Nam Việt, Vĩnh Hoàn và nhiều doanh nghiệp cá tra nhận 'tin vui' từ thị trường Mỹ
Nhiều doanh nghiệp cá tra lớn của Việt Nam như Vĩnh Hoàn, Biển Đông, Nam Việt… được xác định không có hành vi bán phá giá sản phẩm vào thị trường Hoa Kỳ. Do đó, họ sẽ không phải chịu bất kỳ khoản thuế chống bán phá giá nào.
Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep), Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã tiến hành điều tra hành chính xem xét lại lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với cá tra phile đông lạnh của Việt Nam cho giai đoạn xem xét từ ngày 1/8/2022 tới ngày 31/7/2023 (POR20). Theo đó, DOC xác định kết quả sơ bộ là trong POR20 này, nhiều nhà xuất khẩu phi lê cá tra từ Việt Nam, bao gồm Biển Đông và Vĩnh Hoàn, không có hành vi bán phá giá sản phẩm vào thị trường Hoa Kỳ. Do đó, họ sẽ không phải chịu bất kỳ khoản thuế chống bán phá giá nào.
Có 8 công ty xuất khẩu cá tra Việt Nam đủ điều kiện hưởng mức thuế riêng này.
Do Hoa Kỳ coi Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế phi thị trường, nên DOC sử dụng các giá trị thay thế của quốc gia thứ ba để tính toán biên độ phá giá cho Việt Nam.
Trong đợt rà soát này, DOC lựa chọn Indonesia là quốc gia thay thế để tính biên độ phá giá cá tra do DOC cho rằng: Indonesia có kinh tế tương đồng với Việt Nam; Indonesia sản xuất đáng kể hàng hóa tương tự với hàng hóa bị điều tra trong giai đoạn rà soát và quốc gia này cung cấp số liệu có thể sử dụng và đáng tin cậy giúp DOC đánh giá các yếu tố sản xuất của Việt Nam.
DOC sẽ thông báo kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá 120 ngày kể từ ngày công bố kết quả sơ bộ.
Ở cuộc rà soát trước đó (POR19), một số doanh nghiệp như Vĩnh Hoàn và CASEAMEX đã được hưởng mức thuế rất thấp, lần lượt là 0 USD và 0,14 USD/kg, trong khi các doanh nghiệp khác bị áp mức thuế 0,14 USD/kg.
Kết quả sơ bộ thuế CBPG cá tra phile của Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ trong POR20 (1/8/2022 - 31/7/2023)
Tin vui này được công bố trong bối cảnh xuất khẩu cá tra của Việt Nam đang có nhiều khởi sắc. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tháng 8, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang các thị trường đạt 191 triệu USD, tăng 12% so với tháng 8/2023. Lũy kế 8 tháng đầu năm nay đạt gần 1,3 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về thị trường tiêu thụ, một số thị trường tiếp tục ghi nhận tăng trưởng dương 2 con số như Hoa Kỳ, CPTPP, Brazil, Thái Lan, Colombia,...Trung Quốc & HK vẫn ghi nhận là thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá tra Việt Nam trong tháng 8, đạt hơn 57 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2023. Tính đến hết tháng 8, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 370 triệu USD, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường Hoa Kỳ trong tháng 8 đạt hơn 35 triệu USD, tăng 40%. Lũy kế 8 tháng đạt 226 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự hồi phục của thị trường này được cho là đòn bẩy cho sự tăng trưởng xuất khẩu cá tra, nhất là trong bối cảnh nhập khẩu từ Trung Quốc không mấy lạc quan. Thông qua các chương trình mời thầu của Bộ Nông nghiệp nước này, dự kiến quốc gia này vẫn tiếp tục có nhu cầu mua các loài cá thịt trắng. Cụ thể, ngày 29/8, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã công bố sẽ mua thêm cá tuyết Thái Bình Dương, còn gọi là cá tuyết, phi lê cá mú và các sản phẩm từ cá da trơn. USDA cho biết đã trả 6,5 triệu USD cho 1,5 triệu pound cá da trơn.