Xuất hiện chiêu thức bán hàng đa cấp trong các nhóm kín 'tư vấn sức khỏe'

Thời gian gần đây, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương liên tục đưa ra những cảnh báo về việc xuất hiện tràn lan các nhóm kín 'tư vấn sức khỏe'. Đây là hình thức đa cấp biến tướng quảng cáo, sử dụng hình ảnh bệnh nhân, hình ảnh bác sĩ, dược sĩ minh họa cho công dụng của nhiều sản phẩm, thực phẩm chức năng để dụ dỗ, lôi kéo, phát triển các mạng lưới với hàng nghìn khách hàng.

Bộ Công Thương đã trình Chính phủ xem xét bổ sung việc cấm sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục của cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để bán hàng. Ảnh: minh họa

Điển hình như gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện một số nhóm kín để bán loại thực phẩm chức năng có thương hiệu APLGO. Nhiều người đã đứng ra giới thiệu, kêu gọi người dân tham gia đầu tư, xây dựng hệ thống và tiêu thụ các sản phẩm “viên ngậm tế bào gốc” mang thương hiệu này với cam kết thu về số tiền lớn từ nguồn thu nhập thụ động.

Để minh chứng cho hiệu quả thần kỳ của sản phẩm APLGO, trong những hội nhóm còn đưa ra những hình ảnh về các bệnh nhân được cho là từng sử dụng sản phẩm này, hiệu quả đến ngay lập tức. Như một cụ ông có tiền sử bệnh gút 20 năm và tai biến không ngồi được, không nói được, nhưng mới “dùng sản phẩm 2 ngày đã có thể ngồi dậy được”.

Cơ quan chức năng sau đó đã xác minh và cảnh báo dấu hiệu kinh doanh theo phương thức đa cấp không có giấy chứng nhận hợp pháp đối với các sản phẩm của APLGO. Do đó, để tránh rủi ro về mặt vật chất và pháp lý, người dân không nên tham gia đầu tư, hay phát triển hệ thống kinh doanh của các tổ chức, cá nhân có các dấu hiệu nêu trên.

Cũng theo khuyến cáo của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương, hiện nay trên mạng xã hội, xuất hiện rất nhiều các tổ chức, cá nhân thành lập các nhóm kín trực tuyến như “tư vấn sức khỏe”, “chăm sóc sức khỏe chủ động” hay “nhân chứng dùng sản phẩm”, tập hợp hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người tham gia. Trong các hội nhóm này, các đối tượng này chia sẻ, trao đổi những thông tin, video clip có sử dụng hình ảnh bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để mô tả, tư vấn và hướng dẫn sử dụng các thực phẩm, hoặc mô tả công dụng thực phẩm như là một “kinh nghiệm thực tế” hay “nhân chứng sống” của người đã từng bị bệnh.

Cách thức đưa thông tin này được lạm dụng và củng cố bởi các bình luận phía dưới, càng tạo thêm niềm tin cho người bệnh, người tiêu dùng dễ hiểu theo hướng là các loại sản phẩm này có công dụng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều trị bệnh. Hành vi dạng này sẽ gây tác động tới số lượng người tham gia lớn vì thông tin lan truyền trên môi trường mạng diễn ra rất nhanh và gây hậu quả nghiêm trọng bởi ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Đặc biệt, nhiều sản phẩm được quảng cáo rầm rộ có khả năng phòng bệnh COVID-19 và bán với giá “ngất ngưởng”. Nhiều “thần y” online, lương y tự xưng còn tự nhận mình có khả năng chữa trị được nhiều loại bệnh khác nhau như dạ dày, xương khớp, đại tràng,... hay thậm chí cả ung thư. Thậm chí, một số video của các “lương y” online còn cắt ghép hình ảnh từ đài truyền hình để tô vẽ cho công dụng sản phẩm thuốc mập mờ về chất lượng, tung ra làm loạn thị trường.

Việc lợi dụng hình ảnh bác sĩ, bệnh nhân để quảng cáo có thể thấy, thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp đa cấp không chú trọng bán hàng mà tập trung xây dựng mạng lưới người tham gia và tìm các cách khác nhau khiến người đó mua hàng, hàng hóa chủ yếu được tiêu thụ trong mạng lưới, việc mua hàng chủ yếu để đạt thành tích, cấp bậc và hưởng hoa hồng. Do đó, cần có các quy định về chế tài xử lý nghiêm khắc với các hành vi kinh doanh đa cấp trước khi được cấp phép hay những hành vi kinh doanh bị cấm để lập lại kỷ cương, minh bạch, sự công khai cho hoạt động này.

Để xử lý triệt để tình trạng đưa thông tin sai lệch như trên trong hoạt động bán hàng đa cấp, vừa qua, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ xem xét thông qua dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12-3-2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, trong đó bổ sung một số quy định điều chỉnh vấn đề này như sau: Bổ sung quy định cấm đối với doanh nghiệp và người tham gia bán hàng đa cấp trong việc cung cấp các thông tin về hàng hóa trong bán hàng đa cấp, đặc biệt đối với sản phẩm là thực phẩm theo hình thức “cung cấp thông tin” về thực phẩm bằng hình thức sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế; “cung cấp thông tin” về thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.

Quy định này được bổ sung với mục đích để doanh nghiệp và người tham gia bán hàng đa cấp nhận thức rõ tính nghiêm trọng khi vi phạm những hành vi này trong quá trình hoạt động bán hàng đa cấp. Trong trường hợp vi phạm, ngoài việc bị xử phạt hành chính, doanh nghiệp bán hàng đa cấp còn bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

Tùng Lâm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te-thi-truong/xuat-hien-chieu-thuc-ban-hang-da-cap-trong-cac-nhom-kin-tu-van-suc-khoe/156885.htm