Xuất khẩu gạo 2024 có thể 'xô đổ' kỷ lục 2023?

Triển vọng xuất khẩu gạo 2024 tiếp tục khả quan khi các thị trường lớn cho thấy nhiều tín hiệu tăng nhập khẩu. Mặc dù vậy, các địa phương, doanh nghiệp vẫn bày tỏ lo lắng về thông tin thị trường, làm sao bám sát để tận dụng tốt thời cơ.

Ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu dẫn thông tin từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho thấy trong năm 2024, nguồn cung gạo trên thị trường thương mại toàn cầu được dự báo giảm; trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu của nhiều quốc gia có xu hướng gia tăng. Cụ thể, thương mại gạo toàn cầu tiếp tục chịu tác động từ việc Ấn Độ thực hiện chính sách tạm ngừng xuất khẩu gạo.

Lo không bám sát thông tin thị trường

Cùng với đó, nguồn cung gạo toàn cầu được dự báo sẽ không còn dồi dào khi nguồn cung chính chiếm tới 40% sản lượng toàn cầu là Ấn Độ sẽ giảm 4 triệu tấn so với niên vụ trước, chỉ còn 132 triệu tấn; các thị trường khác như Philippines, Indonesia, Thái Lan, Campuchia,… cũng được dự báo giảm sản lượng do tác động của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu.

Xuất khẩu gạo dự báo tiếp tục sôi động trong năm 2024.

Xuất khẩu gạo dự báo tiếp tục sôi động trong năm 2024.

Tồn kho cuối kỳ toàn cầu niên vụ 2023-2024 được dự báo ở mức 167,2 triệu tấn, giảm 8,6 triệu tấn so với niên vụ trước và là lượng tồn kho thấp nhất trong 6 niên vụ trở lại đây.

Trong khi đó, tín hiệu khả quan trong dự báo nhập khẩu vẫn xuất hiện tại các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Indonesia, Philippines; các thị trường Việt Nam có lợi thế với các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết như khối EU, Hàn Quốc, Nhật Bản... hay các thị trường phát triển có nhiều tiềm năng như Hoa Kỳ hay các quốc gia Trung Đông.

Nhìn lại năm 2023, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đánh giá đây là một năm đầy biến động của ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Tuy kết quả xuất khẩu gạo đạt mức cao kỷ lục từ trước đến nay nhưng hiệu quả kinh doanh của thương nhân bị hạn chế do chính sách xuất nhập khẩu gạo của các quốc gia lớn trên thế giới thay đổi đột ngột. Bên cạnh đó là hiện tượng thời tiết El Nino và xung đột địa chính trị - đã chi phối tâm lý của người mua lẫn người bán, từ thị trường trong nước cho đến quốc tế, đưa đến tình trạng khan hiếm nguồn cung, áp lực nhập khẩu gia tăng, đẩy giá thế giới tăng liên tục và giá gạo trong nước theo đó cũng tăng cao trong suốt năm vừa qua. Mức tăng giá trong nước thậm chí còn cao hơn so với mức tăng giá xuất khẩu, đây là năm được mùa được giá của người nông dân.

Kết quả xuất khẩu gạo năm 2023 là một thành công lớn vượt bậc của ngành gạo kể từ khi tham gia xuất khẩu năm 1989, khẳng định vị thế Việt Nam là nước xuất khẩu hàng đầu top 3 của thế giới. "Bên cạnh đó, việc kinh doanh của các thương nhân tham gia xuất khẩu đạt hiệu quả chưa cao, vì chi phí sản xuất và chi phí dịch vụ tăng cao đã đẩy chi phí giá thành sản phẩm lên cao. Đặc biệt giá gạo liên tục tăng mạnh không phanh khi lệnh cấm ngày 20/7 của Ấn Độ ban hành để tiến hành các biện pháp hạn chế xuất khẩu đối với tất cả các loại gạo như: cấm xuất khẩu gạo tấm trắng và gạo trắng thông dụng; đánh thuế xuất khẩu 20% lên gạo đồ và áp dụng giá xuất khẩu tối thiểu đối với gạo basmati. Điều này dẫn đến lợi nhuận doanh nghiệp không như kỳ vọng”, ông Nam chia sẻ.

