Xuất bản sách văn học Việt Nam tại Trung Quốc

Trong khuôn khổ Tuần lễ Văn hóa sách Trung Quốc - Đông Nam Á 2024 được tổ chức tại tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), hai cuốn sách thuộc Tủ sách Văn hóa Việt, ấn bản tiếng Trung: 'Vắt qua những ngàn mây' (tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng, dịch giả Chu Dương) và 'Người Hà Nội, chuyện ăn chuyện uống một thời' (tác giả Vũ Thế Long, dịch giả Thanh Đóa) đã được Chibooks và Nhà Xuất bản Khoa học Kỹ thuật Quảng Tây tổ chức ra mắt, giới thiệu tới độc giả.

Đây là lần đầu tiên sách Văn hóa Việt được dịch ra tiếng Trung và được xuất bản chính thức tại Trung Quốc và đây cũng là lần đầu tiên tác giả Việt Nam được tổ chức sang Trung Quốc giao lưu.

Phát biểu trong lễ ra mắt sách, bà Nguyễn Lệ Chi, Giám đốc Chibooks cho biết, hai cuốn sách này với góc nhìn sắc sảo, bút pháp đằm thắm, lôi cuốn, hai tác giả sẽ đưa độc giả Trung Quốc hiểu rõ hơn và thêm yêu thích về văn hóa bản địa của Việt Nam. Từ đó thêm hiểu, thêm yêu về đất nước, con người Việt Nam. Văn hóa bản địa là cốt lõi của văn hóa của từng dân tộc. Hiểu được sự khác biệt cũng như nét tương đồng trong văn hóa của nhau sẽ giúp chúng ta xích lại gần nhau, hiểu nhau và cùng tương trợ lẫn nhau, giúp cuộc sống thêm tốt đẹp hơn.

Ấn bản tiếng Trung của 2 cuốn sách. Ảnh: Chibooks

Ấn bản tiếng Trung của 2 cuốn sách. Ảnh: Chibooks

Cuốn “Vắt qua những ngàn mây” là tập hợp những bài viết trong hành trình đi xuyên dải đất hình chữ S của tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng. Ở mỗi vùng đất, từ miền phía Bắc Tổ quốc, băng qua dải đất miền Trung nắng gió, tới miền Nam sông nước, tác giả đều ghi lại những câu chuyện cuộc sống sinh động, nơi mỗi vùng đất đều có những đặc sản tạo nên nét đẹp riêng của mình, nơi con người hòa mình trong thiên nhiên, yêu mến và khao khát gìn giữ vẻ đẹp vốn có của quê hương đất nước. Ẩn sau những mất mát hiện thực là khao khát muốn bảo tồn vẻ đẹp và lòng yêu tha thiết mảnh đất của quê hương mình.

Tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng chia sẻ: “Đây cũng là cuốn sách đầu tiên của tôi được xuất bản tại nước ngoài, chính vì vậy tôi rất hạnh phúc. Khi đọc cuốn sách này, các bạn sẽ được đi dọc đất nước Việt Nam, đi khám phá những vùng đất, những con người, lưu giữ những tri thức bản địa, những văn hóa bản địa độc đáo, những nghề truyền thống thú vị ở Việt Nam”.

Bà Nguyễn Lệ Chi và tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng tại Tuần lễ Văn hóa sách Trung Quốc - Đông Nam Á 2024. Ảnh: Chibooks

Bên cạnh đó, cuốn sách “Người Hà Nội, chuyện ăn chuyện uống một thời” của tác giả Vũ Thế Long được viết theo thể loại tản văn, khảo cứu, với nội dung ngược dòng thời gian về những năm đầu của thế kỷ 20, để hồi tưởng, để khám phá một thời, người Hà Nội đã ăn uống, chế biến và sáng tạo ẩm thực

Sự kết hợp giữa trải nghiệm cá nhân của một người sinh ra, lớn lên tại Hà Nội với sự tìm hiểu tỉ mỉ, kỹ càng của một nhà nghiên cứu từ những văn bản, hiện vật khảo cổ học đến các cụ ông, cụ bà thế hệ trước đã đem đến cho độc giả một cuốn sách đầy ắp tư liệu mà vẫn sống động, để chúng ta cảm nhận được chiều sâu của ẩm thực Hà Nội, của bản sắc văn hóa Hà Nội trong suốt thế kỷ 20 đầy biến động.

Tác giả Vũ Thế Long chia sẻ: “Ăn uống là một mặt rất quan trọng của văn hóa. Tìm ra cái bản sắc của văn hóa ăn uống Việt Nam - Hà Nội và đi sâu hơn nữa, bản sắc trong sự ăn uống của người Hà Nội để rồi từ đó mà gìn giữ, phát huy và phát triển nền văn hóa ăn uống của Hà Nội là điều không kém hệ trọng để xây dựng một nền văn hóa Hà Nội mới".

Thanh Xuân

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/xuat-ban-sach-van-hoc-viet-nam-tai-trung-quoc-post595723.antd