Xuất hiện biến thể phụ JN.1 nhưng COVID-19 vẫn trong tầm kiểm soát

JN.1 là biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có mức độ lây lan nhanh vừa được TP.HCM phát hiện ở các bệnh nhân COVID-19 nhập viện. Tuy nhiên, tình hình bệnh COVID-19 vẫn trong tầm kiểm soát và biến thể này không làm tăng độ nặng, thay đổi hệ miễn dịch.

Vẫn cảnh giác với nhóm nguy cơ cao

Theo Bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), sự gia tăng liên tục của biến thể JN.1 tại một số quốc gia cho thấy, biến thể này có khả năng lây truyền cao hơn hoặc lẩn tránh hệ thống miễn dịch của con người tốt hơn. Hiện tại, TP.HCM đã xuất hiện 4 trong 5 biến thể.

JN.1 xuất phát từ biến thể phụ của omicron thuộc biến thể BA2.86. Theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì JN.1 thuộc nhóm biến thể đang được quan tâm. Cho đến nay, chưa có đủ bằng chứng cho thấy biến thể này làm tăng mức độ bệnh nặng, tuy nhiên do lây lan nhanh và có khả năng lẩn trốn miễn dịch nên có thể dẫn đến số ca mắc sẽ tăng.

Người cao tuổi được sàng lọc trước khi tiêm ngừa COVID-19 (Ảnh tư liệu P.L)

Người cao tuổi được sàng lọc trước khi tiêm ngừa COVID-19 (Ảnh tư liệu P.L)

Bác sĩ Hồng Nga nhấn mạnh, một khi số ca mắc trong cộng đồng tăng thì có thể dẫn đến số ca bệnh nặng sẽ tăng. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán, việc giao lưu đi lại tiếp xúc giữa người với người nhiều hơn, cũng sẽ gia tăng nguy cơ lây lan của nhiều bệnh lây qua đường hô hấp khác, không chỉ riêng COVID-19.

“Nhóm đáng quan tâm nhất vẫn chính là những người thuộc nhóm nguy cơ tức là người lớn tuổi và có bệnh lý nền mà chưa được tiêm chủng vaccine COVID-19. Vừa qua Sở Y tế cũng đã có cảnh báo là có rất là nhiều tác nhân gây nên những bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính và chắc chắn là không loại trừ tác nhân là JN.1”, bác sĩ Hồng Nga nói.

HCDC khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng nước sạch và xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và che miệng, mũi khi ho, hắt hơi. Cùng với đó, người dân cần ăn uống đầy đủ để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể, thực hiện ăn chín, uống chín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thành lập đội phản ứng nhanh

TS.BS Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho hay, một nghiên cứu gần đây ở trong phòng thí nghiệm cho thấy, biến thể JN.1 có khả năng xâm nhập vào tế bào ở phổi. Tuy nhiên, dữ liệu trên thực tế bệnh cảnh về lâm sàng, các vấn đề diễn biến miễn dịch, độ nặng... thì không có thay đổi so với trước đây.

Trên thế giới, biến thể JN.1 xuất hiện từ tháng 8/2023. Trong tuần thứ 48 - 52 của năm 2023, trên thế giới có sự thay đổi, từ chiếm 25% đã tăng lên 65 %.

TS.BS Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho hay Viện và 20 tỉnh phía Nam thành lập các đội đáp ứng nhanh và trực xuyên Tết 24/24 (Ảnh: Kim Dung)

TS.BS Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho hay Viện và 20 tỉnh phía Nam thành lập các đội đáp ứng nhanh và trực xuyên Tết 24/24 (Ảnh: Kim Dung)

Tại TP.HCM, kết quả giải mã trình tự gene từ mẫu bệnh phẩm của 16 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM trong tháng 12/2023, ghi nhận có 12/16 bệnh nhân nhiễm biến thể phụ của Omicron JN.1. Dấu hiệu đáng lo ngại là số ca nhập viện tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới do COVID-19 có xu hướng gia tăng dần trong sáu tuần gần đây.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Vũ Thượng, số ca bệnh hô hấp tăng cao có thể do cúm hoặc các tác nhân khác, chứ không chỉ COVID-19. Phần lớn ca nhập viện là trường hợp tiêm vaccine phòng COVID-19 chưa đủ mũi, chưa đủ liều hoặc mắc thêm bệnh nền. Do đó tình hình COVID-19 hiện vẫn trong tầm kiểm soát.

TS. Thượng cũng cho biết, ngay từ cuối năm 2023, Bộ Y tế đã có kế hoạch phòng chống dịch COVID-19 bền vững, trong đó ban hành chỉ thị phòng chống dịch bệnh dịp Tết Nguyên đán về vấn đề tăng cường giám sát, phát hiện sớm, đáp ứng kịp thời.

TS.BS Nguyễn Vũ Thượng cho hay, Viện Pasteur TP.HCM luôn sát cánh cùng các bệnh viện, viện tại TP để chỉ đạo, giám sát sát sao với các tỉnh phía Nam: “Viện Pasteur TP.HCM cũng thành lập các đội đáp ứng nhanh và trực xuyên Tết 24/24 giờ để khi có bất kỳ những phát hiện sớm, có vấn đề gì là chúng tôi đáp ứng ngay. Đặc biệt các địa phương 20 tỉnh thành phía Nam cũng có các đội đáp ứng nhanh và trực Tết. Chúng tôi sẽ thường xuyên kết nối trong mạng lưới chặt chẽ giữa viện khu vực, với các địa phương, cũng như đối với Bộ Y tế và các bệnh viện trong khối chỉ đạo tuyến”.

Đến nay, Việt Nam đã triển khai tiêm 266 triệu liều vaccine phòng COVID-19, bao phủ nhiều độ tuổi khác nhau. Tuy nhiên cũng còn một số người chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ, nguy cơ mắc COVID-19, đặc biệt dễ chuyển nặng đối với người lớn tuổi, mắc bệnh nền, phụ nữ mang thai.

Do đó, ngành y tế khuyến cáo những đối tượng này cần đến cơ sở y tế để tiêm vaccine COVID-19. Bên cạnh đó, nếu người tiêm đủ mũi vaccine bị bệnh hay có hội chứng như cảm cúm, cần bảo vệ những người xung quanh bằng cách đeo khẩu trang, rửa tay, khử khuẩn.

Kim Dung/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/suc-khoe/xuat-hien-bien-the-phu-jn1-nhung-covid-19-van-trong-tam-kiem-soat-post1074231.vov