Xuất khẩu gạo giảm mạnh, chuyên gia khuyên đừng vội giảm giá

Gạo là mặt hàng xuất khẩu được kỳ vọng tiếp tục có sự bứt phá trong năm 2021, song theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu quý I giảm 30,4% về lượng và 17,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, cánh cửa thị trường vẫn đang mở cho các doanh nghiệp xuất khẩu của ngành lúa gạo Việt Nam.

Sản lượng và giá trị xuất khẩu đều giảm

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), quý I, xuất khẩu gạo chỉ ở mức 1,1 triệu tấn, đạt giá trị 606 triệu USD giảm 30,4% về lượng và 17,4% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Hiện, Philippines là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam chiếm hơn 38,3% thị phần. Song, trong những tháng đầu năm 2021, lượng gạo xuất khẩu sang Philippines đã giảm 28,3% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 225,9 nghìn tấn với 137,6 triệu USD. Thị trường Trung Quốc cũng ghi nhận sự sụt giảm, đặc biệt là gạo nếp - mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường này.

Giám đốc Công ty Lương thực - Thực phẩm Long An Đặng Thị Liên chia sẻ rằng: Những năm trước vào thời điểm quý I, các hợp đồng Chính phủ đã có nhiều, nhưng năm nay vẫn chưa có, chỉ có các hợp đồng thương mại. Với Công ty Lương thực - Thực phẩm Long An, lượng hợp đồng thương mại ký kết không được bao nhiêu do giá gạo Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh từ hai nhà xuất khẩu lớn là Thái Lan và Ấn Độ.

Về nguyên nhân xuất khẩu gạo trong quý I-2021 giảm mạnh, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản lý giải: Hai thị trường nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam là Trung Quốc và Philippines chưa đưa ra lượng hàng cần nhập bởi còn cân đối nhu cầu trong nước. Bên cạnh đó, gạo Việt Nam còn chịu cạnh tranh lớn khi giá xuất khẩu gạo của Thái Lan, Ấn Độ liên tục giảm.

Chi phí vận chuyển cũng là vấn đề, nhiều hãng tàu thông báo cắt dịch vụ trên một số chặng và chưa có kế hoạch cho năm nay đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại trên toàn thế giới, trong đó có xuất khẩu gạo của Việt Nam. Giám đốc Marketing của Công ty TNHH Vrice Phan Văn Có chia sẻ: Hiện tại, giá cước thuê container từ thành phố Hồ Chí Minh đi châu Âu dao động 4.000 - 4.600 USD/cont 20 feet và châu Phi là 3.500 - 4.000 USD/cont 20 feet... Mức giá này khá cao khiến khách hàng trước đây giao dịch với Công ty đã chọn phương án mua hàng các nước có vị trí địa lý gần nhất để giảm giá cước và rủi ro trong quá trình vận chuyển.

Cánh cửa thị trường vẫn đang mở

Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn nhận định, việc xuất khẩu gạo trong quý I-2021 giảm là điều không tránh khỏi bởi thị trường luôn có những biến động. Tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và Chính phủ nhiều nước vẫn muốn bảo đảm an ninh lương thực bằng cách tăng mua dự trữ, vì vậy nhu cầu gạo sẽ vẫn cao trong năm 2021.

Đồng quan điểm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An Phạm Thái Bình cho rằng, các doanh nghiệp đừng vội giảm giá gạo xuất khẩu với mục đích cạnh tranh, bởi có thể "mắc bẫy" thị trường. Hiện các nước nhập khẩu đang cân đối số lượng nên chưa đưa ra lượng gạo cần nhập, khi nhu cầu cao sẽ buộc phải nhập khẩu. Thêm nữa thị trường nhập khẩu đang có xu hướng tìm đến những sản phẩm có giá trị chứ không "ham rẻ".

Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản cho biết thêm: Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với những ưu đãi về thuế sẽ giúp mặt hàng gạo Việt Nam có nhiều cơ hội để tăng lượng hàng xuất khẩu và cạnh tranh tốt với các nhà xuất khẩu gạo khác. Đơn cử như với Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA), EU sẽ miễn thuế nhập khẩu cho 80.000 tấn gạo từ Việt Nam, xấp xỉ 3,3% sản lượng nhập khẩu hằng năm của EU. Việc miễn thuế này đem lại lợi thế cho gạo Việt Nam so với một số quốc gia xuất khẩu khác như Campuchia và Myanmar...

Để thúc đẩy xuất khẩu gạo trong thời gian tới, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh thông tin, Bộ Công Thương đang kiến nghị Chính phủ hỗ trợ trong vận tải cũng như các hợp đồng thương mại về gạo và nông sản nói chung.

Và mới đây, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã công bố danh sách 207 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo tính đến ngày 23-3-2021 (tháng 1-2021 chỉ có 205). Với lực lượng này, xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ đáp ứng được nhiều thị trường nhập khẩu có yêu cầu cao, giá trị lớn.

Cùng với việc tháo gỡ những vấn đề về thị trường, cước phí vận tải, theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần liên kết nông dân hình thành vùng nguyên liệu gạo chất lượng, tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu gạo xuất khẩu sang các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao để gia tăng giá trị; đồng thời quan tâm hơn tới vấn đề truy xuất nguồn gốc, thông qua đó đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường châu Âu, Hàn Quốc, Hoa Kỳ...

Đỗ Minh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/997395/xuat-khau-gao-giam-manh-chuyen-gia-khuyen-dung-voi-giam-gia