Xuất khẩu 2025: Kỳ vọng từ các thị trường mới

Năm 2025, mục tiêu phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trên 10 - 12% so với năm 2024, cán cân thương mại tiếp tục có xuất siêu ở mức trên 20 tỷ USD... Thị trường xuất khẩu trọng điểm, chiến lược của Việt Nam được dự báo là Mỹ, Nhật Bản và châu Âu.

Dệt may là một trong những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Ảnh: Quang Vinh.

Dệt may là một trong những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Ảnh: Quang Vinh.

Đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng 10 - 12%

Báo cáo Chiến lược đầu tư 2025 của Trung tâm Phân tích - Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt ban hành mới đây nhận định, xuất khẩu kỳ vọng tăng trưởng khoảng 10 - 12% trong năm 2025, thấp hơn mức tăng trưởng 14% của năm 2024. Theo các chuyên gia, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2025 đồng pha với chu kỳ hồi phục của tăng trưởng thương mại toàn cầu nhưng tăng trưởng thấp hơn năm 2024 do mức nền cao của cùng kỳ.

Theo các chuyên gia, đây là con số rất thách thức. Để đạt được kết quả này, trung bình mỗi tháng xuất khẩu phải tăng 4 tỷ USD/tháng so với mức bình quân tháng năm 2024. PGS.TS Nguyễn Thường Lạng - Giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 đã tạo đà rất lớn cho tăng trưởng năm 2025, nên nếu thuận lợi thì khả năng đạt tăng trưởng 12% là khả thi.

Ông Lạng phân tích, đến nay Việt Nam đã ký rất nhiều FTA và đi vào thực thi, mang lại hiệu quả tích cực cho các ngành hàng và doanh nghiệp. Sự bắt nhịp, chủ động, thích ứng với các yêu cầu của thị trường nhập của doanh nghiệp Việt đã minh chứng qua các con số xuất khẩu. Trong năm 2025, nhiều mặt hàng của Việt Nam tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu; hay hiện nay đã có hơn 10.000 sản phẩm OCOP của các địa phương, nếu chúng ta làm chuẩn, đầy đủ, chuyên nghiệp hóa, cộng với các nền tảng thương mại điện tử mà chúng ta đã tạo dựng được thì sự đột phá nằm trong tầm tay.

Cùng với đó, doanh nghiệp Việt cũng đã đẩy mạnh xuất khẩu trực tuyến xuyên biên giới góp phần rất lớn đưa hàng Việt, thương hiệu Việt ra thế giới. Theo đó, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ ngày càng được mở rộng, lợi thế quy mô càng lớn. Do đó, xuất nhập khẩu năm 2025 chắc chắn tốt hơn và cao hơn năm 2024.

Báo cáo Chiến lược đầu tư 2025 của Trung tâm Phân tích - Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt cũng dự đoán các ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ có thị trường chủ lực là Mỹ. Các ngành xuất khẩu quan trọng của khối doanh nghiệp trong nước có thể phục hồi rất tích cực là máy móc, thiết bị, túi xách, gỗ; phục hồi vừa phải là dệt may và thủy sản.

Thị trường Mỹ tiếp tục là thị trường đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu năm 2025 của Việt Nam nhờ triển vọng kinh tế lạc quan hơn các thị trường khác, chi tiêu dùng tăng trưởng ổn định và làn sóng tích lũy hàng hóa nhằm ứng phó với các chính sách thuế quan từ chính quyền Trump 2.0.

Tuy nhiên, xuất khẩu sang Mỹ được dự báo sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn bởi các chính sách phòng vệ thương mại của nước bạn. Xác suất Việt Nam bị áp thuế từ 10 - 20% (dù thấp) vẫn có thể xảy ra vào nửa cuối năm 2025 hoặc năm 2026, theo đó ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng xuất khẩu.

Khó nhưng vẫn có thể đạt được

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam, để đạt mục tiêu này, thời gian tới, ngành da giày vẫn tập trung xuất khẩu sang những thị trường sẵn có và dễ tính như châu Phi, châu Á để có được tệp khách hàng phù hợp và tăng doanh thu. Sau đó từng bước ứng dụng tiêu chuẩn cao hơn như sản xuất xanh, sản phẩm xanh để chinh phục những thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu, Mỹ… Các doanh nghiệp cũng bước đầu tiếp cận các trang thương mại điện tử lớn như: Alibaba, Amazon… nhằm mở thêm kênh tiêu thụ. Hiện, một số doanh nghiệp lớn đã ký được hợp đồng đến giữa năm 2025.

Ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán Thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, với mức độ thâm hụt thương mại đứng thứ 3 trong tổng số đối tác của Hoa Kỳ, Việt Nam đứng trước nguy cơ có thể phải chịu mức thuế tương tự Trung Quốc ở giai đoạn đầu (15%) và có thể tăng dần nếu tình hình thâm hụt thương mại không được cải thiện cũng như những thỏa thuận của Việt Nam với Hoa Kỳ không được thực thi. Điều đáng lo ngại là sẽ áp dụng với toàn bộ hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, không phải chỉ riêng hàng hóa có liên quan đến Trung Quốc (đầu tư, nguyên liệu, nhân công…). Do đó, nhiệm vụ trước mắt là cần lưu tâm giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại, dù cơ bản điều này thể hiện cơ cấu ngoại thương mỗi nước mang tính bổ trợ và không cạnh tranh trực tiếp.

Về phía các ngành hàng, bà Lê Hằng - Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) khuyến cáo, các sản phẩm thủy sản xuất khẩu phải tuân thủ đầy đủ các quy định của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA)) bao gồm các tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, các doanh nghiệp cần bảo đảm các tiêu chuẩn về sản xuất bền vững và kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt từ khâu nuôi trồng đến chế biến để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường Hoa Kỳ.

Ông Nguyễn Bá Hùng - chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam:

Trước xu hướng hạ nhiệt của thị trường, triển vọng tăng trưởng xuất khẩu tốt có thể khó duy trì trong năm 2025. Điểm tựa cho thương mại tăng trưởng trong năm nay là các doanh nghiệp, ngành hàng cần bám chắc các đối tác nhập khẩu lớn tại các thị trường chủ lực như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, ASEAN... để đẩy mạnh xuất khẩu. Bởi nhu cầu tiêu dùng tại thị trường tỷ dân vẫn tăng trưởng, bất chấp các quy định, tiêu chuẩn về hàng hóa nhập khẩu ngày càng cao hơn, nhưng đáp ứng được sẽ là con đường để các ngành hàng, nhất là nông sản Việt tăng trưởng bền vững.

T.Q

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/xuat-khau-2025-ky-vong-tu-cac-thi-truong-moi-10297799.html