Xuất hiện bản thỏa thuận giữa Diệp Bạch Dương - Phan Thành - Agribank
Luật sư Phan Trung Hoài trình văn bản thỏa thuận 3 bên giữa Agribank - công ty của bà Diệp và Công ty Phan Thành về việc thuê nhà đất 185 Hai Bà Trưng.
Chiều 24/3, đại diện VKS, luật sư và bị cáo Dương Thị Bạch Diệp tiếp tục tranh luận xoay quanh cáo buộc bà Diệp Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho bà Diệp) chỉ ra nhiều điểm khác biệt giữa hồ sơ Văn phòng đăng ký đất đai Sở TN&MT cung cấp và hồ sơ do cơ quan tố tụng thu thập.
Theo luật sư, với tờ trình cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhà 57 Cao Thắng (sau khi bà Diệp đã sửa chữa), tài liệu trong hồ sơ ghi lập ngày 4/1/2011 nhưng tờ trình đề ngày 13/1/2010.
Trong đó, ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Trung tâm thông tin Tài nguyên - Môi trường, bút phê 2 lần đề ngày 20/1/2010. Trong khi ông Đoàn Thành và ông Đào Anh Kiệt ký ngày 20/1/2011 và 25/1/2011.
Tại tòa, Ngân hàng Agribank khẳng định vẫn giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhà 57 Cao Thắng, nhưng ngày 25/1/2011, bà Diệp vẫn sao y giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này tại UBND phường Bến Nghé. Luật sư cho rằng nếu đã thế chấp thì khi trả sổ phải có mặt 3 bên. Hồ sơ thế chấp Agribank nói nhận vào ngày 31/12/2008. Tuy nhiên, trong danh mục của Văn phòng đăng ký đất đai cung cấp là ngày 7/1/2009.
Bên cạnh đó, luật sư Hoài chỉ ra cập nhật cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới ngày 21/1/2011 nhưng thông báo ngăn chặn ngày 26/9/2011.
Đáng chú ý, luật sư Hoài trình cho HĐXX văn bản thỏa thuận được lập vào ngày 18/9/2014. Văn bản ghi nhận bên nhận tài sản thế chấp (bên A) là Agribank, bên thế chấp (bên B) là Công ty Diệp Bạch Dương và bên thuê tài sản (bên C) là Công ty TMHH TMDV Phan Thành (gọi tắt là Phan Thành). Tài sản được đem ra giao dịch là nhà đất 179bis-181-183-185 Hai Bà Trưng.
Thời điểm đó, tài sản 185 Hai Bà Trưng đang được thế chấp tại Agribank. Đến 18/9/2014, Công ty Diệp Bạch Dương và Phan Thành ký hợp đồng thuê lại tổ hợp nhà đất trên với sự đồng ý của Agribank.
Trong vụ án này, Phan Thành không được triệu tập tham gia tố tụng. Tuy nhiên, trong quá trình xét xử, chủ tọa có thông báo nhận được văn bản từ Phan Thành đề nghị trong quá trình xét xử xem xét để đảm bảo quyền lợi của công ty này.
Tranh luận với luật sư, đại điện Sở TN&MT khẳng định các tài liệu trong hồ sơ là tài liệu thật. Trong biên nhận có một số điểm mâu thuẫn, tuy nhiên vị này cho rằng do ông Phạm Ngọc Liên nhầm lẫn, nhưng tài liệu này đã có chữ ký của ông Kiệt vào năm 2011.
Bà Dương Thị Bạch Diệp tiếp tục khẳng định tất cả tài liệu liên quan đến việc thế chấp nhà 57 Cao Thắng và tài liệu Agibank cung cấp mới tại tòa đều là giả mạo. Bà Diệp cho rằng Sở TN&MT giải thích lý do có 2 bản chính biên nhận nên khác nhau là sai sự thật bởi biên nhận không thể có 2 bản chính.
Khi bà Diệp nhắc đến việc ông Đào Anh Kiệt có ký vào tờ trình, chủ tọa đã mời bị cáo trình bày ý kiến. Cựu Giám đốc Sở TN&MT cho rằng không đủ khả năng xem xét giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là thật hay giả. Tuy nhiên, ông Kiệt cho rằng việc này đúng với quy trình làm việc của sở lúc bấy giờ. Khi ông yêu cầu ai nhận hồ sơ và ký thì phải ghi thời gian bên cạnh để biết mỗi người có thời gian xem xét hồ sơ trong bao lâu.
Theo ông Kiệt, ý nghĩa của tờ trình này là xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới, cập nhật phần tài sản gắn liền với đất. Theo ý kiến của ông Kiệt thì đây là nhầm lẫn vì bà Cao Linh, ông Đoàn Thành và ông Kiệt đều ghi ký vào năm 2011.
Trước quan điểm của luật sư Phan Trung Hoài cho rằng cần phải có những người ký nhận trên tờ trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất 57 Cao Thắng tại tòa để đối chất, HĐXX đã quyết định triệu tập bổ sung ông Đoàn Thành, bà Cao Linh, ông Phạm Ngọc Liên.
Đồng thời, chủ tọa cũng thông báo triệu tập đại diện Phòng Công chứng số 1 để tham gia tranh luận tại phiên tòa vào sáng 25/3.
Tại phiên tòa sáng 24/3, Phòng Công chứng số 1 đã gửi văn bản cung cấp cho tòa bản sao hợp đồng công chứng và toàn bộ giấy tờ, tài liệu liên quan đến việc công chứng hợp đồng thế chấp nhà 57 Cao Thắng. Phòng Công chứng số 1 xác định có lưu đầy đủ hồ sơ tại kho lưu trữ của phòng công chứng. Bên cạnh lưu trữ hồ sơ bằng giấy còn lưu trữ trên hệ thống master - chương trình được Bộ Tư pháp thiết lập.