Xuất khẩu cá tra tăng mạnh, cơ hội mới cho doanh nghiệp cạnh tranh toàn cầu

Xuất khẩu cá tra 8 tháng đầu năm đạt 1,3 tỷ USD, tăng 9%, tạo tín hiệu lạc quan từ Mỹ, EU, CPTPP, mở ra cơ hội mới cho doanh nghiệp trong cạnh tranh toàn cầu và khẳng định vị thế Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 8 tháng đầu năm, ngành xuất khẩu cá tra giá trị gia tăng (GTGT) đã có bước phát triển đáng kể.

Đặc biệt, tổng giá trị xuất khẩu trong tháng 8 đạt gần 191 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, đưa lũy kế xuất khẩu 8 tháng lên gần 1,3 tỷ USD, tăng 9%. Sản phẩm cá tra GTGT ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc, với gần 6 triệu USD trong tháng 8, tăng 75% và lũy kế 27 triệu USD trong 8 tháng, tăng 38%.

Trong đó, Mỹ, CPTPP và Hà Lan là những thị trường chủ lực của cá tra GTGT Việt Nam trong giai đoạn này. Đặc biệt, xuất khẩu sang các quốc gia thuộc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đạt hơn 8 triệu USD, tăng 31%, trong đó Australia là thị trường tiêu thụ lớn nhất.

Tại thị trường Mỹ, cá tra GTGT trở thành mặt hàng ngày càng được ưa chuộng, với xuất khẩu trong tháng 8/2024 đạt gần 3 triệu USD, tăng gấp 15 lần so với tháng 8/2023.

Tổng giá trị xuất khẩu sang Mỹ trong 8 tháng đầu năm 2024 đạt gần 6 triệu USD, tăng gấp 14 lần so với cùng kỳ.

Điều này cho thấy xu hướng gia tăng mạnh mẽ của người tiêu dùng Mỹ đối với các sản phẩm cá thịt trắng, đặc biệt trong bối cảnh các nguồn cung từ thị trường khác đang bị thu hẹp.

Bước nhảy vọt trong xuất khẩu giá trị gia tăng của cá tra Việt Nam. Ảnh minh họa

Bước nhảy vọt trong xuất khẩu giá trị gia tăng của cá tra Việt Nam. Ảnh minh họa

Phân tích sâu hơn ở thị trường Mỹ, VASEP cho hay Mỹ vẫn tiếp tục có nhu cầu mua các loài cá thịt trắng theo các chương trình mời thầu của Bộ Nông nghiệp nước này. Ngày 29/8/2024, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã công bố rằng họ sẽ mua thêm thủy sản, lần này là cá tuyết Thái Bình Dương, còn gọi là cá tuyết, phi lê cá mú và các sản phẩm từ cá da trơn.

Thái Lan giữ vị trí thứ ba trong danh sách các quốc gia nhập khẩu cá tra GTGT từ Việt Nam, với tổng giá trị đạt hơn 4 triệu USD trong 8 tháng đầu năm, tăng nhẹ 1%. Mặc dù thị trường này có biến động khi không nhập khẩu trong tháng 5, Thái Lan vẫn là một trong những thị trường ổn định cho

Tại thị trường Anh, mặc dù giảm 1% trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra GTGT vẫn đạt gần 4 triệu USD, giữ vị trí thứ tư. Đáng chú ý, Hà Lan tiếp tục là thị trường lớn nhất trong khối EU, chiếm 86% giá trị xuất khẩu, đạt hơn 2 triệu USD, tăng 29%.

Trung Quốc và Hồng Kông cũng đang dần nổi lên như những thị trường tiềm năng, với mức tăng trưởng gấp ba lần trong tháng 8/2024 so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù giá trị xuất khẩu vẫn còn khiêm tốn, tiềm năng tại các thị trường này được đánh giá cao do nhu cầu ngày càng lớn đối với cá tra GTGT.

Các sản phẩm cá tra GTGT như cá tra tẩm bột chiên, snack da cá tra chiên giòn và chả cá basa đang được các thị trường quốc tế ưa chuộng. Những sản phẩm này không chỉ đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng mà còn mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam.

Theo bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), để duy trì đà phát triển, các doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm và nghiên cứu thị trường quốc tế. Tham gia các triển lãm thương mại và thúc đẩy các chiến lược marketing hiện đại sẽ giúp ngành cá tra Việt Nam khẳng định vị thế toàn cầu.

Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cá tra lớn nhất thế giới, với sản phẩm được ưa chuộng tại nhiều thị trường quốc tế, hương vị thơm ngon, giá cả cạnh tranh. Tuy nhiên, xuất khẩu cá tra cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức khách quan: xung đột chính trị, căng thẳng thương mại, xung đột Nga – Ukraine, thuế chống bán phá giá của Mỹ; biến đổi khí hậu, dịch bệnh, gia tăng chi phí vận tải, hay những rào cản trong ứng dụng khoa học công nghệ và ứng dụng số, theo VnEconomy.

Việc Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường cũng là một yếu tố thuận lợi, giúp các doanh nghiệp thủy sản đối phó tốt hơn với các đợt kiểm tra thuế chống bán phá giá. Ngoài ra, các doanh nghiệp nên tận dụng các hiệp định thương mại tự do như EVFTA để mở rộng sự hiện diện tại châu Âu.

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa xác định nhiều nhà xuất khẩu philê cá tra từ Việt Nam không có hành vi bán phá giá sản phẩm vào thị trường Mỹ. Đây là tin vui nhất sau 20 năm vướng vụ kiện bán phá giá cá tra tại Mỹ, mở ra cơ hội tốt cho thị trường xuất khẩu khó tính này.

Nhiều dự báo cho thấy, nhu cầu tiêu thụ thủy sản nói chung và cá tra nói riêng của thị trường Hoa Kỳ sẽ tăng lên trong dịp cuối năm khi vào mùa lễ hội. Đồng thời với những kết quả khả quan trong POR19 và đợt thanh tra mới đây của FSIS sẽ tạo tâm lý tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Hoa Kỳ trong những tháng cuối năm.

VASEP dự báo xuất khẩu cá tra nửa cuối năm sẽ ước đạt hơn 1 tỷ USD, và lũy kế cả năm 2024 ước đạt 2 tỷ USD, tăng gần 9% so với năm 2024.

Tăng trưởng xuất khẩu cá tra GTGT của Việt Nam trong năm 2024 không chỉ phản ánh sự phát triển bền vững của ngành thủy sản mà còn tạo ra nhiều cơ hội mới trên thị trường quốc tế. Với sự đầu tư vào chất lượng và chiến lược phát triển bền vững, cá tra GTGT Việt Nam đang mở ra cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt trong cạnh tranh toàn cầu và khẳng định vị thế trên bản đồ xuất khẩu thế giới.

KHÁNH LINH (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/xuat-khau-ca-tra-tang-manh-co-hoi-moi-cho-doanh-nghiep-canh-tranh-toan-cau-204240918170224858.htm