Xuất khẩu gạo: Đừng phụ 'ngọc trời'
Việc điều tiết xuất khẩu gạo, đảm bảo chất lượng xây dựng giá trị thương hiệu, giá bán hợp lý là câu chuyện của người quản lý.
Việt Nam là nước nông nghiệp lâu đời, người dân đồng bằng châu thổ sông Hồng, sông Cửu Long bao đời gắn bó sống cùng với cây lúa. Việc làm nông đi cả vào ca dao, tục ngữ:
“Cày đồng đang buổi ban trưa,
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.
Ai ơi, bưng bát cơm đầy,
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần!”
Hay vui vẻ hơn như:
“Rủ nhau đi cấy đi cày,
Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”.
Và dù có thi vị hóa đến thế nào thì nghề nông vẫn là nghề vất vả “chân lấm tay bùn”.
Tôi nhớ ngày bé sang chơi với bà ngoại, bà rất chiều tôi, nhưng bà không bao giờ vừa ý nếu tôi ăn không hết cơm mà để bỏ thừa, bỏ mứa. Bà nói: “Hạt gạo, hạt cơm là ngọc thực của đất trời nuôi sống con người, bỏ phí là phải tội”.
Câu nói ấy vẫn theo tôi đến tận bây giờ, nên đến giờ tôi vẫn giữ thói quen ăn sạch bát, không để thừa một hạt cơm nào, cũng như là cách tri ân những người nông dân vất vả làm ra thóc gạo.
Thế nên với các thông tin gần đây giá lúa gạo tăng lên, lượng gạo xuất khẩu cũng tăng lên, tôi thấy mừng cho người nông dân Việt Nam khi thành quả lao động là hạt thóc nay đã có giá trị cao hơn, có lợi nhuận hơn, bõ công “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.
Nhưng bên cạnh đó, việc điều tiết xuất khẩu gạo, đảm bảo chất lượng xây dựng giá trị thương hiệu, giá bán hợp lý lại là câu chuyện của người quản lý. Nếu để buông trôi thả lỏng thì “lợi bất cập hại” có thể ăn xổi được vài vụ rồi lại “mèo lại hoàn mèo”.
Diễn biến phức tạp của thời tiết do hiện tượng El Nino gây hạn hán, ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp. Tình hình chiến sự Nga - Ukraine vẫn hết sức căng thẳng do Nga rút khỏi “thỏa thuận ngũ cốc biển Đen”, lượng ngũ cốc do Ukraine sản xuất bị Nga phần bịt đường xuất khẩu phần bị đánh phá tại các cảng, kho chứa, chưa kể tới một lượng lớn ngũ cốc phải sử dụng phục vụ chiến tranh. Ít người để ý các loại bột thuốc súng, thuốc bom, pháo… có thành phần từ ngũ cốc, lúa mì.
Do vậy hai nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới là Ấn Độ, Thái Lan có dấu hiệu ra lệnh cấm xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực, dành cơ hội cho gạo Việt Nam được nhiều thị trường nhập mua với giá khá cao.
Lượng lúa gạo mà nền nông nghiệp Việt Nam sản xuất, ngoài phần đảm bảo lượng sử dụng cho nhân dân trong nước, thì còn số dư có thể xuất khẩu được 7.5 triệu tấn gạo. Đây là cơ hội lớn để hạt gạo Việt Nam chiếm lĩnh thị phần thế giới, khi xu hướng sử dụng gạo là lương thực chính đang phát triển mạnh ở châu Phi, thay thế lúa mì.
Vấn đề nằm ở chỗ nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo nước ta thấy có cơ hội nên ồ ạt thu gom rồi xuất khẩu, trong khi chất lượng và thương hiệu gạo Việt Nam không phải tất cả các loại đều chuẩn. Các kệ bán gạo tại Nhật Bản ngoài gạo của Nhật sản xuất thì chỉ thấy gạo Thái Lan chứ chưa thấy bóng dáng bao nào gạo Việt.
Trong thế giới hiện đại, để tồn tại phát triển lâu dài thì phương châm kinh doanh phải phù hợp phương châm mới, không còn là “win - win” hay bên cùng thắng nữa, mà phải là “all win” tất cả cùng thắng.
Khi cơ hội xuất khẩu tăng, giá gạo lên thì không chỉ doanh nghiệp xuất khẩu có lợi mà phải để người nông dân cùng hưởng lợi. Không tận dụng sự khó khăn của khách hàng để ép giá, tăng giá giao hàng kém chất lượng, mà phải làm với dịch vụ tốt hơn, chất lượng hơn giá cả cạnh tranh để khi khó khăn qua đi mình đã trở thành khách hàng thân thiết.
Nếu không, khi các nước xuất khẩu gạo hàng đầu dỡ bỏ lệnh cấm thì họ sẽ quay lưng với gạo Việt Nam. Chưa kể, việc mải mê xuất khẩu kiếm lời có thể dẫn đến việc thiếu hụt lương thực trong nước, đẩy người dân vào tình trạng khó khăn do thiếu gạo, giá gạo cao. Trong bối tình hình kinh tế trong nước hiện tại còn khó khăn, công nhân mất việc, doanh nghiệp không đơn hàng đang tăng lên từng ngày, nếu cộng thêm việc giá gạo trong nước tăng cao thì thật khó chấp nhận.
Trong tương lai, việc sản xuất lúa gạo sẽ có thêm nhiều khó khăn hơn, do diện tích trồng trọt bị thu hẹp, do nước mặn xâm hại, việc tưới tiêu không chủ động do ảnh hưởng từ việc có quá nhiều đập thủy điện trên thượng nguồn các sông lớn, lượng phù sa cũng bị lắng lại tại các hồ chứa nước làm đất nhanh thoái hóa, bạc màu.
Nên chăng nhân dịp giá lúa gạo tăng này, chúng ta hãy thiết lập thêm những vùng chuyên canh, xây dựng thương hiệu giống lúa chất lượng cao thích ứng với biến đổi khí hậu, cơ giới hóa đồng bộ xây dựng giá trị bền vững cho cây lúa. Bên cạnh đó, xây dựng thị trường xuất khẩu gạo bền vững lâu dài, tạo lợi thế việc làm ổn định cho người nông dân.
Các nhà quản lý chính sách cần kiên quyết ngăn chặn các doanh nghiệp “thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào”, thấy xuất khẩu gạo có lợi là tìm cách xông vào dù trước nay không hề có chức năng nhiệm vụ về xuất nhập khẩu lương thực. Có như vậy mới không phụ lại hạt “ngọc thực” của đất trời và mồ hôi công sức của người làm ra hạt lúa.
Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/su-kien-binh-luan/202308/xuat-khau-gao-dung-phu-ngoc-troi-986981/