Xuất khẩu điều và tiêu: 'Bên ngoài cười nụ, bên trong khóc thầm'
Nhìn vào sản lượng xuất khẩu hạt điều và hạt tiêu tăng cao từ đầu năm đến nay cứ ngỡ khả quan nhưng thực tế giá trị kim ngạch lại sụt giảm khá nhiều như ngành hồ tiêu hoặc thua lỗ như doanh nghiệp ngành điều. Trong khi đó, nguồn nguyên liệu trong nước ở hai ngành này ngày càng thu hẹp, phụ thuộc nguyên liệu nhập với giá cao (như ngành điều), cạnh tranh kém lành mạnh, mua cao bán thấp dẫn đến thua lỗ, rồi gặp rủi ro lừa đảo… Điều đó không khác gì tình cảnh 'bên ngoài cười nụ, bên trong khóc thầm'.
Ngày 26/7, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) sẽ tổ chức hội nghị sơ kết sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023. Thông qua hội nghị này cũng nhằm thông tin, khuyến cáo về thị trường trong nước và quốc tế trong 6 tháng cuối năm 2023; thông tin về các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại năm 2023-2024.
Ngành điều vẫn còn lắm mối lo
Trong hội nghị cũng có Báo cáo kết quả xử lý vụ doanh nghiệp (DN) điều, tiêu xuất khẩu (XK) đi Dubai, Algeria bị lừa trong thời gian gần đây và cập nhật kết quả xử lý vụ XK đi thị trường Italia trước đó.
Ngoài ra, Vinacas còn có hướng dẫn liên quan đến vướng mắc trong việc áp dụng chứng thư kiểm dịch thực vật điện tử (e-Phyto) của Bờ Biển Ngà và một số quốc gia khác.
XK điều trong nửa đầu năm nay đã đạt sản lượng 276.000 tấn hạt điều với kim ngạch 1,61 tỷ USD, tăng lần lượt 10,5% và 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, ngành điều đã hoàn thành 51% kế hoạch đề ra, và việc đạt mục tiêu kim ngạch XK cả năm 3,1 tỷ USD hoàn toàn khả thi khi mà triển vọng thị trường nửa cuối năm có thể sẽ “sáng” hơn so với nửa đầu năm.
Tuy vậy, thách thức lớn cho ngành điều hiện nay là vấn đề thu mua nguyên liệu. Đơn cử như “thủ phủ” vùng nguyên liệu điều là tỉnh Bình Phước hiện gần như không phát triển diện tích trồng điều mà còn bị thu hẹp do nông dân chặt, phá cây điều để chuyển đổi sang loại cây trồng khác (đơn cử như cây sầu riêng).
Theo Vinacas, năm 2022, diện tích điều tại các tỉnh: Bình Phước, Đắk Nông, Đồng Nai bị thu hẹp đáng kể, riêng Bình Phước từ 175.000 - 180.000ha trước đây đã giảm xuống còn 150.000ha.
Điều này dẫn tới việc phụ thuộc vào nguồn điều thô nhập khẩu từ châu Phi và Campuchia. Điều đáng nói, nhiều DN chế biến hạt điều đã phải “sống dở, chết dở” khi giá nguyên liệu cao, còn giá điều nhân chế biến lại giảm.
Nhất là tình trạng các DN chế biến hạt điều tranh nhau mua điều thô với giá quá cao. Trong khi đó, trước những biến động kéo dài trên thị trường thế giới, để thoát hàng, nhiều DN thiếu đoàn kết, cạnh tranh nhau, đạp giá nhau nên bị người mua ép bán với giá rẻ, dẫn đến giá bán đầu ra thấp hơn đầu vào, khó tránh chuyện thua lỗ.
Đó là chưa kể những rủi ro về mặt xuất nhập khẩu của các DN ngành điều trong nước khi làm việc với các đối tác mới ở châu Phi và Trung Đông.
