Xuất khẩu chính ngạch với nông sản Việt: Vẫn còn nhiều thách thức

Nhu cầu tiêu thụ nông, lâm, thủy sản của nhiều thị trường như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… là rất lớn và còn nhiều dư địa để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội đó, người sản xuất và doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi tư duy từ khâu sản xuất đến xuất khẩu, đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn mới của thị trường.

Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu hàng rau quả trong 5 tháng/2019 hầu hết các thị trường lớn đều tăng mạnh, đạt 1,8 tỷ USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ 2018. Riêng xuất khẩu sang Trung Quốc tăng chậm, đạt 1,28 tỷ USD, chỉ tăng khoảng 2,3%.

Nguyên nhân của sự giảm trên là do phía Trung Quốc đã có thông báo điều chỉnh hoạt động nhập khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch từ cuối năm 2018, bắt buộc áp dụng từ tháng 6/2019. Trong khi nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa kịp cập nhật thông tin cũng như chưa đáp ứng đúng các tiêu chuẩn mới của thị trường về kiểm dịch động thực vật, truy xuất nguồn gốc, nhãn mác bao bì... Hiện thị trường Trung Quốc chiếm gần 70% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam.

Ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế cao trong nông nghiệp

Ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế cao trong nông nghiệp

Mới đây, đoàn Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế về trao đổi thông tin liên quan đến an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật, các quy định về quản lý, kiểm soát xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản nhằm tăng cường trao đổi thông tin giữa các cơ quan của hai bên và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc hiểu rõ hơn các quy định, thủ tục về kiểm dịch từ Hải quan Trung Quốc.

Theo ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản chủ lực của Việt Nam với quy mô thị trường lên tới 1,4 tỷ dân, thị hiếu tiêu dùng khá tương đồng với Việt Nam. Bên cạnh đó, nhu cầu và sức mua của người dân Trung Quốc đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm đang tăng cao, trong khi cơ cấu sản phẩm nông, lâm, thủy sản giữa hai nước lại có tính bổ trợ cho nhau. Thêm nữa, Việt Nam - Trung Quốc có vị trí địa lý tiếp giáp nhau, tạo thuận lợi trong trao đổi, vận chuyển hàng hóa với chi phí vận tải rẻ hơn nhiều.

Ở tầm vĩ mô, Chính phủ Trung Quốc khuyến khích nhập khẩu hàng hóa theo đường chính ngạch nhằm đáp ứng mức sống của người tiêu dùng Trung Quốc đã thay đổi rất nhiều: tầng lớp trung lưu, người giàu tăng nhanh, kéo theo đó là nhu cầu lựa chọn những sản phẩm chất lượng cao cũng tăng lên. Trong khi ngành sản xuất rau, quả của Việt Nam vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, tỷ lệ các nông trại áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP còn rất ít.

Bà Long Yushan, Cục Hải quan Nam Ninh - Tổng cục Hải quan Trung Quốc chia sẻ, các cơ quan chức năng của Trung Quốc cũng tích cực thông tin trực tiếp đến các doanh nghiệp Việt Nam những quy định kiểm dịch động thực vật, hệ thống và cơ chế quản lý an toàn thực phẩm, đặc biệt là các quy định và thủ tục đối với các sản phẩm sữa, thủy sản và trái cây khi nhập khẩu vào Trung Quốc. Các bên cần làm tốt việc hướng dẫn cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường, hiểu rõ yêu cầu thị trường, từ đó tập trung xây dựng vùng nguyên liệu có thể truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng sản phẩm, thúc đẩy thương mại bền vững giữa 2 nước.

Để tiếp tục giải quyết những vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp trước những quy định mới về nhập khẩu mặt hàng nông sản vào Trung Quốc, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp chặt chẽ, tăng cường làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để thống nhất giải quyết rốt ráo những vướng mắc, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn nhằm giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các thủ tục và các quy định mới khi xuất khẩu hàng hóa nông sản vào Trung Quốc. Hy vọng từ nay đến cuối năm xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào Trung Quốc sẽ tăng trưởng khả quan, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhận định.

Vấn đề thay đổi tư duy trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt là mục tiêu quan trọng. Việc đảm bảo các yêu cầu này mới chỉ là bước khởi đầu, điều quan trọng hơn là các doanh nghiệp phải luôn tuân thủ quy trình để đảm bảo chất lượng hàng hóa được ổn định trong suốt quá trình sản xuất nhằm cung ứng được những sản phẩm thực sự chất lượng. Đồng thời, thúc đẩy quá trình tham gia vào chuỗi cung ứng không chỉ của Trung Quốc mà là toàn cầu, tại các thị trường khó tính nhất như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ…

Đây được coi là thách thức với nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, nhưng cũng là cơ hội thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp theo đuổi mục tiêu phát triển kinh doanh sáng tạo và không ngừng cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất kinh doanh nhằm thỏa mãn nhu cầu của các khách hàng, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam và sự phát triển bền vững của cộng đồng địa phương.

Đoàn Trần

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/xuat-khau-chinh-ngach-voi-nong-san-viet-van-con-nhieu-thach-thuc-89299.html