Xuất bản - Tiềm lực và thách thức

Ngày 10-10-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 122/SL thành lập Nhà in quốc gia. Đây là lần đầu tiên ngành xuất bản có một cơ quan vừa là doanh nghiệp quốc gia, vừa là cơ quan quản lý nhà nước thống nhất trên cả ba khâu: xuất bản, in và phát hành trong phạm vi cả nước.

Trong 70 năm qua, ngành xuất bản, in và phát hành (gọi chung là xuất bản) không ngừng lớn mạnh, phát triển theo hướng tinh gọn, chất lượng và hiện đại hóa.

Đến năm 2021, mặc dù chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, ngành xuất bản vẫn đạt trên 40.000 đầu xuất bản phẩm, trong đó có trên 32.000 đầu sách, trên 460 triệu bản xuất bản phẩm; tổng doanh thu lĩnh vực xuất bản đạt 2.996,7 tỷ đồng. Các nhà xuất bản đã đa dạng hóa đề tài, nội dung, hình thức, mẫu mã, tập trung xuất bản được nhiều bộ sách, đầu sách giá trị về lý luận, về đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, thù địch; sách tuyên truyền, bảo vệ chủ quyền biển đảo; sách thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam... phục vụ kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của đất nước, ngành, địa phương trong năm có nhiều sự kiện lớn.

Hòa trong xu thế chung về chuyển đổi số của thế giới, tại Việt Nam, sau đại dịch Covid-19, xuất bản phẩm điện tử, cả sách điện tử (ebook) và sách nói (audiobook) cũng ghi nhận những dấu hiệu tăng trưởng về số lượng đầu sách cũng như doanh thu bán sách. Đặc biệt là việc áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào sản xuất audiobook đã đem lại những hiệu quả rất ấn tượng.

Thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành cho thấy, đến giữa năm 2022 đã có 16 nhà xuất bản đủ điều kiện xuất bản điện tử. Giai đoạn 2019-2021, bình quân mỗi năm toàn ngành xuất bản được 2.000-2.500 xuất bản phẩm điện tử. Chỉ riêng 3 đơn vị phát hành audiobook là Waka, Fonos và WeWe đã có hàng trăm ngàn tài khoản sử dụng thường xuyên với tổng lượt truy cập năm 2021 đạt trên 20 triệu lượt… Trái với lo lắng xuất bản phẩm điện tử sẽ thay thế xuất bản phẩm truyền thống, thực tế cho thấy, xuất bản phẩm điện tử chỉ là sự bổ sung, hỗ trợ cho sách giấy, góp phần tạo nên sự đa dạng, thuận tiện trong việc thụ hưởng của bạn đọc.

Gặt hái được nhiều thành quả tích cực, song dễ nhận thấy tỷ lệ xuất bản phẩm bình quân đầu người ở Việt Nam vẫn còn thấp, chỉ khoảng 4 bản/người/năm (số liệu từ Cục Xuất bản, In và Phát hành); cơ cấu sách chưa hợp lý khi chiếm tuyệt đại đa số là sách giáo dục, sách dạy nghề, sách phổ biến kiến thức…, chưa có nhiều đầu sách có giá trị nhân văn cao, có sức lan tỏa mạnh trong xã hội.

Bên cạnh đó, tình trạng nhiều nhà xuất bản yếu cả về vật chất lẫn nhân lực, việc tồn tại hoàn toàn phụ thuộc vào các đối tác liên kết, nên dẫn đến tình trạng buông lỏng quản lý liên kết, để cho các đối tác liên kết thao túng nội dung ấn phẩm, tồn tại suốt nhiều năm. Đây được coi là nguyên nhân chính dẫn đến việc nhiều xuất bản phẩm có nội dung sai lệch, dễ dãi ra đời, gây nên những hệ lụy xấu, tạo phản ứng tiêu cực trong dư luận xã hội.

Về phương thức sản xuất, dù đã có nhiều nỗ lực, song việc ứng dụng công nghệ thông tin và đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, thậm chí nhiều nơi vẫn giậm chân tại chỗ. Công nghiệp xuất bản với tư cách là một bộ phận của công nghiệp văn hóa cũng vì vậy chưa phát triển đúng tầm và việc chuyển đổi số vẫn chưa được thực hiện mạnh mẽ để trở thành bàn đạp tạo ra những bước phát triển nhảy vọt.

Ngành xuất bản đã đặt ra nhiều mục tiêu như: tăng số lượng sách xuất bản/người/năm đạt 5-5,5 bản vào năm 2025; đưa tỷ lệ xuất bản phẩm điện tử (tính theo đầu sách) đạt 15% vào năm 2025; đưa Việt Nam vào nhóm 3 nước có nền xuất bản phát triển hàng đầu Đông Nam Á… Để đạt được những mục tiêu này, chắc chắn ngành xuất bản sẽ phải nỗ lực vượt qua nhiều thách thức, song có nhiều cơ sở để tin rằng trên nền tảng 70 năm hình thành và phát triển, cùng việc nhanh chóng ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại, quyết tâm chuyển đổi số sẽ mở ra một tương lai đầy ấn tượng của ngành xuất bản Việt Nam.

MAI AN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//xuat-ban-tiem-luc-va-thach-thuc-847475.html