Như vào trung tuần tháng 7/2023, Vinacas cùng với Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPA) đã làm việc với các ngân hàng bên bán, các hãng tàu và hãng chuyển phát nhanh quốc tế DHL để nắm chắc thông tin và trách nhiệm các bên liên quan xung quanh vụ việc 3 công ty Việt Nam có nguy cơ mất tổng số tiền khoảng 300.000 USD khi XK hạt điều, hạt tiêu và quế cho một đối tác ở Dubai thuộc Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE).
Xuất khẩu hạt tiêu chưa “lặng sóng”
Còn với ngành tiêu, giá hạt tiêu vào ngày 25/7 được ghi nhận là “lặng sóng” khi đi ngang trên diện rộng tại thị trường nội địa. Giá thu mua đang dao động trong khoảng 67.000 – 70.000 đồng/kg. Trong 15 ngày đầu tháng 7/2023, giá hạt tiêu XK bình quân là 3.688 USD/tấn, tăng 2,08% so với giá XK bình quân của tháng 6/2023.
Tuy nhiên, kim ngạch XK hạt tiêu trong nửa đầu tháng 7 đã giảm sâu so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, kim ngạch XK đạt 26,05 triệu USD (giảm 14,75%). Tính ra, trong 6 tháng rưỡi đầu năm nay, XK hạt tiêu đạt kim ngạch đạt 159.715 tấn, tăng 20,39% về lượng và giảm 14,75% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi kim ngạch XK đang sụt giảm thì giới chuyên gia có dự báo, do các thị trường lớn phục hồi chậm, tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu dẫn đến việc giảm đơn đặt hàng đối với mặt hàng hạt tiêu. Cho nên, XK hạt tiêu có thể sẽ gặp khó, chưa “lặng sóng” trong các tháng cuối năm nay. Các nhà nhập khẩu sẽ giảm thu mua hạt tiêu từ Việt Nam khi mà họ vẫn còn lượng hàng tồn từ năm 2022.
Thách thức lớn cho XK hạt tiêu hiện nay là đang chịu áp lực cạnh tranh về giá dẫn đến mất thị phần vào tay các đối thủ lớn như Brazil, Indonesia. Các thị trường này có cước phí rẻ hơn Việt Nam nên giá XK luôn được chào bán thấp hơn.
Không chỉ vậy, tương tự như ngành điều, diện tích trồng hồ tiêu ở Việt Nam đang ngày càng thu hẹp. Số liệu cho thấy từ diện tích trồng hồ tiêu trên cả nước là 152.000ha vào năm 2017 thì đến năm 2021 giảm xuống còn 131.000ha, và đến năm 2022 là 130.000ha.
Đơn cử như ở Đồng Nai, diện tích trồng hồ tiêu hiện chỉ còn khoảng 10,7 ngàn ha, giảm gần 50% so với thời hoàng kim của cây trồng này. Không chỉ giảm mạnh về diện tích, năng suất của cây hồ tiêu cũng ngày càng kém.
Việc diện tích ngày một giảm được cho là có thể đe dọa về thị phần XK của các DN cũng như vị trí nước XK hạt tiêu số 1 thế giới của Việt Nam. Không những vậy, các DN còn phải đối mặt với tình cảnh thu mua nguyên liệu hạt tiêu với giá cao rồi lại đối mặt rủi ro bán ra với giá XK giảm dẫn đến thua lỗ không khác gì các DN ngành điều.
Ngoài ra, gần đây, VPA cũng đã khuyến cáo các DN XK cần cân nhắc và tỉnh táo, cẩn trọng đánh giá khả năng tài chính khi ký hợp đồng số lượng lớn, giao xa với giá thấp. Nhất là trong tháng 7 này có 2 container hạt tiêu của một công ty là hội viên của VPA có dấu hiệu bị đối tác ở UAE lừa đảo trong quá trình XK.
Nhìn chung, với hoạt động XK điều và tiêu trong thời gian tới sẽ còn chứa đựng nhiều khó khăn, thách thức, rủi ro, không khác gì tình cảnh “bên ngoài cười nụ, bên trong khóc thầm”. Điều đó đòi hỏi cả hai ngành hàng này cần có những giải pháp căn cơ hơn nữa để cải thiện năng lực cạnh tranh và có hướng đi bền vững.