hiện tại, các ấn phẩm của họ, được biết đến với việc ứng dụng kỹ thuật in risograph, đã đến được hơn 10 quốc gia trên khắp châu Á, Australia, châu Âu và châu Mỹ.
Bà Ardo Ardhana, đại diện của nhà xuất bản Norrm Press có trụ sở tại Bandung, cũng bày tỏ: “Tôi rất vui mừng khi thấy nhiều ấn phẩm mang đến những chủ đề táo bạo hơn. Họ cũng kết hợp tường thuật, đồ họa và xử lý in ấn thực sự tốt”.
Đánh giá về những bước phát triển gần đây của các nhà xuất bản độc lập và sự đổi mới trong thiết kế tác phẩm, Danny Wicaksono, kiến trúc sư và người khởi xướng sáng kiến văn học Inisiatif Scriptura tại Indonesia, bày tỏ: “Việc xuất bản sách không hề rẻ nhưng rất may, nhiều nhà xuất bản độc lập đã tìm ra cách giải quyết tình huống này để xuất bản những cuốn sách có nội dung và thiết kế thú vị”.
Danny cũng nhận thấy rằng thế hệ millennial và Gen-Z dễ tiếp thu những thay đổi và thiết kế mới hơn và vì thế có thể thúc đẩy thêm sự thay đổi này. “Sách sẽ tồn tại trong một thời gian dài và phương thức lưu giữ kiến thức này cũng đã được kiểm chứng. Dù sao thì, việc đọc sách vẫn mang tính cá nhân và đều dựa vào cảm xúc của con người”, ông Danny nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/xuat-ban-indonesia-tim-cam-hung-moi-trong-thiet-ke-post1363686.html