Trục đại lộ Đông Sơn có chiều dài 2,6km, rộng 120m, nối từ đường Hồ Xuân Hương tại vị trí Quảng trường biển Sầm Sơn rộng 2 ha, sức chứa khoảng 10.000 người, tâm điểm của các sự kiện lễ hội quy mô lớn đến đại lộ Nam sông Mã.
Dọc theo Đại lộ Đông Sơn là các công trình kiến trúc, cảnh quan và tiện ích đồng bộ, mang đậm dấu ấn đặc trưng của văn hóa Đông Sơn.
ASPECT Studios (Úc) là đơn vị tư vấn thiết kế kiến trúc, cảnh quan với 30 năm kinh nghiệm làm việc tại nhiều nơi trên thế giới như Dubai, London, Melbourne, Perth, Sydney, Quảng Châu và Thượng Hải.
Ngay đầu Đại lộ Đông Sơn tại khu vực Quảng trường biển Sầm Sơn bố trí 20 cây trang trí hình trống đồng được lấy cảm hứng từ hình ảnh và các họa tiết hoa văn trên trống đồng Đông Sơn.
Cây trang trí có thân bằng thép mạ kẽm nhúng nóng được tạo hình nghệ thuật, sơn màu phù hợp với kiến trúc cảnh quan, cao từ 4,8m - 11,5m; bố trí hệ thống chiếu sáng nghệ thuật theo chủ đề được lập trình sẵn, sử dụng bóng đèn led tiết kiệm điện đa màu sắc.
Điểm nhấn trên trục Đại lộ Đông Sơn là mô hình Hòn Trống Mái có tỷ lệ 1:1 so với Hòn Trống Mái trên núi Trường Lệ.
Mặt đường được lát khoảng 49.000 m2 tương đương 4,9 triệu viên đá cubic có nguồn gốc tự nhiên phối 3 màu, lấy cảm hứng từ các đại lộ nổi tiếng trên thế giới như Champs-Élyseés.
Cây xanh được trồng 2 bên vỉa hè tạo không gian xanh mát cho các tuyến đường.
Đại lộ Đông Sơn và Quảng trường biển Sầm Sơn được đầu tư hiện đại, đồng bộ, có không gian văn hóa, nghệ thuật, có công trình cảnh quan, kiến trúc đặc sắc để tổ chức các hoạt động lễ hội, vui chơi giải trí ngoài trời, các hoạt động văn hóa đa dạng từ truyền thống dân gian đến trình diễn nghệ thuật quốc tế hiện đại, ban ngày cũng như ban đêm. Dọc 2 bên đại lộ là hệ thống các tuyến shophouse hiện đại, thiết kế độc đáo, với các dịch vụ du lịch phong phú, đa dạng đáp ứng nhu cầu của du khách.
Việc đặt tên Đại lộ Đông Sơn góp phần giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử dân tộc, tình yêu quê hương đất nước; đồng thời quảng bá với khách du lịch trong nước và quốc tế về nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ gắn liền với thời kỳ dựng nước của các Hùng Vương.
Công trình này sẽ tăng sức hấp dẫn cho du lịch, thu hút du khách đến thành phố Sầm Sơn, từng bước đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn để xây dựng Thanh Hóa thành một cực tăng trưởng mới của khu vực và cả nước đúng theo tinh thần Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nguyễn Lương