Xuất khẩu gạo: Làm gì để chinh phục thị trường khó tính?

Theo dự báo, nguồn cung gạo toàn cầu giảm do một số quốc gia vẫn hạn chế xuất khẩu gạo và tình hình thời tiết khắc nghiệt khi mưa lũ, thiên tai, nắng hạn đã làm giảm nguồn cung lúa gạo. Vì vậy, xuất khẩu gạo của Việt Nam được dự báo sẽ khởi sắc và có cơ hội tiếp cận thêm nhiều thị trường khó tính.

Liên kết phát triển vùng nguyên liệu giúp việc xuất khẩu gạo của Việt Nam phát triển ổn định. Ảnh: Xuân Quang.

Liên kết phát triển vùng nguyên liệu giúp việc xuất khẩu gạo của Việt Nam phát triển ổn định. Ảnh: Xuân Quang.

Sản xuất cần đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe

Những tín hiệu vui của xuất khẩu gạo trong quý I được nhận định một phần do các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA); gạo Việt ngày càng thâm nhập sâu vào các thị trường “khó tính”. Chính những điều này tiếp tục khẳng định chất lượng gạo Việt ngày càng gia tăng.

Theo đó, Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hết quý I/2024, xuất khẩu gạo đạt trên 2,18 triệu tấn, tương đương 1,43 tỷ USD, giá trung bình 653,9 USD/tấn. So với cùng kỳ năm trước tăng 17,6% về lượng, tăng 45,5% về kim ngạch và tăng 23,6% về giá.

Quý I/2024, gạo xuất khẩu tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm có nhu cầu tiêu thụ lớn về sản lượng. Trong đó, Philippines vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam chiếm 46,4% trong tổng lượng và chiếm 45,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo; thị trường Indonesia đứng thứ 2, tăng mạnh 199,7% về lượng, tăng 308,8% kim ngạch, Malaysia tăng 28,8% về lượng, tăng 60,6% về kim ngạch.

Giá gạo xuất khẩu sang cả 3 thị trường này đều tăng rất mạnh, trong đó giá xuất khẩu sang Indonesia tăng 36,4%, Malaysia tăng 24,7%. Không chỉ tăng về sản lượng, kim ngạch lẫn giá, Việt Nam gia tăng xuất khẩu các chủng loại gạo có giá trị cao, phù hợp với nhu cầu thị trường.

Theo nhận định của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tận dụng tốt cơ hội thị trường từ các FTA, cơ cấu thị trường dần chuyển dịch tích cực theo hướng đa dạng hóa, bên cạnh các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Philippines, hay châu Phi, cũng đã mở rộng sang các thị trường “khó tính” như châu Âu… với giá trị cao.

Bên cạnh đó, thương nhân cũng tận dụng tốt cơ hội trong những thách thức từ thị trường thương mại lương thực toàn cầu để trở thành nguồn cung thay thế ở nhiều thị trường tiềm năng như Mỹ, Canada, Chile.

Nhận định về bức tranh xuất khẩu gạo, ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, cơ cấu giống và xuất khẩu gạo của Việt Nam có trên 80% giống chất lượng cao, đặc sản đáp ứng yêu cầu của các DN xuất khẩu.

Theo ông Tùng, sản xuất lúa gạo của Việt Nam không chỉ quan tâm đến vấn đề xuất khẩu mà còn đảm nhận vấn đề an ninh lương thực quốc gia. Hiện nay, sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL đang tập trung theo các quy trình canh tác bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất theo hướng đạt chuẩn để đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Hội nhập càng sâu thì việc đáp ứng các yêu cầu, quy chuẩn của thị trường nhập khẩu càng phải chú trọng. “Tại các thị trường khó tính thì các tiêu chuẩn họ đặt ra rất khắt khe, vì thế cần tổ chức sản xuất để đáp ứng các yêu cầu đạt chuẩn này" - ông Tùng nói.

Đẩy mạnh phát triển thương hiệu gạo

Một số DN xuất khẩu gạo thông tin, châu Âu là một thị trường khó tính mà thời gian qua, các DN xuất khẩu phải hết sức nỗ lực mới có thể bước chân được vào thị trường này.

Chia sẻ của lãnh đạo một công ty ngành lúa gạo cho biết, hiện nay giá xuất khẩu gạo của công ty này sang 13 nước châu Âu ở mức 980 USD/tấn. Đây là mức giá khá tốt song, để vào được thị trường này không hề đơn giản, công ty này đã phải trải qua không ít thăng trầm, trong đó, nếu không chú trọng đến các yếu tố cơ bản là: Thương hiệu, công nghệ, nguồn nhân lực và tính liên kết trong chuỗi giá trị lúa gạo... thì DN khó có thể vững chân tại thị trường đầy khắt khe như châu Âu.

Và DN này cũng chỉ rõ, để tạo được chuỗi liên kết thì rất cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương cùng với các DN để mở vùng nguyên liệu và được sự hỗ trợ của địa phương. Nếu cả chuỗi giá trị lúa gạo gắn kết, sát cánh làm từng bước thì chắc chắn sẽ hình thành nên vùng nguyên liệu.

Theo ông Bùi Bá Bổng - Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam, xuất khẩu gạo đạt được những thành tựu vừa qua đã khẳng định được thương hiệu, uy tín của lúa gạo Việt Nam khi các địa phương đã quy hoạch vùng sản xuất tập trung để ổn định chất lượng, hướng tới các thị trường xuất khẩu.

Để nâng cao hình ảnh, vị thế của gạo Việt Nam, vị chuyên gia cho rằng, các bộ, ngành cần hỗ trợ tích cực cho DN, hiệp hội quảng bá hình ảnh lúa gạo Việt Nam để phát triển thị trường trong nước và quốc tế. Ngoài ra, các DN cần quan tâm đến phát triển vùng nguyên liệu để đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, yêu cầu thị trường.

"Vùng nguyên liệu thì bàn tay của địa phương giữ yếu tố quyết định, vì nếu các địa phương ra tay thì các DN, hợp tác xã sẽ liên kết được với nông dân. Khi nông dân liên kết lại thì có các vùng nguyên liệu ổn định và chất lượng cao theo tiêu chuẩn các doanh nghiệp. Nếu nông dân không liên kết thì không có vùng nguyên liệu ổn định, lâu dài" - ông Bổng nhấn mạnh.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng gạo hàng hóa xuất khẩu chủ yếu tập trung ở vùng ĐBSCL, tổng lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu tại năm 2024 ở các tỉnh vùng ĐBSCL ước đạt khoảng 7,6 triệu tấn. Trong đó nhóm gạo chất lượng cao khoảng 3,2 triệu tấn; nhóm gạo thơm, đặc sản đạt 2,5 triệu tấn; nhóm gạo chất lượng trung bình đạt 1,15 triệu tấn và nhóm nếp đạt 0,75 triệu tấn. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam dự báo, năm nay sản lượng lúa của Việt Nam đạt khoảng 43 triệu tấn, tương đương khoảng 20 triệu tấn gạo. Với số lượng gạo như vậy sẽ đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước, đảm bảo an ninh lương thực và phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

DUY KHANG

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/xuat-khau-gao-lam-gi-de-chinh-phuc-thi-truong-kho-tinh-10279596.html