Theo Chủ tịch VFA, dự kiến sản lượng lúa gạo cả nước năm 2024 sẽ duy trì ở mức tương đương năm 2023 trong điều kiện thời tiết lạc quan. Tuy nhiên, khối lượng tồn kho gạo mang sang năm 2024 giảm mạnh, do đó cần cân đối chặt chẽ sản lượng lúa thu hoạch các vụ với nhu cầu tiêu thụ nội địa.

Xuất khẩu gạo dự báo tiếp tục sôi động khi nhu cầu của các thị trường tiêu thụ lớn trong khu vực như Indonesia, Philippines, Malaysia, Trung Quốc và châu Phi tăng cao do lo ngại thời tiết nắng nóng El Nino sẽ kéo dài đến giữa năm 2024. Giá nội địa theo đó cũng dự báo tiếp tục ổn định ở mức cao và duy trì xu hướng đi lên.

Tuy nhiên, ông Nam kiến nghị, Bộ Công Thương cần tăng cường công tác thông tin số liệu xuất khẩu để công tác cân đối cung cầu mặt hàng gạo của các bên có liên quan được thuận lợi hơn.

Vẫn còn cạnh tranh không lành mạnh

Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ kiến nghị, địa phương cần có thông tin kịp thời từ phía các tham tán thương mại và Bộ Công Thương để có chiến lược định hướng xuất khẩu. Theo ông Sơn, hiện có một số DN chào giá thấp hơn thị trường, đơn cử một DN thì chào 900 USD/tấn nhưng cũng chủng loại gạo đó, một DN khác lại chỉ chào 800 USD, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh.

Vì vậy, nhiều địa phương mong muốn Bộ Công Thương cho kênh thông tin nhanh về nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước, chủ động đàm phán xuất khẩu trong hiện tại và tương lai. “Thông tin của Bộ Công Thương có thể chuyển vào email của Sở Công Thương để chuyển tới DN”, ông Nguyễn Thành Huân, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang kỳ vọng.

Thông tin tới DN, địa phương, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Philippines Phùng Văn Thành cho biết, năm 2024, nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines vẫn ở mức cao, dự kiến khoảng từ trên 3,5 triệu đến 3,8 triệu tấn.

Ông Thành đánh giá: Philippines trong những năm gần đây luôn là thị trường xuất khẩu gạo quan trọng của Việt Nam, vì vậy, Thương vụ kiến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước, bên cạnh tranh thủ những cơ hội mới ở những thị trường mới, cũng vẫn cần phải quan tâm, duy trì đảm bảo vị thế số 1 xuất khẩu gạo của Việt Nam tại thị trường Philippines. Thái Lan cũng đang tìm cách gia tăng sản lượng, thị phần xuất khẩu gạo vào Philippines và cạnh tranh với gạo của Việt Nam.

Với thị trường Indonesia, ông Phạm Thế Cường, Tham tán thương vụ Việt Nam tại Indonesia, cho biết ngày 26/2/2024, Bộ trưởng Thương mại Indonesia, ông Zulkifli Hasan cho biết, tổng lượng gạo nhập khẩu dự kiến của Indonesia mà Chính phủ đã quyết định nhập trong năm 2024 là 3,6 triệu tấn, tăng thêm 1,6 triệu tấn so với dự kiến ban đầu xuất phát từ việc gieo cấy vụ canh tác chính trong năm bị chậm vì thiếu nước canh tác, ảnh hưởng từ hiện tượng El Nino trong năm 2023.

Với tình hình gạo đang thiếu hụt nghiêm trọng, trong bối cảnh mùa vụ thu hoạch chính vụ chưa bắt đầu và tháng Lễ Ramadan của người Hồi giáo sẽ bắt đầu trung tuần tháng 3/2024 và kéo dài trong 01 tháng khiến nhu cầu lương thực, thực phẩm sẽ tiếp tục gia tăng mạnh.

Dự báo, Chính phủ Indonesia sẽ phải tiếp tục sớm mở thầu mua thêm gạo, ngoài đợt mở thầu thu mua 500.000 tấn gạo ngày 17/1/2024 vừa qua (trong đó các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đã thắng thầu cung cấp hơn 300.000 tấn). Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần theo dõi sát thông tin thị trường, tận dụng tranh thủ cơ hội xuất khẩu gạo trong những tháng đầu năm sang thị trường Indonesia.

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/xuat-khau-gao-2024-co-the-xo-do-ky-luc-2023-1098485.html