Xuất hóa đơn khi mua xăng dầu: Bộ Tài chính khẳng định không mất thời gian của người dân

Ngay sau khi có thông tin về việc xuất hóa đơn theo từng lần mua bán xăng dầu, không ít ý kiến đã bày tỏ sự lo lắng về viễn cảnh ách tắc tại các cửa hàng xăng dầu.

Ngày 6/12, chia sẻ với phóng viên, chị Tô Thị Lan Anh (39 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, bản thân không có nhu cầu lấy hóa đơn khi mua bán xăng dầu.

Chị Lan Anh cho biết, là nhân viên văn phòng, mỗi ngày đều di chuyển gần 1 tiếng đồng hồ từ Văn Quán lên Cầu Giấy để làm việc. Do di chuyển vào giờ cao điểm nên rất tắc đường. Cũng vì di chuyển vào giờ cao điểm mà khi tiếp nhiên liệu tại các cửa hàng xăng dầu, chị Lan Anh phải xếp hàng dài mới đến lượt mua xăng.

Do đó, chị Lan Anh cho rằng, bản thân không có nhu cầu với hóa đơn mua bán xăng. "Tôi cho rằng, nhiều người dân cũng không có nhu cầu như tôi vì mỗi lần mua xăng, chi phí chỉ khoảng 100.000 đồng là bình đã đầy xăng. Việc xuất hóa đơn theo từng lần bán hàng vừa tốn thời gian mua xăng của người dân, mà vừa tốn thêm khoản chi phí cho giấy, mực, đường truyền", chị Lan Anh cho hay.

Ngay sau khi có thông tin về việc xuất hóa đơn theo từng lần mua bán xăng dầu, không ít ý kiến đã bày tỏ sự lo lắng về viễn cảnh ách tắc tại các cửa hàng xăng dầu. Ảnh: Bảo Loan

Ngay sau khi có thông tin về việc xuất hóa đơn theo từng lần mua bán xăng dầu, không ít ý kiến đã bày tỏ sự lo lắng về viễn cảnh ách tắc tại các cửa hàng xăng dầu. Ảnh: Bảo Loan

Đồng tình với ý kiến chị Lan Anh, ông Nguyễn Văn Hoan (43 tuổi, ở Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, người điều khiển xe máy sẽ không có nhu cầu về xuất hóa đơn nhưng với người điều khiển hoặc di chuyển bằng ô tô, sẽ hợp lý và thiết thực hơn.

Tuy nhiên, ông Hoan cho rằng, nên xử lý hóa đơn theo phương thức điện tử (không xuất hóa đơn giấy) sẽ tiết kiệm hơn về cả thời gian lẫn chi phí. Như vậy, người mua xăng, dầu vẫn hoàn thành nghĩa vụ thuế trên mỗi hóa đơn mua hàng dù giá trị chỉ vài ngàn đồng đến vài chục ngàn đồng/lần mua.

Nêu quan điểm về vấn đề này, Bộ Tài chính cho rằng, việc cây xăng xuất hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo từng lần bán hàng là bắt buộc kể cả với người không lấy hóa đơn và không làm mất thời gian của người mua.

Đối với khách hàng không lấy hóa đơn, cửa hàng xăng dầu cũng phải lập hóa đơn.

Tuy nhiên, việc xuất HĐĐT đối với trường hợp này là cho khách hàng cá nhân không kinh doanh nên trên hóa đơn không nhất thiết phải có đầy đủ các chỉ tiêu (không cần thông tin người mua).

Việc lập HĐĐT là theo phần mềm, được thực hiện tự động, số lượng HĐĐT đã xuất sẽ được lưu trữ đầy đủ bằng hình thức điện tử (không phải in ra) tại các cửa hàng xăng dầu và đảm bảo có thể tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

Do đó, Bộ Tài chính khẳng định, việc xuất HĐĐT theo từng lần bán hàng không làm mất thời gian của người mua không có nhu cầu lấy hóa đơn.

Theo Bộ Tài chính, việc lập hóa đơn theo từng lần bán hàng đã được thực hiện tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và kết quả ban đầu cho thấy việc phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng cho khách hàng có nhu cầu lấy hóa đơn sẽ nhận được HĐĐT về hộp thư điện tử của mình để có thể tra soát, đối chiếu.

Đối với khách hàng không kinh doanh (không có nhu cầu lấy hóa đơn), hệ thống ứng dụng phát hành HĐĐT của doanh nghiệp tự động xử lý, phát hành hóa đơn và lưu trữ dưới hình thức điện tử và truyền về cơ quan thuế theo bảng tổng hợp dữ liệu HĐĐT từng mặt hàng bán trong ngày.

"Việc phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng được Tập đoàn thực hiện từ ngày 01/7/2023 tại 2.700 cửa hàng thuộc hệ thống và không xảy ra tình trạng ách tắc tại các cửa hàng xăng dầu", báo cáo của Bộ Tài chính nêu.

Giải thích về các căn cứ bắt buộc cửa hàng xăng dầu phải xuất hóa đơn điện tử mỗi lần bán, Bộ Tài chính cho biết, quy định các công ty kinh doanh xăng dầu phải thực hiện phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng đã được quy định cụ thể tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, Nghị định số 80/2023/NĐ-CP của Chính phủ.

Tại điểm c khoản 14 Điều 10 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định: "Đối với hóa đơn điện tử bán xăng đầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh thì không nhất thiết phải có các chỉ tiêu tên hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, số hóa đơn; tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua, chữ ký điện tử của người mua; chữ ký số, chữ ký điện tử của người bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng".

Tại điểm a.1 khoản 3 Điều 22 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về việc chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử đã lập đến cơ quan thuế: "Riêng đối với trường hợp bán xăng dầu cho khách hàng thì người bán tổng hợp dữ liệu tất cả các hóa đơn bán xăng dầu trong ngày theo từng mặt hàng để thể hiện trên bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử và chuyển bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử này ngay trong ngày".

Đầu tháng 12/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký công điện số về tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.

Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo quyết liệt cơ quan thuế các cấp tiếp tục đẩy mạnh và đa dạng hóa các biện pháp, giải pháp tuyên truyền đến người nộp thuế, các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu quy định về phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng tại Nghị định 123/2020 của Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng được yêu cầu chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai ngay các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, quyết liệt yêu cầu các đơn vị kinh doanh xăng dầu lập hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế theo quy định; hoàn thành trong tháng 12/2023.

Đồng thời xây dựng, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin đối với hóa đơn điện tử, đảm bảo việc tiếp nhận, kết nối thông tin hóa đơn điện tử của cơ quan thuế được thông suốt, thuận lợi, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế; hoàn thành chậm nhất trong quý I/2024.

Có nên giữ quỹ bình ổn giá xăng dầu để chống sốc giá thị trường

Bảo Loan

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/xuat-hoa-don-khi-mua-xang-dau-bo-tai-chinh-khang-dinh-khong-mat-thoi-gian-cua-nguoi-dan-172231206170056132.htm