Xuất khẩu cao su bền vững, hợp pháp: Cần thay đổi trong nhận thức của các bên tham gia chuỗi cung
Nhằm đánh giá và đề xuất những biện pháp hướng tới xây dựng chuỗi cung ứng cao su tiểu điền bền vững, đáp ứng các yêu cầu về tính hợp pháp và bền vững của thị trường xuất khẩu trong tương lai, ngày 27/4, Hiệp hội Cao su Việt Nam, Tổ chức Forest Trends và Viện Nghiên cứu Cao su phối hợp tổ chức hội thảo 'Liên kết tiêu thụ sản phẩm cao su tiểu điền: Thực trạng và ý nghĩa đối với sản xuất cao su bền vững tại Việt Nam'.
Liên kết cao su tiểu điền trong chuỗi cung còn hạn chế
Ông Trần Ngọc Thuận - Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) - cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 926.000 ha cao su, bao gồm cả đại điền (chủ yếu là các công ty Nhà nước) và tiểu điền. Cao su tiểu điền, bao gồm cao su thiên nhiên và gỗ, với diện tích 479.000 ha, chiếm 51% tổng diện tích cao su cả nước.
Đặc biệt, có khoảng 426.000 ha cao su tiểu điền đang trong giai đoạn cạo mủ, với lượng cung mủ trên 732.000 tấn mủ quy khô mỗi năm. Lượng cung này chiếm gần 62% tổng lượng mủ được khai thác trên toàn diện tích cao su cả nước. Cùng với đó, nguồn gỗ cao su từ các vườn cao su tiểu điền thanh lý cũng ở mức 1,3 triệu m3 quy tròn, tương đương 22% tổng lượng cung gỗ cao su toàn quốc. Chính vì vậy, cao su tiểu điền có vị trí ngày càng quan trọng trong chuỗi cung cao su của Việt Nam.
Các chuyên gia tại hội thảo nhìn nhận, mặc dù có vai trò ngày càng lớn đối với các chuỗi cung cao su thiên nhiên và gỗ cao su, nhưng thông tin về chuỗi cung nói chung, đặc biệt là các mối liên kết tiêu thụ cao su thiên nhiên và gỗ cao su tiểu điền với các cá nhân, tổ chức tiếp theo trong chuỗi cung hiện còn đang rất thiếu.
Đặc biệt, thông tin về cách thức vận hành của các liên kêt, hình thức tổ chức mạng lưới thu mua, giá cả và cách thức xác định giá cả, chất lượng và cơ chế kiêm soát sản phẩm, hình thức thỏa thuận mua bán, vấn đề cạnh tranh trong thu mua giữa các bên, vai trò của chính quyền địa phương, cơ chế chính sách có liên quan tới vận hành của liên kết... đến nay rất hạn chế. Ngoài ra, hiện chưa có các thông tin về vai trò thuận lợi và khó khăn của các bên khi tham gia liên kết này.
Đồng quan điểm, TS. Trần Thị Thúy Hoa - Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam cho biết, cao su tiểu điền đã trở thành một trong những hợp phần quan trọng nhất của ngành cao su hiện nay. Đặc biệt trong khâu sản xuất cao su thiên nhiên, cao su tiểu điền với lượng cung chiếm trên 60% trong tổng lượng cung cao su thiên nhiên của cả nước, song đến nay phát triển cao su tiểu điền vẫn chủ yếu do tự phát. Mặc dù nhà nước và một số dự án, tổ chức đã và đang thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển cao su tiểu điền, nhưng quy mô của các hoạt động này thường nhỏ, không đủ để đem lại những lợi ích thiết thực cho số đông các hộ tiểu điền.
Với vai trò quan trọng của các hộ tiểu điền trong chuỗi cung cao su thiên nhiên hiện nay, các hộ tiểu điền chưa nhận được sự quan tâm đúng mức từ các cơ quan quản lý và các hoạt động hỗ trợ. Đến nay, các hộ vẫn chưa được nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan và đúng mức, đồng thời vẫn còn thiếu một cơ quan đại diện cho các hộ tiểu điền.
Các hộ tiểu điền hiện kết nối với thị trường cho các sản phẩm đầu ra của mình chủ yếu qua hệ thống các đại lý. Đến nay, liên kết giữa các hộ tiểu điền và các đại lý thu mua nguyên liệu từ hộ thường là phi chính thức, với các đại lý thường có vị thế "tay trên" trong liên kết này. Mặt khác, để tăng phần lợi ích cho mình, một số đại lý áp dụng các biện pháp gây bất lợi về giá cả cho các hộ sản xuất. Đây là các khía cạnh thể hiện tính không bền vững trong liên kết hiện nay... Qua đó, làm phát sinh các chi phí gây bất lợi cho giá bán của các hộ, đồng thời làm cho việc thu thập, lưu trữ thông tin làm cơ sở cho truy xuất nguồn gốc thông tin khó khăn hơn.
