Xuất khẩu cá ngừ gặp khó bởi 'bài toán' nguyên liệu

Thời gian qua, xuất khẩu cá ngừ đóng vai trò quan trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu cá ngừ phục vụ chế biến xuất khẩu trong nước lại thấp.

Xuất khẩu cá ngừ tăng mạnh

Tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm 2024 đạt 4,385 triệu tấn, tăng 2,7% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó, sản lượng thủy sản khai thác 1,953 triệu tấn; nuôi trồng thủy sản 2,431 triệu tấn. Tuy nhiên ngành thủy sản còn đối mặt nhiều khó khăn thách thức.

Cá ngừ đóng vai trò quan trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam

Cá ngừ đóng vai trò quan trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam

Theo số liệu trên báo Nhân Dân xuất khẩu cá ngừ đóng vai trò quan trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam, mỗi năm mang về trung bình hơn 800 triệu USD. Tuy nhiên, thời gian qua, nguồn nguyên liệu cá ngừ phục vụ chế biến xuất khẩu trong nước lại rất thấp, chỉ chiếm từ 30% đến 40% nhu cầu của các doanh nghiệp. Số lượng còn lại, các doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu từ các nước khác để phục vụ chế biến.

Đáng chú ý theo thống kê của Hải quan Việt Nam, tính đến hết tháng 7/2024, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ ước đạt hơn 550 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023. Tất cả các nhóm mặt hàng cá ngừ xuất khẩu đều tăng trong thời gian này; trong đó, cá ngừ đông lạnh có chiều hướng tăng giá trị, đạt mức cao nhất từ đầu năm đến nay với hơn 44 triệu USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước, có xu hướng tiếp tục tăng trong thời gian từ nay đến cuối năm.

Trong khi đó, các sản phẩm cá ngừ đóng hộp lại giảm 11%, ước đạt gần 20 triệu USD - bà Nguyễn Thị Vân Hà, chuyên gia thị trường cá ngừ, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thông tin.

Cần gỡ "nút thắt" nguyên liệu

Nghị định số 37/2024/NĐ-CP được Chính phủ ban hành trong tháng 4 vừa qua để hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản, có quy định về kích thước tối thiểu được phép khai thác của các loài thủy sản sống trong vùng nước tự nhiên, trong đó có loài cá ngừ vằn, nguyên liệu chủ lực của ngành chế biến và xuất khẩu cá ngừ đóng hộp. Quy định này nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, nhiều ngư dân và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá ngừ bày tỏ sự băn khoăn về quy định kích thước cá ngừ vằn trong khai thác và cho rằng cần có lộ trình để thực hiện.

Theo nghị định, kể từ ngày 19/5, cá ngừ vằn được phép khai thác phải có chiều dài tối thiểu là 500 mm. Nếu dưới kích cỡ này thì các doanh nghiệp sẽ không được thu mua để chế biến xuất khẩu. Quy định nhằm bảo vệ nguồn lợi cá ngừ, tránh khai thác cá ngừ ở kích thước nhỏ.

Trong thực tế khai thác ở nước ta, số lượng cá ngừ vằn đạt được kích cỡ từ 500 mm trở lên thường chỉ chiếm khoảng 10 đến 20% mẻ lưới. Sản lượng khai thác cá ngừ vằn mỗi năm của nước ta là khoảng 60 nghìn tấn. Trong khi sản lượng khai thác cho phép là 200 nghìn tấn.

Cá ngừ vằn là nguyên liệu chủ lực để chế biến, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp. Năm 2023, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp chiếm đến 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ 800 triệu USD. Các doanh nghiệp cho rằng, việc tuân thủ quy định mới về kích cỡ cá ngừ vằn có thể kéo theo việc không đủ nguồn cung nguyên liệu để chế biến, xuất khẩu.

Theo đề xuất của Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, trước mắt nên xem xét kích cỡ cho phép khai thác đối với cá ngừ vằn cái là 380mm và cá đực là 387mm. Bởi theo nghiên cứu, với kích cỡ này cá ngừ vằn đã sinh sản. Bên cạnh đó, cá ngừ vằn là loài cá di cư có trữ lượng lớn, cho nên các quốc gia và những tổ chức quản lý nghề cá thường áp dụng hạn ngạch khai thác, chứ không quản lý kích thước khai thác.

Lãnh đạo VASEP cho rằng, tiềm năng và dư địa cho ngành cá ngừ Việt Nam còn lớn hơn nhiều nếu toàn ngành nỗ lực vượt qua những thách thức nội tại, giải quyết được những khó khăn với sự quan tâm và hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước. Các doanh nghiệp xuất khẩu kỳ vọng năm 2024, cá ngừ Việt Nam sẽ có cơ hội quay lại mốc một tỷ USD nếu những bất cập về vấn đề nguyên liệu được tháo gỡ.

Xuất khẩu thủy sản đang ghi nhận tín hiệu khả quan

Thông tin từ Bộ NN&PTNT, 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 4,4 tỷ USD, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2023. Hầu hết các mặt hàng chủ lực đều tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ. Đơn cử như: tôm đạt hơn 1,6 tỷ USD, tăng 7% cá tra đạt 922 triệu USD, tăng gần 6%; cá ngừ đạt 477 triệu USD, tăng 25%.

Điều đáng mừng là xuất khẩu thủy sản đang ghi nhận tín hiệu khả quan khi bước sang đầu quý III/2024 khi nhiều đơn hàng được ký kết và đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường khó tính. Trong đó, top 3 thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam vẫn là thị trường Mỹ (đạt 733 triệu USD, tăng 9%), tiếp đến là Trung Quốc (đạt 766 triệu USD, tăng 7%), EU (đạt 513 triệu USD, tăng 12%).

Theo Kinh tế & Đô thị phân tích về những nguyên nhân giúp xuất khẩu thủy sản tăng trưởng tích cực, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Thị Thu Sắc cho biết: trước những khó khăn và thách thức do suy giảm kinh tế thế giới, nhiều DN thủy sản đã kịp thời điều chỉnh chiến lược sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ, EU. Đặc biệt, doanh nghiệp chú trọng nguồn nguyên liệu đầu vào, nâng cao năng lực sản xuất tạo ra sản phẩm xuất khẩu chất lượng với tính cạnh tranh cao, đảm bảo đạt các tiêu chuẩn khá khắt khe khi xuất vào thị trường Mỹ và EU.

Trúc Chi (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/xuat-khau-ca-ngu-gap-kho-boi-bai-toan-nguyen-lieu-204240730201645546.htm