Xuất hiện trẻ sơ sinh mắc thủy đậu gặp biến chứng nặng, bác sĩ đưa ra khuyến cáo

Hai cháu bé mắc thủy đậu phải nhập viện, đều là trẻ sơ sinh và do lây từ mẹ. Đây là cảnh báo mà các bác sĩ Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới Trung ương đưa ra sáng nay, 15/7.

 Nhiều trẻ sơ sinh mắc thủy đậu là cảnh báo với các bậc phụ huynh

Nhiều trẻ sơ sinh mắc thủy đậu là cảnh báo với các bậc phụ huynh

BSCKI. Lê Thu Trang (Khoa Nhi, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương) cho biết, Bệnh viện vừa tiếp nhận 2 bệnh nhân mắc thủy đậu đều là trẻ sơ sinh.

Trường hợp thứ nhất là bé trai T.V.H. ở Hà Nội, mới 5 ngày tuổi. Mẹ của bé phát hiện mình bị thủy đậu vào ngày thứ 3 sau khi sinh và đã cách ly ngay với con. Nhưng khi bé được 5 ngày tuổi, bé bắt đầu xuất hiện những nốt phát ban và phỏng nước toàn thân. May mắn là diễn biến của bé đã bình thường, không bị biến chứng. Hiện tại, các vết ban của bé đã se gần hết và không xuất hiện những nốt ban mới.

Trường hợp thứ 2 là bé trai 2 tháng tuổi, cũng ở Hà Nội. Trước khi vào viện 3 ngày, bé đã xuất hiện những nốt phỏng nước, lan ra khắp mặt và toàn thân, kèm theo ho, khò khè. Các nốt phỏng nước mọc nhiều và lan nhanh, dầy đặc. Bé sốt cao, đến 38 độ thì được đưa vào viện. Khi vào viện, bé đã bị viêm phổi, các nốt ban phỏng nước toàn thân khắp cơ thể.

Lập tức, bé được các bác sĩ cho điều trị kháng sinh và kháng virus, khí dung, nên các nốt phát ban đã se lại, không mọc ban mới và tình trạng viêm phế quản phổi đã ổn định.

Trước đó, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cũng đã tiếp nhận một bé gái 5 tuổi (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn), bị thủy đậu biến chứng nặng, khiến bé bị sốt cao, ho, nổi ban, phỏng nước toàn thân, nhiều nốt loét, mụn mủ, sưng nề, nên phải điều trị hồi sức tích cực. Gia đình cho biết, cháu bị bệnh được 6 ngày rồi mới đưa vào viện.

Kết quả xét nghiệm xác định cháu bị thủy đậu bội nhiễm, nhiễm trùng huyết, viêm tấy lan tỏa, giảm Albumin máu nặng, hạ Kali máu, tiên lượng rất nặng. Nhờ được điều trị đúng phác đồ, sức khỏe cháu bé đã ổn định.

Theo BSCKI. Lê Thu Trang, thủy đậu là bệnh truyền nhiễm, lây qua đường hô hấp, có thể gây dịch. Bệnh có biểu hiện sốt, phát ban phỏng nước trên da, ngứa. Bệnh có thể biến chứng gây viêm da bội nhiễm, viêm não, viêm phổi, viêm cơ tim, viêm thận, viêm khớp và thường hay xảy ra trên những cơ địa đặc biệt như người suy giảm miễn dịch (người ung thư, điều trị hóa chất, dùng thuốc ức chế miễn dịch), trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người mắc bệnh mãn tính.

Thời gian ủ bệnh của thủy đậu thông thường từ 10-14 ngày. Bệnh lây sang người khác trong giai đoạn bệnh nhân vẫn còn xuất hiện những nốt ban.

BSCKI. Lê Thu Trang lưu ý: Nếu trẻ sơ sinh mắc thủy đậu, gia đình cần cho con nhập viện sớm để được theo dõi và điều trị kịp thời, những biến chứng nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến tính mạng trẻ như viêm gan, viêm phổi hoặc viêm não do sức đề kháng của các bé còn yếu. Không nên tự điều trị tại nhà.

 Cảnh báo trẻ sơ sinh mắc thủy đậu phải nhập viện

Cảnh báo trẻ sơ sinh mắc thủy đậu phải nhập viện

Nếu mẹ bị mắc thủy đậu trong giai đoạn cho con bú, thì cần phải thường xuyên vệ sinh sạch sẽ bàn tay và đeo khẩu trang để tránh vi khuẩn lây trực tiếp qua giọt bắn như nói chuyện, ho hắt hơi, hay dịch tiết từ nốt phỏng nước.

Đặc biệt, khi phát hiện trẻ dưới 6 tháng tuổi bị mắc thủy đậu, nên cho trẻ đến khám tại các cơ sở y tế gần nhất để trẻ được dùng thuốc kháng vi rút trong khung giờ vàng là 24 - 48 giờ đầu. Nếu dùng thuốc kháng vi rút muộn hơn 24-48 giờ thì phát ban của trẻ dễ bị biến chứng nặng hơn.

Bác sĩ Trang nhấn mạnh: Tiêm chủng vắc xin thủy đậu là biện pháp phòng tránh thủy đậu hiệu quả và lâu dài nhất. Với trẻ em, việc tiêm chủng vắc xin thủy đậu càng quan trọng. Khi tiếp xúc với người đang mắc bệnh thủy đậu, mà người tiếp xúc chưa tiêm vắc xin thủy đậu, thì cần tiêm phòng sớm trong vòng 5 ngày sau đó. Người bệnh cần được cách ly để tránh để lây nhiễm cho những người xung quanh.

Các bác sĩ chuyên khoa cũng khuyến cáo: Thủy đậu có khả năng lây lan cao, lên đến 90% đối với người chưa từng mắc hoặc chưa tiêm vaccine. Để phòng bệnh, người dân cần vệ sinh nhà cửa, nơi làm việc sạch sẽ; sử dụng đồ dùng sinh hoạt riêng; vệ sinh mũi họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý.

Cần cách ly người mắc thủy đậu và tuyệt đối không sử dụng các phương pháp dân gian truyền miệng như đắp lá, tắm lá… vì rất dễ gây nhiễm trùng, bội nhiễm khiến bệnh nặng thêm

Thanh Hằng

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/xuat-hien-tre-so-sinh-mac-thuy-dau-gap-bien-chung-nang-bac-si-dua-ra-khuyen-cao-post176480.html