Cần thay đổi trong nhận thức của các bên tham gia chuỗi cung
Theo các VRA, năm 2020, giá trị xuất khẩu của toàn ngành cao su đạt gần 7,9 tỷ USD, trong đó xuất khẩu cao su thiên nhiên đạt trên 2,38 tỷ USD, các mặt hàng từ gỗ cao su đạt 2,36 tỷ USD và nhóm sản phẩm cao su đạt trên 3,11 tỷ USD.
Hiện các hộ tiểu điền đang trực tiếp cung cấp mủ và gỗ cao su cho các chuỗi cung toàn cầu này cần tuân thủ các yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, chuỗi cung cao su có sự tham gia của các hộ tiểu điền hiện nay tương đối phức tạp và điều này có ý nghĩa quan trọng tới nỗ lực hướng tới sản xuất cao su bền vững tại Việt Nam trong tương lai. Hiện nguồn cung đầu vào cho các cơ sở chế biến, đặc biệt là các cơ sở tư nhân được đảm nhận bơỉ̉ hệ thống các đại lý.
Đặc biệt, hệ thống đại lý đa dạng, bao gồm nhiều kênh, hoạt động ở các vùng địa lý và phương thức mua bán khác nhau, làm cầu nổi trung gian giữa các nhà máy chế biến và các hộ sản xuất. Do đó, việc thu thập và lưu trữ thông tin về sản phẩm từ hộ sản xuất tới các nhà máy chế biến, thông qua mạng lưới đại lý thu mua, hầu như chưa hình thành.
Hiện ngành cao su đã và đang hội nhập sâu rộng với thị trường quốc tế. Hội nhập đồng nghĩa với bên tham gia chuỗi cung ứng, bao gồm các hộ tiểu điền hiện đang trực tiếp cung cấp mủ và gỗ cao su cho các chuỗi cung toàn cầu này cần tuân thủ các yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Ngày càng có nhiều thị trường yêu cầu các sản phẩm từ mủ và gỗ cao su được sản xuất theo phương thức bền vững, có nguồn gốc rõ ràng và hợp pháp.
Thiếu các thông tin từ các khâu trong chuỗi cung, bao gồm thông tin về liên kết giữa các hộ tiểu điền và các đơn vị thu mua đồng nghĩa với việc không đáp ứng được các yêu cầu các thị trường xuất khẩu. Điều này không những làm mất cơ hội cho hộ và các doanh nghiệp tham gia tiếp cận thị trường mà còn tạo ra các rủi ro cho ngành cao su Việt Nam khi tham gia thị trường xuất khẩu trong tương lai.
Mặt khác, xu hướng của thị trường yêu cầu sản phẩm hợp pháp và bền vững là tất yếu trong tương lai. Để tồn tại, các sản phẩm cao su có nguồn gốc từ Việt Nam không thế không tuân thủ yêu cầu này của thị trường.
Để khắc phục tình trạng này, theo chuyên gia cần thay đổi phương thức vận hành của ngành hướng tới các sản phẩm bền vững trong tương lai, trong đó cần bắt đầu tại khâu thay đổi trong nhận thức của các bên tham gia chuỗi cung.
Đặc biệt, cần minh bạch thông tin về chuỗi cung, đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc và tính hơp pháo của sản phẩm, là một trong những đòi hỏi cần thiết trong việc hướng tới chuỗi cung cao su thiên nhiên bền vững tại Việt Nam. Thông tin về các luồng cung, bao gồm cả luồng tiểu điền, hoạt động cụ thể trong từng khâu của chuỗi và mức độ tuân thủ các hoạt động này với các yêu cầu pháp lý, cần được thu thập và lưu trữ một cách khoa học và chính xác.
Theo các chuyên gia, hiện đang thiếu một cơ quan đại diện cho các hộ tiểu điền, làm hạn chế việc kết nối thông tin về các cơ chế chính sách, thông tin thị trường tới hộ cũng làm hạn chế kênh kết nối để hộ phản ảnh tâm tư nguyện vọng của mình trong khâu sản xuất tới các cơ quan quản lý. Do đó, cần phải có một cơ quan đại diện cho các hộ tiểu điền.
Để nâng cao vị thế của các hộ cao su tiểu điền cũng như tham gia vào chuỗi cung bền vững, ông Nguyễn Vinh Quang - chuyên gia của Forest Trend - cho rằng, điều này có thể đạt được thông qua việc hình thành các tổ hợp tác hoặc hợp tác xã, là đơn vị đại diện cho quyền lợi hợp pháp và chính đáng của hộ...