Những ngày vừa qua, nhiều người bức xúc khi có 2 trong số 17 đoàn tàu metro số 1 đặt tại depot Long Bình (TP Thủ Đức) chằng chịt hình vẽ bậy bằng sơn nước trên thành tàu, đầu và cuối toa tàu. Theo các luật sư nhận định đây là hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản. Nếu xác định được người gây thiệt hại hoặc nhóm người gây thiệt hại tài sản sẽ bị xử phạt từ 2 triệu đồng trở lên.Trường hợp xác định đối tượng nếu đủ năng lực hành vi và độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì có thể bị truy cứu tội "hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản" theo điều 178 Bộ luật hình sự hiện hành.
Dạo một vòng những cung đường lớn, công trình giao thông từ trung tâm đến ngoại thành TP.HCM không khó để thấy nhiều bức tường, thành và trụ cầu, cửa nhà dân bị nhuộm kín bằng các nét vẽ nguệch ngoạc, phản cảm. Như công trình metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên đoạn trên cao thuộc địa bàn phường Thảo Điền, TP Thủ Đức và khu vực qua quận Bình Thạnh có hàng chục trụ bị vẽ nhiều hình thù khác nhau.
Người dân khu vực phường Thảo Điền cho biết, từ vài năm trước sau khi tháo rào chắn công trình, một số trụ cầu metro liền bị vẽ bậy, xịt sơn. Một số trụ được quét lại bằng xi măng nhưng vẫn còn nhiều cái tiếp tục xuất hiện hình thù quái dị.
Công trình bị xâm hại nhiều nhất phải kể đến gầm cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh (nút giao thông cầu Thủ Thiêm 1), quận Bình Thạnh khi có chi chít gần cả trăm bức vẽ phun sơn trải dài từ đường lên xuống và giữa gầm cầu.
Đối tượng vẽ bậy còn mạo hiểm leo lên cả thành cầu để vẽ khá chi tiết những chữ cái lớn cả mét giữa công trình nút giao thông ba tầng này.
Hai mặt các trụ cầu của nút giao thông ngã 3 Cát Lái (TP Thủ Đức) cũng chung số phận khi nhiều năm nay xuất hiện những hình vẽ được cho là ăn theo thể loại graffiti (một loại hình nghệ thuật đường phố), những hình thù quái dị.
Một đoạn dài thành cầu cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) vừa được nâng cấp, mặc dù có bề mặt nhỏ nhưng cũng bị vẽ bậy.
Tại các quận trung tâm thành phố, những bước tường rộng trở thành nền lý tưởng cho vấn nạn vẽ bậy. Những hình phun sơn nguệch ngoạc, hình thù quái dị này theo thời gian cũng sự hư hỏng của mặt tường khiến không gian những khu vực này trở nên nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị.
Nhiều công trình giao thông ở trung tâm thành phố như gầm chui, thành cầu Khánh Hội, cầu Calmette, cầu Điện Biên Phủ… cũng không thoát khỏi những “họa sỹ đường phố” này.
Đặc biệt, rất nhiều cửa cuốn nhà dân, các cửa hàng mặt tiền các tuyến đường lớn nhỏ, rào chắn các công trình xây dựng… ở trung tâm thành phố bị xâm hại bởi tình trạng vẽ bậy này.
Không chỉ bề mặt bê tông, bờ tường, nhiều mặt sau của những tấm pano tuyên truyền, cổ động cũng dính những nét phun sơn loằng ngoằng.
Vô số nhà chờ bến xe buýt, cột đèn, hộp điện, hộp viễn thông… có bề mặt nhỏ cũng không thoát được những “ý tưởng sáng tạo” bất chợt nhưng không mang lại giá trị nghệ thuật nào cho không gian công cộng của thành phố.