Xuất khẩu dệt may khó cán đích
Mục tiêu xuất khẩu đạt 42 tỷ USD trong năm 2020 của ngành dệt may có thể khó đạt khi DN trong ngành đang phải đối mặt việc thiếu hụt nguyên liệu để sản xuất do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nguồn cung nhập khẩu (chiếm gần 80%) bị gián đoạn, cũng như sự hạn chế từ cấu trúc nội tại của ngành.
Khó khăn về nguyên liệu và nhân lực
Trong báo cáo gửi Chính phủ và một số bộ, ngành có liên quan mới đây của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), cho thấy DN dệt may đang phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Tính riêng trong năm 2019, ngành dệt may đã nhập khẩu 11,5 tỷ USD nguyên liệu từ Trung Quốc, trong đó DN tại TPHCM và khu vực phía Nam chiếm khoảng 7 tỷ USD. Xét theo cơ cấu nguyên liệu, hơn 60% vải nhập khẩu của DN dệt may hiện nay từ Trung Quốc.
Tương tự, sợi nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc cũng chiếm 55%, phụ liệu khác của ngành cũng khoảng 45% nhập khẩu từ thị trường này. Theo VITAS, hiện đa số DN dệt may chỉ dự trữ nguyên phụ liệu tới đầu tháng 3 hoặc đầu tháng 4, nên sẽ rất khó khăn trong những tháng tiếp theo vì không còn nguyên liệu để sản xuất nếu nguồn nhập khẩu chưa có dấu hiệu phục hồi.
Cụ thể, đối với nhóm DN lớn (chủ yếu sản xuất để xuất khẩu) với khoảng 80% nguyên liệu nhập từ Trung Quốc hiện chỉ đủ cho sản xuất trong tháng 2 và 3. Nếu dịch Covid-19 không dừng lại trong tháng 2, các DN này sẽ thiếu nguyên liệu sản xuất cho tháng 4 và 5. Trong kịch bản xấu hơn khi dịch bệnh kéo dài, cấu trúc chuỗi cung ứng có nguy cơ bị phá vỡ, ảnh hưởng đến mục tiêu xuất khẩu của ngành.
Đối với nhóm DNNVV (chiếm khoảng 50% tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa) cũng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề, bởi nguồn nguyên liệu sản xuất của nhóm này đang phụ thuộc vào nhóm DN lớn. Tương tự, một số DN dệt may nhỏ chủ yếu sản xuất phục vụ thị trường nội địa cũng bị ảnh hưởng cả về nguyên liệu lẫn thị trường. Chỉ tính riêng trong tháng 1 vừa qua, doanh thu ở các kênh bán lẻ của nhiều DN dệt may đã sụt giảm đến 80% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng theo VITAS, nhiều DN dệt may đang đối mặt với việc thiếu nhân công sản xuất. Nguyên nhân do nhiều chuyên gia, kỹ thuật viên, công nhân là người Trung Quốc đang làm việc tại các DN dệt may Việt Nam bị hạn chế quay lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, hoặc bị cách ly theo quy định, đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN. Thêm vào đó, những DN đang có đơn hàng sản xuất cũng chịu áp lực thiếu nhân công sản xuất do các trường học đóng cửa, học sinh nghỉ học nên nhiều lao động xin nghỉ việc ở nhà trông con…
Mất cân đối trong sản xuất
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, năm 2019, ngành dệt may xuất siêu khá ấn tượng khi tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 39 tỷ USD, tăng 7,55% so với 2018. Tuy nhiên, nhìn vào kết quả tăng trưởng của ngành trong năm 2019 sẽ thấy rõ sự mất cân đối trầm trọng. Cụ thể, ngành dệt may đạt thặng dư thương mại đối với sợi và hàng may mặc, nhưng lại thâm hụt lớn đối với vải, khi vải sản xuất trong nước chỉ đáp ứng chưa đến 50% nhu cầu của ngành, khiến mỗi năm phải nhập khẩu trên 10 tỷ USD vải các loại.
Thực tế, kịch bản về DN dệt may thiếu nguyên liệu để sản xuất do nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc bị hạn chế, đã được dự báo ngay từ những quý đầu năm 2019, khi cuộc chiến thương mại do Mỹ phát động khiến ngành dệt may Trung Quốc lao đao, đặc biệt các thủ phủ vải sợi của Trung Quốc như thành phố Tô Châu và Ngô Giang (thuộc tỉnh Giang Tô) lâm vào cảnh điêu đứng.
Việc Mỹ áp thuế đối với các DN nằm trong 2 thành phố này của Trung Quốc, cũng đồng nghĩa với việc DN nhiều nước đang nhập khẩu nguồn nguyên liệu từ các DN này cũng sẽ chịu liên đới kép: rủi ro nguồn cung nguyên liệu thiếu hụt và có thể bị phía Mỹ trừng phạt bằng cách áp thuế khi cho rằng đã cho các DN dệt may Trung Quốc “mượn đường” để lách thuế.
Hiện nay, dệt may là mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Chỉ tính riêng trong tháng 1-2020, xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Mỹ chiếm 25,58% thị phần, đạt 1,21 tỷ USD (giảm 23,38% so với cùng kỳ năm ngoái). Đáng chú ý, các DN dệt may xuất khẩu thuộc nhóm FDI vẫn chiếm hơn 60%. Trong khi đó, thời gian qua phía Mỹ vẫn không ngừng khuyến cáo việc Việt Nam đang thâm hụt thương mại với phía Mỹ. Vì vậy, dịch Covid-19 khiến nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc gặp khó khăn, càng làm bộc lộ rõ hơn những hạn chế cố hữu - sự mất cân đối trong sản xuất và xuất khẩu - của DN dệt may Việt Nam hiện nay.
Theo ông Phạm Quốc Doanh, nguyên Phó trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển DN (thuộc Văn phòng Chính phủ), sau hàng chục năm đến nay Việt Nam vẫn chưa thể xây dựng được vùng bông nguyên liệu - vốn được xem là “xương sống” của ngành. Cụ thể, năm 2010, Chính phủ đã có quyết định về chương trình phát triển cây bông vải đến năm 2015, định hướng đến 2020.
Trong đó mục tiêu là xây dựng thành công vùng nguyên liệu, giảm phụ thuộc nhập khẩu nguyên liệu từ bên ngoài đối với ngành dệt may. Song đến nay chương trình này không thể thực hiện được, do những vướng mắc từ cơ chế (đất đai, sản xuất manh mún, giải phóng mặt bằng…).
Các thống kê hàng năm đều cho thấy ngành dệt may Việt Nam đều có sự tăng trưởng khá ấn tượng, đặc biệt là về kim ngạch xuất khẩu. Nhưng sự tăng trưởng này kéo dài được bao lâu, khi ngành dệt may không làm chủ được nguồn nguyên liệu, đặc biệt khi “luật chơi” của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) ngày càng chặt chẽ hơn về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cùng với sự trở lại của xu hướng bảo hộ thương mại tại nhiều quốc gia.
Nhìn vào tổng thể, ngành dệt may Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn là gia công (phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu), các DN chưa đủ năng lực để chuyển sang các hình thức cao hơn là liên kết với các lĩnh vực khác và hình thành chuỗi giá trị hoàn chỉnh.
Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/kinh-te/xuat-khau-det-may-kho-can-dich-77100.html