Xuất khẩu của Trung Quốc chuyển hướng từ phương Tây sang Nga

Xuất khẩu của Trung Quốc tiếp tục sụt giảm trong tháng 7 và ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong hơn 3 năm qua, vì nhu cầu nước ngoài yếu và tình cảnh suy thoái của kinh tế nội địa, thắt chặt hoạt động của hàng nghìn công ty.

Một cảng xuất khẩu ở Trung Quốc

Một cảng xuất khẩu ở Trung Quốc

Từ trước đến nay, hoạt động xuất khẩu vẫn luôn là đòn bẩy tăng trưởng quan trọng của Trung Quốc. Thế nhưng, hoạt động trong lĩnh vực đã chậm lại, và tình trạng hiện nay đang có tác động trực tiếp đến việc làm trong ngành.

Bóng ma suy thoái ở Mỹ và châu Âu, kết hợp với tình trạng lạm phát cao, đã góp phần làm suy yếu nhu cầu của nước ngoài đối với những sản phẩm từ Trung Quốc trong những tháng gần đây.

Căng thẳng địa chính trị với Mỹ, thêm vào đó là mong muốn của một số nước phương Tây về việc giảm lệ thuộc vào nguồn cung của Trung Quốc và đa dạng hóa chuỗi cung ứng của chính họ, cũng đóng góp nguyên nhân vào tình trạng suy giảm này.

Theo số liệu do Hải quan Trung Quốc công bố vào hôm 9/8, doanh số bán sản phẩm Trung Quốc ra nước ngoài của tháng 7 đã giảm 14,5% so với giai đoạn cùng kỳ năm 2022.

Đây là mức giảm mạnh nhất tính từ thời điểm tháng 1 - tháng 2 năm 2020 (-17,2%), khi nền kinh tế Trung Quốc gần như bị đình trệ vì đại dịch Covid-19 bắt đầu.

Trao đổi với Bloomberg, giới phân tích cho biết viễn cảnh sụt giảm là điều tất yếu, nhưng quy mô sụt giảm vượt xa dự đoán của họ (-13,2%).

Vào tháng 6, xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 12,4% so với giai đoạn cùng kỳ năm 2022.

Nhu cầu mạnh mẽ từ Nga

Vào tháng trước, xuất khẩu từ Trung Quốc sang các nước phương Tây chìm trong “sắc đỏ” trong hơn một năm (-18,6% với Mỹ, -8,9% với Liên minh châu Âu).

Mặt khác, xuất khẩu của Trung Quốc đến Nga vẫn diễn ra mạnh mẽ (+73,4%), đánh dấu thiện chí muốn nhanh chóng bền chặt mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước láng giềng trong giai đoạn xung đột Nga – Ukraine.

Nhìn chung, ngoại trừ giai đoạn phục hồi ngắn ngủi vào tháng 3 và tháng 4, doanh số bán hàng ra nước ngoài của gã khổng lồ châu Á giảm liên tục kể từ tháng 10/2022.

Trong năm 2022, những hệ quả từ chính sách phòng chống dịch Covid-19 đã giáng đòn trừng phạt nặng nề vào những công ty chuyên về xuất khẩu, vì các nhà máy phải đóng cửa đột xuất và nhiều bất tiện trong hoạt động di chuyển và vận tải.

Trung Quốc đã dỡ bỏ hầu hết những biện pháp phòng dịch hà khắc vào tháng 12/2022, mở đường cho sự phục hồi dần dần các hoạt động kinh tế.

Tuy nhiên, trái với mong đợi bao lâu nay, Trung Quốc đang đi trên con đường phục hồi chậm chạm, vì những ảnh hưởng từ tình trạng kinh tế trì trệ, kéo theo sức tiêu dùng nội địa yếu. Thêm vào đó, tỷ lệ thất nghiệp ở độ tuổi trẻ đạt mức kỷ lục.

Biểu đồ giao dịch thương mại của Trung Quốc

Biểu đồ giao dịch thương mại của Trung Quốc

Vấn đề phục hồi kinh tế

Thiếu nhu cầu, nhập khẩu tháng 7 của gã khổng lồ châu Á đương nhiên giảm (-12,4% trong một năm).

Số liệu này đánh dấu 9 tháng suy giảm liên tiếp. Tuy nhiên, tỷ lệ giảm cao hơn nhiều so với tháng 6 (-6,8%) và so với dự báo của các nhà phân tích trả lời phỏng vấn cho Bloomberg (-5,6%).

Thặng dư thương mại của nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu vẫn đạt 80,6 tỷ USD, so với mức 70,2 tỷ USD của một tháng trước đó.

Đây là những số liệu mới nhất trong một loạt các chỉ số phản ánh tình trạng mất đà trong quá trình phục hồi kinh tế hậu Covid-19 của Trung Quốc.

Mức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chỉ là 0,8% trong khoảng thời gian từ quý 1 đến quý 2 năm 2023, theo số liệu chính thức.

Đáng chú ý, trong lúc các nhà kinh tế lên tiếng ủng hộ một kế hoạch phục hồi rộng lớn, thì các nhà chức trách lại muốn ưu tiên những biện pháp có mục tiêu và nhiều ý định cho khu vực tư nhân. Tuy nhiên, họ vẫn chưa thu về được kết quả nào mang tính thuyết phục.

Nhà phân tích Ken Cheung của ngân hàng Nhật Bản Mizuho cho biết: Để "tạo điều kiện thuận lợi cho sự phục hồi", Bắc Kinh có thể sử dụng biện pháp "giảm giá" đồng tiền so với đồng USD nhằm "thúc đẩy xuất khẩu".

Về mặt kỹ thuật, biện pháp này sẽ giúp Trung Quốc bán hàng hóa ra nước ngoài với giá cạnh tranh hơn.

Đến đầu giờ chiều ngày 8/8, tỷ giá chuyển đổi đô la Mỹ sang nhân dân tệ là 1 USD cho 7,20 CNY. Đây là mức yếu nhất được ghi nhận kể từ tháng 11/2022.

Ngọc Duyên

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/xuat-khau-cua-trung-quoc-chuyen-huong-tu-phuong-tay-sang-nga-691421.html