Xuất khẩu dừa tươi: Cơ hội mới cho ngành hàng kinh tế chủ lực tỉnh Bến Tre
Toàn tỉnh Bến Tre đã xây dựng thí điểm 6 vùng sản xuất dừa tập trung; trong đó 5 vùng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ và 1 vùng sản xuất dừa uống nước.
Được xem là "thủ phủ" dừa của cả nước, hiện tổng diện tích dừa toàn tỉnh Bến Tre ước là 78.310 ha, tăng 1,35% so cùng kỳ năm 2022. Diện tích dừa tăng so cùng kỳ là do một số diện tích cây trồng khác không hiệu quả hoặc không còn phù hợp với vùng canh tác được người dân chuyển sang trồng dừa vì cây dừa dễ trồng và ít tốn công cũng như chi phí chăm sóc.
Diện tích tăng chủ yếu là ở loại dừa xiêm xanh uống nước vì hiệu quả của nó khá ổn định so với một số cây trồng khác. Tổng diện tích dừa xiêm xanh uống nước toàn tỉnh hiện nay khoảng 15.865 ha, chiếm hơn 20% trong tổng diện tích dừa, sản lượng trong năm ước khoảng 144,52 triệu trái.
Tổng sản lượng dừa trong tháng 7/2023 ước là 51.232 tấn, lũy kế đến nay sản lượng dừa ước là 401.545 tấn, tăng 3,90% so cùng kỳ, trong đó sản lượng dừa xiêm trong tháng ước tính là 11 triệu quả, lũy kế 7 tháng năm 2023 là 94,6 triệu quả. Giá dừa khô trong tháng 7 tương đối ổn định, hiện tại giá dừa khô dao động từ 40.000 - 50.000 đồng/12 quả.
Để chuẩn bị cho việc xuất dừa tươi sang thị trường Mỹ và Trung Quốc, ngành nông nghiệp của tỉnh Bến Tre đã tập trung các giải pháp tập huấn, tư vấn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc dừa nhằm tạo vùng nguyên liệu đạt năng suất, chất lượng theo yêu cầu thị trường xuất khẩu; hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng vùng trồng và chuẩn bị các hồ sơ có liên quan theo quy định…
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, đối với thị trường Trung Quốc, sau khi nhận được Công văn số 1848/BVTV-HTQT của Cục Bảo vệ thực vật ngày 21/7/2023 về việc Tổng cục Hải quan Trung Quốc chuẩn bị kiểm tra thực địa các vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi có nhu cầu xuất sang thị trường Trung Quốc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã họp triển khai nội dung hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật cho tất cả các doanh nghiệp có nhu cầu xuất dừa tươi sang thị trường Trung Quốc.
Đến nay, tỉnh Bến Tre đã nộp 27 hồ sơ (8 cơ sở đóng gói và 19 vùng trồng) với diện tích 1.453,77 ha của các tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc, các doanh nghiệp hiện đang tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ vùng trồng và cơ sở đóng gói theo quy định.
Riêng thị trường Mỹ, đã có sự thống nhất giữa Việt Nam và Mỹ về quy trình xuất khẩu dừa sang Mỹ và các doanh nghiệp trong tỉnh có thể thực hiện ngay. Theo ông Huỳnh Quang Đức - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, việc chuẩn bị cho trái dừa tươi của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Mỹ là một quá trình dài, đầy thử thách. Sau khi được Cục Kiểm dịch động thực vật (APHIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ thông qua, trước mắt tỉnh Bến Tre sẽ đẩy mạnh việc phát triển vùng nguyên liệu, đồng thời nâng cao chất lượng chuỗi liên kết sản xuất mà nền tảng là các tổ hợp tác, hợp tác xã.
Đơn cử, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Mekong (xã Hữu Định, huyện Châu Thành, Bến Tre) vừa xuất khẩu một chuyến container đầu tiên dừa uống nước sang thị trường Mỹ vào ngày 29/8/2023, kể từ khi APHIS thông tin cho phép Việt Nam xuất khẩu dừa sang thị trường này vào đầu tháng 8/2023.
