Xuất khẩu dầu mỏ của Venezuela sụt giảm trong năm 2022

Tình trạng tồi tệ của các kho cảng và nhà máy lọc dầu của Venezuela cùng với sự cạnh tranh gay gắt với Nga về nguồn cung dầu thô cho Trung Quốc sẽ hạn chế mức tăng trưởng xuất khẩu của nước này.

Một nhà máy lọc dầu của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA) tại Puerto La Cruz, bang Anzoategui, Venezuela. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một nhà máy lọc dầu của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA) tại Puerto La Cruz, bang Anzoategui, Venezuela. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Xuất khẩu dầu mỏ của Venezuela trong năm 2022 sụt giảm do việc ngừng triển khai các dự án cơ sở hạ tầng năng lượng, lệnh trừng phạt của Mỹ và cạnh tranh gia tăng tại thị trường châu Á trọng điểm.

Tuy nhiên, xuất khẩu dầu mỏ của quốc gia Nam Mỹ này trong năm nay dự kiến sẽ tăng sau khi Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt dầu mỏ bằng cách cho phép một số đối tác của công ty năng lượng quốc doanh Petroleos de Venezuela (PDVSA) tiếp tục mua dầu thô của Venezuela.

Iran đã mở rộng vai trò của mình tại Venezuela vào năm ngoái, tăng cường các nguồn cung cấp để thúc đẩy xuất khẩu và đưa các kỹ thuật viên sang Venezuela để sửa chữa một nhà máy lọc dầu tại đây.

Nhưng tình trạng tồi tệ của các kho cảng, mỏ dầu và nhà máy lọc dầu của Venezuela, cùng với sự cạnh tranh gay gắt với Nga về nguồn cung dầu thô cho Trung Quốc sẽ tiếp tục hạn chế mức tăng trưởng xuất khẩu của nước này.

Trong năm 2022, mỗi ngày PDVSA và các liên doanh của họ đã xuất khẩu khoảng 616.540 thùng dầu thô và các chế phẩm dầu mỏ, giảm 2,5% so với năm 2021 và thấp hơn một chút so với năm 2020.

Quốc gia thành viên Tổ chức các Nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) này đã đẩy mạnh xuất khẩu than cốc, methanol và các phụ phẩm từ dầu mỏ khác, giúp bù đắp một phần tổn thất doanh thu. Lượng xuất khẩu các sản phẩm này đã tăng hơn gấp ba lần kể từ năm 2021, lên 4,36 triệu tấn vào năm 2022.

Các nhà máy lọc dầu của PDVSA đã bắt đầu xử lý 386.000 thùng dầu thô mỗi ngày trong năm 2023, ít hơn 30% công suất lắp đặt 1,3 triệu thùng/ngày của họ.

Tình trạng thiếu hụt dầu tinh chế do nhà máy ngừng hoạt động và bảo dưỡng chậm trễ vào cuối năm khiến thị trường nhiên liệu trong nước rơi vào khủng hoảng, khi có những thời điểm nhiều hàng dài tài xế chờ đổ xăng trước các trạm xăng.

Cuộc khủng hoảng năng lượng mới đang nổi lên bất chấp Venezuela đã tăng gấp ba lần lượng dầu nhập khẩu, lên 78.170 thùng/ngày, chủ yếu do việc giao dầu thô và khí ngưng tụ từ Iran, giúp sản xuất các loại dầu thô và nhiên liệu động cơ có thể xuất khẩu.

Theo dữ liệu sơ bộ cho tháng 12/2022, sản lượng dầu thô của Venezuela đạt trung bình khoảng 721.000 thùng/ngày. Sản lượng này tăng 13% so với cùng kỳ năm 2021 và cao hơn mức giữa đại dịch.

Tuy nhiên, con số trên vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình ghi nhận trong lịch sử và chưa tới mục tiêu 2 triệu thùng/ngày của PDVSA năm 2022.

Ông Monaldi dự đoán sản lượng dầu thô của Venezuela sẽ tăng khoảng 100.000 thùng/ngày trong năm nay, đồng thời cho biết thêm rằng xuất khẩu của nước này có thể phục hồi thêm một chút nếu các liên doanh của họ có thể sử dụng hàng triệu thùng trong kho dự trữ và nếu PDVSA có thể cạnh tranh mạnh mẽ hơn ở châu Á.

Theo các số liệu thống kê độc lập, tính riêng trong năm 2022, Venezuela đã nhận được khoảng 6-7 tỷ USD tiền mặt từ dầu mỏ sau khi trừ các khoản chiết khấu giá, chi phí vận chuyển, hoán đổi ngoại tệ, trả nợ và các khoản phí khác.

Nhu cầu mạnh mẽ trên toàn cầu đối với các lựa chọn thay thế nhiên liệu hóa thạch đã thúc đẩy xuất khẩu các phụ phẩm dầu mỏ của Venezuela, mang lại hàng triệu USD cho nước này vào năm ngoái./.

Minh Trang (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/xuat-khau-dau-mo-cua-venezuela-sut-giam-trong-nam-2022/839832.vnp