Xuất khẩu cá tra vào thị trường Trung Quốc 'phục hồi'
Đó là khẳng định của Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Việt Doãn Tới khi đề cập đến tình hình xuất khẩu cá tra vào các thị trường trên thế giới, trong đó có thị trường Trung Quốc.
Tập đoàn Nam Việt động thổ Dự án nuôi cá tra 600ha tại huyện Châu Phú để xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc
Chính sách nới lỏng
Theo ông Tới, xuất khẩu cá tra vào thị trường Trung Quốc phục hồi là tin vui, khi tình hình xuất khẩu cá tra của cả nước từ đầu năm đến nay gặp khó khăn ở nhiều thị trường khác nhau. Nếu trước đây, thị trường Hoa Kỳ được xếp hàng đầu trong việc nhập khẩu cá tra Việt Nam thì 9 tháng của năm 2019, kim ngạch xuất khẩu cá tra vào thị trường này giảm đến 40%, đạt 221 triệu USD. Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do thuế chống bán phá giá trong lần xem xét hành chính (POR14) mới đây ở mức cao, mặc dù thị trường này có đến 62 doanh nghiệp cá tra đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào Hoa Kỳ.
Khác với thị trường Hoa Kỳ, thị trường Trung Quốc gặp khó khăn ngay từ những ngày đầu năm 2019. Nguyên nhân do Trung Quốc siết chặt chính sách biên mậu, gia tăng biện pháp kỹ thuật để kiểm tra chất lượng sản phẩm thông qua biện pháp kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhiều người cho rằng, Trung Quốc là thị trường dễ tính, song qua đợt kiểm soát này cho thấy, đây không phải là thị trường dễ tính như mọi người “lầm tưởng”. Bởi, ưu điểm của thị trường này là nhập khẩu sản lượng lớn, thanh toán linh hoạt, nhập khẩu nhiều mặt hàng khác nhau, từ cá tra fillet, xẻ bướm đến cắt khúc. Trước khó khăn trong xuất khẩu cá tra vào thị trường Trung Quốc, ngay trong tháng 4 và 5-2019, cơ quan chức năng của 2 nước đã tăng cường đối thoại, tìm kiếm các biện pháp để phía Trung Quốc mở cửa biên giới, nới lỏng chính sách để xuất khẩu cá tra vào thị trường này “phục hồi”. Sau nhiều nỗ lực, từ tháng 6-2019 đến nay, xuất khẩu cá tra vào thị trường Trung Quốc bắt đầu tăng trở lại.
Theo ông Tới, có 2 nguyên nhân chính giúp thị trường này sớm “phục hồi”, đó là: từ lâu người tiêu dùng Trung Quốc đã chấp nhận sản phẩm cá tra của Việt Nam, bởi mặt hàng thủy sản nước ngọt này vừa rẻ lại vừa ngon. Tại các nhà hàng lớn ở Trung Quốc, cá tra xẻ bướm, fillet, cắt khúc được các đầu bếp chế biến hơn 30 món ăn các loại để phục vụ thực khách. Nguyên nhân thứ 2, sau khi đàm phán giữa cơ quan chức năng 2 nước, Trung Quốc đã nới lỏng chính sách kiểm soát hàng hóa qua biên giới, chấp nhận miễn thuế cho 33 mặt hàng thủy sản Việt Nam, trong đó có cá tra được xuất vào thị trường nội địa nước này.
Chú trọng chất lượng
Tính từ đầu năm đến cuối tháng 7-2019, thị trường Trung Quốc, Hồng Kông là những thị trường có kim ngạch xuất khẩu cá tra đứng đầu thế giới, đạt 283,7 triệu USD, chiếm 27,2% thị phần, tăng 4,9% so cùng kỳ 2018. Ngay khi Trung Quốc miễn thuế cho 33 mặt hàng thủy sản vào thị trường này (trong đó có mặt hàng cá tra), cơ quan chức năng của nước này đã tăng cường các biện pháp để kiểm soát chất lượng thủy sản. Cụ thể, sản phẩm xuất khẩu phải đáp ứng đủ 2 điều kiện. Một là, phải được sản xuất tại cơ sở có tên trong danh sách được phép xuất khẩu do Nafiqad công nhận. Hai là, từng lô hàng thủy sản khi xuất khẩu phải kèm theo chứng thư an toàn thực phẩm do Nafiqad cấp. 3 tháng, Nafiqad và Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ cập nhật và thông báo định kỳ cho nhau để xem xét và công nhận danh sách các cơ sở sản xuất chế biến thủy sản xuất khẩu. Phía Trung Quốc sẽ cập nhật danh sách này lên website của họ để hải quan cửa khẩu căn cứ vào đó cho thông quan. Thủy sản nhập khẩu vào Trung Quốc phải có chứng nhận kiểm dịch, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), bao bì đóng gói phải có tiếng Trung Quốc và tiếng Anh, phù hợp với tiêu chuẩn đóng gói của Trung Quốc...
Xuất khẩu cá tra vào thị trường Trung Quốc “phục hồi” đã kéo theo sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng lên. Song, do công tác quản lý có những hạn chế nên ngành hàng này vẫn “chìm” trong khó khăn. Hiện nay, các ngành chức năng vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu trong kiểm soát diện tích, sản lượng nuôi hàng năm nên ngành hàng này vẫn chưa có bước đi vững chắc.
“Sản lượng cá tra xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc tăng trở lại nhưng vì sao giá cá tra nội địa không tăng? Bởi sản lượng nuôi của năm 2019 quá nhiều trong khi thị trường Mỹ từ đầu năm đến nay sụt giảm đến 40% kim ngạch xuất khẩu. 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cá tra vào thị trường Trung Quốc sụt giảm nghiêm trọng và thị trường này mới phục hồi từ tháng 6 đến nay” - ông Doãn Tới phân tích.