Ông Bùi Dương Thuật - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Mekong cho biết, bước đầu khi thị trường Mỹ cho phép nhập khẩu trở lại, công ty đã nắm bắt cơ hội hợp tác, xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang thị trường này với 5 container (tương đương 100 ngàn trái). "Kỳ vọng thị trường này sẽ ổn định quanh năm, tạo tiền đề tốt cho hoạt động xuất khẩu dừa uống nước của tỉnh, tăng kim ngạch xuất khẩu và giúp nhà máy tăng sản lượng hơn 10 container mỗi tháng (tương đương 200 ngàn trái)" - ông Thuật chia sẻ.
Bên cạnh đó, tỉnh Bến Tre sẽ tăng cường chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn, cập nhật thông tin cho người trồng dừa và doanh nghiệp nắm rõ và thực hiện đúng các tiêu chuẩn, quy định về hàng xuất khẩu chính ngạch. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các tiêu chuẩn, yêu cầu quản lý mã vùng trồng, cơ sở đóng gói… theo quy định.
Cùng với thị trường Mỹ, dự kiến thời gian đàm phán xuất khẩu dừa chính ngạch sang Trung Quốc cũng sẽ có kết quả vào cuối năm nay, đầu năm 2024. "Việc mở rộng xuất khẩu chính ngạch vào 2 thị trường Trung Quốc và Mỹ đã tạo động lực lớn cho doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia vào đăng ký xây dựng mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói đạt chuẩn xuất khẩu, mở ra tương lai rất tươi sáng cho ngành dừa của tỉnh nói riêng và Việt Nam nói chung" - ông Huỳnh Quang Đức cho biết thêm.
Được biết, toàn tỉnh Bến Tre đã xây dựng thí điểm 6 vùng sản xuất dừa tập trung. Trong đó 5 vùng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ và 1 vùng sản xuất dừa uống nước. Sau thời gian xây dựng chuỗi giá trị dừa, đến nay toàn tỉnh có 32 tổ hợp tác và 28 hợp tác xã tham gia liên kết, tổ chức sản xuất với sự đồng hành của 9 doanh nghiệp lớn trong chuỗi sản phẩm dừa. Từ những mô hình liên kết gắn với doanh nghiệp này mà hàng trăm cơ sở sơ chế dừa được hình thành, tạo nhiều việc làm cho người lao động tại địa phương.
Từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh Bến Tre đã phát triển thêm 554 ha dừa hữu cơ, nâng tổng diện tích dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ lên 17.846 ha (chiếm 22,9% trên tổng diện tích dừa toàn tỉnh), trong đó diện tích đạt chứng nhận là 11.418 ha.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, diện tích đạt chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Mỹ, Nhật, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc… không ngừng duy trì và phát triển hàng năm mặc dù kinh phí đầu tư cho việc phát triển và quản lý duy trì tái chứng nhận là khá lớn.
Đến nay, các địa phương trong tỉnh Bến Tre đã xác định xây dựng vùng sản xuất dừa tập trung gắn phát triển chuỗi giá trị dừa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Trong đó, tỉnh đang tập trung tăng cường công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc liên kết sản xuất, sản xuất hữu cơ, vận động người dân chuyển đổi sang sản xuất dừa theo tiêu chuẩn hữu cơ, tham gia liên kết xây dựng mã số vùng trồng... Tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác dừa hữu cơ cho người trồng dừa để vận dụng vào thực tiễn sản xuất.
Hiện các sản phẩm từ dừa Bến Tre đã xuất qua hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Phần lớn các sản phẩm của ngành chế biến dừa có giá trị gia tăng cao như: cơm dừa nạo sấy, bột sữa dừa, sữa dừa đóng hộp, nước dừa đóng hộp, dầu dừa tinh khiết, mỹ phẩm từ dừa... Ngoài ra, các phụ phẩm từ cây dừa được tận dụng làm than hoạt tính, hàng thủ công mỹ nghệ... góp phần làm tăng giá trị cho cây dừa.