Xuất hiện công ty chứng khoán đầu tiên tại Hong Kong áp dụng mô hình phí giao dịch bằng 0
Chưa đầy 1 năm kể từ khi Charles Schwab Corp định hình lại thị trường môi giới chứng khoán Mỹ với việc miễn phí giao dịch cho nhà đầu tư, một công ty chứng khoán châu Á cũng đã tiên phong áp dụng mô hình này tại trung tâm tài chính Hong Kong (Trung Quốc).
Hồi tháng trước, Huatai International – công ty con tại Hong Kong của công ty chứng khoán lớn thứ 3 Trung Quốc đại lục đã tiến hành miễn phí môi giới và phí sử dụng nền tảng giao dịch chứng khoán cho khách hàng, thay vào đó công ty này chỉ thu một khoản phí nhỏ hàng tháng là 1 đô la Hongkong. Kết quả là số lượng người sử dụng dịch vụ của công ty đã tăng lên đáng kể.
Chỉ tính riêng trong tháng vừa qua tăng trưởng khách hàng của công ty cao hơn cả số lượng tăng trưởng khách hàng của 3 năm trước cộng lại.
Động thái này của Huatai ngay lập tức gây hiệu ứng trên thị trường môi giới chứng khoán Hong Kong, gia tăng thêm áp lực lên các công ty chứng khoán đối thủ – những người đang chứng kiến lợi nhuận ngày càng giảm.
Việc khối lượng giao dịch online gia tăng, sự tham gia thị trường của các công ty chứng khoán đến từ đại lục, sự thống trị ngày càng gia tăng của các ngân hàng lớn, bất ổn chính trị và kinh tế suy thoái đã làm cho số lượng công ty môi giới chứng khoán tại Hong Kong phải giải thể trong năm nay đứng ở mức kỷ lục.
Cần phải nói thêm rằng ứng dụng giao dịch chứng khoán của công ty mẹ Huatai ở Trung Quốc có tới 7,8 triệu người sử dụng mỗi tháng.
Để bù đắp cho phần sụt giảm về doanh thu phí giao dịch, công ty này hy vọng sẽ cung cấp dịch vụ quản lý tài sản cho nhóm khách hàng mới của mình. Việc đưa phí môi giới về 0 ước tính sẽ làm cho công ty mất đi khoảng 150 – 200 triệu đô la Hongkong tiền phí cho mỗi 100.000 khách hàng.
Zhu Yali, người đứng đầu bộ phận fintech và khách hàng cá nhân của Huatai cho biết, Hongkong là một thị trường rất cạnh tranh. Vì thế, các công ty môi giới chứng khoán khác sẽ phải đi theo xu hướng này của Huatai để giữ chân khách hàng.
Tại Mỹ, động thái đưa phí giao dịch về 0 của Charles Schwab hồi tháng 10 năm ngoái đã làm rúng động ngành công nghiệp môi giới chứng khoán Mỹ.
Cho tới nay đã có nhiều công ty môi giới chứng khoán khác, thậm chí cả những ‘ông lớn’ quỹ tương hỗ như Vanguard và Fidelity, đã phải đi theo xu hướng này của Charles Schwab.
Thị trường Hongkong có những điểm đặc thù so với thị trường Mỹ mà những công ty chứng khoán khác khó có thể theo gót Huatai.
Một trong những đặc điểm đó là ở Hongkong các công ty chứng khoán không thể bù đắp phần doanh thu bị giảm đi do miễn phí giao dịch bằng phần doanh thu tăng lên từ việc bán lệnh của khách hàng.
Ở Mỹ, các công ty môi giới chứng khoán có thể bán lệnh của khách hàng cho các nhà bán buôn là những nhà tạo lập thị trường để ăn phần chênh lệch giữa giá mua và giá bán.
Louis Mak, CEO của I-Access Group Ltd, cho biết việc bán lệnh giao dịch của khách hàng là vấn đề gây tranh cãi ở Hongkong.
Thêm vào đó, không giống như Mỹ, vùng lãnh thổ này chỉ có 1 sàn giao dịch chứng khoán nên rất khó để các công ty môi giới chứng khoán tại Hongkong kiếm được tiền theo kiểu của các đồng nghiệp tại Mỹ.
“Đó là lý do vì sao trong nhiều năm qua cuộc chiến về phí môi giới chứng khoán tại Hongkong thực sự là một cuộc chiến về giá”, Mak nói. Mak cho biết công ty của mình sẽ không đi theo mô hình của Huatai.
Những đối thủ khác của Huatai cũng cho rằng rất khó để đi theo mô hình của Huatai. Edmond Hui, Tổng giám đốc Bright Smart Securities đặt câu hỏi: “Làm thế nào để một công ty có thể tồn tại ở một nơi có giá thuê văn phòng và chi phí cố định cao như Hongkong?”
Doanh thu phí môi giới của ngành môi giới chứng khoán tại Hongkong là rất lớn. Năm ngoái doanh thu môi giới toàn thị trường đạt gần 20 tỷ đô la Hongkong, giảm 18% so với năm 2018. Năm nay khối lượng giao dịch tăng do biến động thị trường gây ra bởi dịch Covid-19.
Số liệu thống kê từ 9 công ty môi giới chứng khoán được ưa chuộng nhất tại Hongkong cho thấy, mức phí môi giới trung bình tại đây hiện ở mức 0,073% giá trị giao dịch.
Do mức độ cạnh tranh cao nên tới thời điểm này của năm đã có 23 công ty chứng khoán tại Hongkong phải đóng cửa, trong khi đó con số này của năm ngoái là 22.
Các ngân hàng đầu tư toàn cầu tại Hongkong có vẻ như không hề bị ảnh hưởng bởi động thái của Huatai bởi khách hàng của họ là những nhà đầu tư tổ chức.