Xuất khẩu 2020 và đích ngắm 300 tỷ USD
Trong năm 2020, rõ ràng tình hình khu vực và thế giới tiếp tục có những biến động khó lường. Đặc biệt là tác động của đại dịch Covid-19 đã khiến cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam chững lại. Để cán mộc 300 tỷ USD, chúng ta cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ nay đến cuối năm.
Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường chủ lực như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản... vẫn tăng trưởng mặc dù chịu sự tác động của đại dịch Covid-19. Cụ thể, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong các tháng đầu năm với kim ngạch đạt 24,6 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 16,3 tỷ USD, tăng 20,1%. Nhật Bản đạt 8,1 tỷ USD, tăng 2,2%. Trong khi đó, các thị trường khác lại giảm mạnh như: EU đạt 12,9 tỷ USD, giảm 12%; thị trường ASEAN đạt 9,4 tỷ USD, giảm 13,4%; Hàn Quốc đạt 7,7 tỷ USD, giảm 0,5%.
Theo Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 5, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 99,36 tỷ USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ tăng 7,1%). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng hai con số, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2019, ước đạt 33,30 tỷ USD.
Dù vậy, kim ngạch của cả ba nhóm ngành quan trọng đều giảm sau gần nửa năm, trong đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến có mức giảm thấp nhất là 1,2% so với cùng kỳ năm 2019; nhóm hàng nông, thủy sản giảm 4,7%; nhiên liệu khoáng sản có mức giảm cao nhất là 31,3%.
Bộ Công Thương nhận định, xuất khẩu hàng hóa không chỉ giảm tốc nữa mà do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và bị nhiều đối tác cắt đơn hàng, xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn. Dù Việt Nam đã kiểm soát tốt Covid-19, tuy nhiên trên thế giới dịch bệnh vẫn đang hết sức phức tạp và chưa được kiểm soát tốt, đặc biệt tại các nước lớn, điều này đã và đang làm ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Theo kết quả khảo sát gần 130.000 doanh nghiệp của Bộ KH&ĐT, về thị trường tiêu thụ và xuất khẩu, có 57,7% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng cho biết thị trường tiêu thụ bị giảm mạnh; 47,2% doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu khẳng định hàng hóa sản xuất ra không xuất khẩu được. Do đó, việc 17 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD sau chặng đường 5 tháng, những chỉ số về tăng trưởng tại các thị trường lớn đã tiếp thêm động lực cho các ngành hàng để vượt qua khó khăn do tác động không mong muốn của dịch bệnh.
Bộ Công Thương khẳng định, với 1,88 tỷ USD xuất siêu sau chặng đường 5 tháng, cao hơn nhiều so với con số thâm hụt 256 triệu USD so với cùng kỳ, nhưng khó khăn, trở ngại với xuất khẩu trong chặng đường sắp tới vẫn còn nặng vai với các ngành hàng. Trong đó, nhiều doanh nghiệp dệt may, thủy sản, da giày xác nhận, đơn hàng mới cho quý 3 và 4 chưa về nhiều, nếu có, giá trị một số đơn hàng mới cũng bị giảm từ 15-30% so với trước.
Ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn trong ngắn hạn. Việt Nam mặc dù đã thành công trong cuộc chiến chống Covid-19, nhưng việc thu hút đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu lại phụ thuộc lớn vào yếu tố bên ngoài. Trong khi đó, dịch Covid-19 trên thế giới vẫn đang có những diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu, quá trình hồi phục sẽ mất nhiều thời gian. Do đó, trong những tháng cuối năm, xuất nhập khẩu của Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục xu hướng hồi phục nhưng kim ngạch vẫn giảm so với cùng kỳ năm 2019 và tác động không nhỏ đến mục tiêu xuất khẩu năm 2020 là đạt 300 tỷ USD.
PGS.TS. Phạm Tất Thắng - Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách (Bộ Công Thương) lạc quan rằng, Việt Nam có nhiều cơ sở để có thể tin tưởng khả năng đạt được mục tiêu xuất khẩu 300 tỷ USD bởi lẽ không phải chỉ có ngành xuất khẩu và những người sản xuất những mặt hàng xuất khẩu cố gắng mà nhìn rộng ra, có thể thấy có sự hỗ trợ đắc lực của các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cho hoạt động xuất khẩu.Sau nhiều năm, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu và GDP trên đầu người đã chạm mốc 3.000 USD/người. Đồng thời, nhờ xuất siêu 11 tỷ USD nên dự trữ ngoại tệ Việt Nam cán mốc 80 tỷ USD. Cùng với đó, hàng loạt hiệp định thương mại tư do đã có hiệu lực cũng góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường lớn như Mỹ, EU...
PGS.TS. Phạm Tất Thắng cho rằng, về năng lực cạnh tranh quốc gia (do Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp hạng), Việt Nam đã đạt mốc cao nhất từ trước tới nay, đạt thứ hạng 61/141 quốc gia xếp hạng. Động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2019 là các mặt hàng công nghiệp chế biến chế tạo chứ không phải khai thác tài nguyên như giai đoạn trước đây. Tất cả những chỉ tiêu đó sẽ hỗ trợ cho xuất khấu và chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng xuất khẩu sẽ cán mốc 300 tỷ USD.
Trong khi đó, theo Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, bên cạnh các yếu tố thuận lợi, Bộ cũng dự báo sẽ có nhiều khó khăn và thách thức. Tình hình thế giới về chính trị, thương mại, đặc biệt là dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Do đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay là cần tiếp tục tạo điều kiện ổn định về vĩ mô và tạo môi trường hòa bình thuận lợi để phục vụ cho hợp tác của Việt Nam với các đối tác, tiếp tục tăng cường phát triển năng lực sản xuất của nền kinh tế cũng như tham gia thương mại quốc tế.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, để hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu, cần bảo đảm cân đối xuất nhập khẩu, đóng góp tích cực cho tăng trưởng; tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA để phát triển thị trường xuất khẩu và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới; đa dạng hóa, hạn chế sự phụ thuộc vào một số thị trường... Đồng thời, kiểm soát có hiệu quả nhập khẩu; chủ động phòng ngừa, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, cảnh báo sớm và giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế, bảo vệ hợp lý các ngành sản xuất trong nước.
Theo dự báo, nếu dịch bệnh được khống chế trong quý II/2020, dự kiến xuất khẩu sẽ tăng trở lại trong nửa cuối năm và tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020 nhờ nhu cầu tiêu thụ trên thế giới tăng trở lại. Bên cạnh đó, trên toàn cầu, nhiều nền kinh tế đã tung các gói kích cầu quy mô lớn trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19 lên nền kinh tế. Đa phần các nước đều tăng cường chi tiêu tài khóa để đối phó với dịch bệnh, duy trì các hoạt động kinh tế thiết yếu và hỗ trợ người lao động.
Tại Việt Nam, Chính phủ và các bộ, ban ngành cũng đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp do tác động của dịch Covid-19. Ngoài ra, theo cam kết của Hiệp định EVFTA, có đến 70% mặt hàng được giảm thuế và EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,7% số dòng thuế. Đây là lợi thế lớn dành cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam để có thể cán mốc 300 tỷ USD như mục tiêu đã đề ra từ đầu năm.