Xuất khẩu cá tra của Navico sẽ tăng trở lại nhờ kinh tế Trung Quốc phục hồi
Nền kinh tế Trung Quốc phục hồi sẽ góp phần đưa sản lượng xuất khẩu cá tra của CTCP Nam Việt (Navico, HoSE: ANV) trong năm 2023 tăng trưởng trở lại, đồng thời bù đắp sự suy giảm từ các thị trường xuất khẩu khác của doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ngày 17/3, trong 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cá tra của Việt Nam sụt giảm cả về giá trị và khối lượng, với mức giảm lần lượt là 48% và 35% so với cùng kỳ năm trước. Mức giảm này chủ yếu do nhu cầu giảm đột ngột tại các thị trường, đặc biệt là Mỹ. Giá bán trung bình giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022 và giảm 50% so với mức đỉnh lập trong quý 2/2022.
Trong bối cảnh trên, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu lại không ghi nhận sự đồng đều bất chấp xu hướng giảm chung.
VDSC dẫn thông tin từ báo cáo của AgroMonitor, những doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ như Vĩnh Hoàn và Biển Đông có giá trị xuất khẩu giảm nhiều nhất trong 2 tháng đầu năm, với lần lượt là -48% và -75% so với cùng kỳ năm 2022.
Ngược lại, các công ty có thị phần phân phối lớn tại Trung Quốc như Navico, IDI, Gò Đàng có thể tận dụng sự phục hồi của thị trường này để giảm thiểu tác động, giúp giá trị xuất khẩu giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
Theo VDSC, sự phục hồi của thị trường Trung Quốc sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp đã và đang xuất khẩu vào thị trường này. Trong đó, Navico là một trong số ít các công ty xuất khẩu niêm yết có khả năng hưởng lợi đáng kể từ sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc.
Dự kiến, nhu cầu đặt hàng tại thị trường Trung Quốc sẽ giúp sản lượng xuất khẩu cá tra của ANV tăng trưởng trở lại, qua đó bù đắp cho xu hướng sụt giảm tại các thị trường khác.
Tuy nhiên, giá xuất khẩu dự báo sẽ chỉ phục hồi nhẹ từ đáy và có khả năng duy trì ở mức thấp hơn so với giá xuất khẩu trung bình của năm 2022.
Nhìn chung, doanh thu xuất khẩu của ANV sẽ không thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái trong khi tỷ suất lợi nhuận gộp dự kiến sẽ giảm, theo VDSC.
Giá cước giảm dự kiến sẽ tác động tích cực đến chi phí vận chuyển của Navico khi đây vốn là yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của doanh nghiệp năm 2022. Tuy nhiên, nỗ lực tiết giảm chi phí vận chuyển có thể biến mất khi chi phí tài chính của doanh nghiệp ở mức cao hơn.
Theo VDSC, lợi nhuận của ANV năm 2023 dù tốt hơn so với tình hình chung của ngành, tuy nhiên vẫn sẽ khó đạt được mức tăng trưởng dương do mức nền cao được ghi nhận cùng kỳ năm 2022.
Trong khi đó, tại báo cáo đầu tháng 3 của công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), hiện Navico đang chiếm 15% giá trị xuất khẩu cá tra từ Việt Nam vào Trung Quốc.
Giá bán tại thị trường Trung Quốc vẫn đang tương đối ổn định, nhu cầu của thị trường này vẫn còn cao do mới mở cửa sau đợt giãn cách Covid kéo dài, Navico dự định sẽ mở rộng tập khách hàng để đẩy mạnh các đơn hàng tại thị trường này. Sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trưởng khoảng 45% trong năm 2023 và là động lực tăng trưởng chính cho ANV.
VBSC dự báo, năm 2023 Navico sẽ thu về 4.612 tỷ đồng doanh thu thuần và 619 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm lần lượt 5,8% và 8,1% so với năm 2022.
CTCP Nam Việt (Navico) có tiền thân là công ty TNHH Nam Việt được thành lập vào năm 1993, hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản và sản xuất thức ăn thủy sản. Nam Việt chính thức được cổ phần hóa năm 2006 và niêm yết trên sàn HoSE năm 2007. Sản phẩm của công ty đã có mặt trên 100 quốc gia trên thế giới như Brazil, Mexico, Nga, EU, Trung quốc, Úc. Nam Việt hiện đang sở hữu vận hành 04 nhà máy chế biến thủy sản với tổng công suất 1.050 tấn nguyên vật liệu/ngày.